Phải quản lý hoạt động sàn vàng

17/11/2009 15:59 GMT+7 | Thế giới

Trong phần đăng đàn trả lời chất vấn sáng nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng có lỗ hổng pháp lý trong quản lý hoạt động của sàn vàng hiện nay và cần phải quản lý chặt chẽ hoạt động này.

Sử dụng tiền xu không hiệu quả

Đánh giá nhanh trước khi bước vào phần trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho rằng gói kích thích kinh tế đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với các doanh nghiệp.

Có lỗ hổng pháp lý trong quản lý hoạt động của sàn vàng hiện nay . Ảnh minh họa : Hồng Vĩnh


Tuy nhiên ông cũng xác nhận việc triển khai gói kích thích kinh tế có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, phải bổ sung đối tượng. Quyết định 497 hỗ trợ chủ yếu cho khu vực nông thôn nhưng đạt hiệu quả chưa cao. Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết năm 2009 đồng tiền Việt Nam mất giá khoảng 5,18%.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) yêu cầu người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá về hiệu quả phát hành tiền kim loại trong khi các nước sử dụng rất hiệu quả còn ở Việt Nam thì người dân không mặn mà.

Ông Giàu cho biết việc sản xuất đồng tiền kim loại đưa vào lưu thông thì các Thống đốc tiền nhiệm đã có phương án trình và được Chính phủ quyết định trước đây. Ông thừa nhận các nội dung và đề án sản xuất tiền kim loại là không hiệu quả.

“Khi tôi nhận chức Thống đốc có nghe rất kỹ lưỡng và các đồng chí đánh giá đầy đủ với nhiều ý kiến. Chúng tôi đã nghiêm túc xem xét và ngưng không cho phát hành thêm đồng tiền xu này. Với những đồng tiền không đảm bảo điều kiện lưu hành chúng tôi đã tiến hành thu hồi. Những đồng tiền đủ điều kiện lưu hành thì vẫn cho tiếp tục lưu hành”- Ông Giàu cho biết.

Không đồng tình với câu trả lời của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng khi có mục tiêu thì phải có giải pháp. Khi có giải pháp rồi thì phải xem lại việc thực hiện có đúng không. Thế giới dùng tiền xu rất hiệu quả sao Việt Nam dùng không hiệu quả. Cần làm rõ trách nhiệm của ai?

Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thu hồi tiền xu không đảm bảo chất lượng nhưng sao dân vẫn không dùng các tiền xu đảm bảo chất lượng. Bà Nga cũng truy vấn lời hứa tại kỳ họp trước của ông Giàu về việc phát triển hệ thống máy bán lẻ để khuyến khích người dân sử dụng tiền xu?

Trả lời rất ngắn câu  hỏi thẳng này, ông Giàu cho biết việc sử dụng tiền xu là do tập quán. Thêm vào đó là tính phổ biến của sử dụng tiền xu không nhiều. Hơn nữa tỉ lệ tiền xu đã phát hành trong lưu thông hiện cũng không cao.

Phản ứng với giá vàng tăng không hề chậm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) khẳng định không đồng tình với đánh giá của ông Giàu là gói kích thích kinh tế đã mang lại hiệu quả rất lớn vì mới chỉ có 20% doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay. Ông cũng truy vấn trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc phản ứng không kịp thời với giá vàng tăng cao.


Theo lý giải của người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, chỉ có 20% doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay kích cầu là do từ ban đầu chúng ta xác định chỉ chọn lọc một số đối tượng để hỗ trợ, ưu tiên đối tượng sản xuất và các đối tượng thu hút nhiều lao động.

Hiện có 102.000 doanh nghiệp đã tiếp cận nguồn vốn vay trong khi theo thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam đến cuối 2008 Việt Nam có tổng cộng 326.000 doanh nghiệp. “Ý kiến đánh giá hiệu quả của gói kích cầu thì khác nhau. Người cho rằng hiệu quả, người bảo không nhưng theo Ngân hàng Nhà nước là hiệu quả”- ông khẳng định.  

Về ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước phản ứng chậm trong biến động giá vàng vừa qua, ông Giàu cho biết khi giá vàng thế giới biến động rất nhanh trong những ngày qua, Ngân hàng đã theo dõi liên tục, đặc biệt từ chiều 6/11 đến chiều 9/11.

Chúng tôi theo dõi mọi thông tin từ các doanh nghiệp vàng bạc và các thông tin khác. Ngân hàng có họp với 5 doanh nghiệp vàng bạc lớn cũng như theo dõi dân có rút tiền khỏi ngân hàng để mua vàng hay không.

Theo số liệu quản lý thì số vàng xuất khẩu đến nay rất ít. Từ 2005 đến 2008 chúng ta đã nhập 279 tấn vàng trong khi từ cuối 2008 đến nay mới xuất chính thức có 37 tấn. Đầu năm nay các doanh nghiệp có xuất sản phẩm vàng đã chế biến khoảng 57 tấn nữa.

Sau khi nghe các Tổng giám đốc ngân hàng thương  mại thì tôi đã dùng giải pháp trấn an là cho nhập vàng thì tức khắc giá vàng giảm. Đến nay đã cho quota nhập khẩu và giá đã ổn định. Các Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại đã cho dập vàng miếng liên tục và cho máy bay chở ra Hà Nội 5 chuyến/ngày.

“Chúng tôi đã nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế và cả các đại biểu Quốc hội. Thực sự theo đánh giá chúng tôi là đã phản ứng kịp thời”- Ông Giàu khẳng định.

Đại biểu Hoàng Thị Hảo (Hải Dương) cho rằng việc cho nhập khẩu vàng sẽ cần một lượng ngoại tệ lớn. Cùng với đó hiện một số sàn giao dịch vàng hoạt động, kiểm soát chưa chặt chẽ. Việc cấp phép, quản lý sàn giao dịch chưa tốt trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Giàu cho rằng đương nhiên cho nhập vàng sẽ tăng thêm nhập siêu. Tuy nhiên lượng vàng chúng ta đã nhập vào trong thời gian vừa qua thì vẫn còn dư. Điển hình là dù đã cấp quota nhưng trong tuần qua lượng vàng được các  doanh nghiệp nhập về không nhiều.

Ông khẳng định sàn vàng hiện đang là kẽ hở của pháp luật và không có cơ quan nào quản lý. Một số ngân hàng cũng đã có hoạt động giao dịch của sàn vàng. Tuy nhiên Thống đốc chưa cấp giấy phép nào cho sàn vàng nào của ngân hàng hoạt động cả.

Chúng tôi đã báo cáo và Thủ tướng có chỉ đạo thành lập tổ công tác nghiên cứu về vấn đề này. Có nhiều ý kiến không nên quản lý hoạt động của sàn vàng nhưng quan điểm của Ngân hàng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ vì đây là mặt hàng nhạy cảm.

Các doanh nghiệp nợ bằng ngoại tệ tới 17 tỉ đô la

Khá nhiều đại biểu cho biết đã nhận được văn bản trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhưng không đồng tình với cách trả lời này nên phải chất vấn thêm.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) truy vấn tình hình căng thẳng của thị trường ngoại tệ trong thời gian qua. Doanh nghiệp muốn mua được đô la thì phải trả thêm phí nên dẫn đến tính trạng găm giữ ngoại tệ của các doanh nghiệp. “Việc duy trì tỉ giá hiện nay đã linh hoạt chưa hay là ấn định cứng nhắc theo kiểu duy ý trí. Việc quản lý thị trường ngoại hối kiểu hành chính hiện nay có hiệu quả?”- Bà đặt câu hỏi.

Ông Giàu cho biết do cơ cấu nền kinh tế, từ khi đổi mới 1986 đến nay là 23 năm chúng ta liên tục nhập siêu. Năm ngoái tình hình căng thẳng chưa giải quyết xong thì chúng ta phải đối mặt với tình trạng suy giảm. Vì vậy về ngoại tệ chúng ta có những khó khăn mới.

Khi nới lỏng chính sách thì lập tức có áp lực lên tỉ giá. Cách giải quyết nhanh nhất là thắt chặt chính sách. Tuy nhiên việc này sẽ bị mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng. Cũng có ý kiến là phá giá đồng tiền tiếp nhưng không phải dễ. Nợ ngoại tệ của chúng ta hiện nay rất lớn. Riêng nợ bằng ngoại tệ của doanh nghiệp hiện cũng lớn, lên tới 17 tỉ USD.

Tập trung vào vấn đề nợ xấu của Việt Nam hiện nay, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho biết báo cáo của các tổ chức độc lập nước ngoài cho thấy nợ xấu của Việt Nam hiện nay ở mức 13% trong khi Ngân hàng Nhà nước công bố nợ xấu ở mức rất thấp. Nếu tính nợ xấu lớn của các chương trình mía đường, nợ của Vinashin gộp vào thì sẽ không phải như mức của ngân hàng công bố. Vấn đề này được giải quyết ra sao?

Ông Giàu cho biết đã phải triệu tập một cuộc họp về vấn đề này. Cuối 2008 nợ xấu tăng thêm 0,8% đến nay nợ xấu là 2,34%. “Còn báo cáo của tổ chức độc lập tôi chưa được tiếp cận nên không rõ”- Ông nói.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nêu ý kiến: Quyết định 497 không phù hợp với thực tiễn. Ở nơi nào tổ chức thực hiện nghiêm túc quyết định này thì không thể vay được tiền. Nơi nào xé rào thì mới có thể thực hiện giải ngân được. Dư nợ tín dụng tiền dùng hiện ở mức rất cao 39%.Có nước nào trên thế giới 8 đồng tín dụng mới tạo ra 1 đồng GDP?

Ông cũng cho rằng để chống cho vay nặng lãi thì ngân hàng đã áp dụng quy định lãi suất cơ bản nhưng thực tế có nên áp dụng cơ chế khống chế lãi suất cơ bản không? “Chúng ta vừa muốn ổn định vĩ mô vừa muốn ổn định tỉ giá hối đoái thì có hợp lý. Nếu làm cả hai điều này cùng lúc thì tôi tin rằng Ngân hàng Nhà nước không thể thực hiện được”- Ông Lịch đánh giá.

Trước câu hỏi khá sắc sảo này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết việc xé rào cho vay theo Quyết định 497 sai quy định là phải xử lý. Còn xử lý nội bộ nếu thấy không sai quy định, chính sách của Nhà nước thì chúng tôi sẽ xem xét xử lý.

Ông cũng đưa ra một số lý giải về việc tăng trưởng tín dụng lớn. Sau tình hình suy giảm thì Chính phủ quyết định tăng trưởng tín dụng bằng 6 lần so với tăng GDP. Ở các nước như Thái Lan, Singapore, thậm chí Philipinnes cũng có mức tăng tín dụng cao. Indonesia tăng tín dụng khoảng 3,2 lần so với tăng GDP. Cũng có ý kiến tăng tín dụng mãi cũng không sao nhưng chúng tôi vẫn theo dõi chặt chẽ vấn đề này.

Chứng minh những khó khăn do Quyết định 497 gây ra, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) thống kê có 8 loại thủ tục khác nhau để được vay vốn ở khu vực nông thôn. Những quy định về thủ tục này khiến nông dân với tay không tới trong khi số tiền cho vay quá nhỏ. Trả lời vắn tắt câu hỏi trên, ông Giàu cho biết sẽ có sự điều chỉnh trong việc cho vay ở khu vực này.

Khá nhiều đại biểu cũng đặt các câu hỏi xung quanh vấn đề hiệu quả của hoạt động cho vay của ngân hàng, quỹ dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện còn bao nhiêu? Vì sao không dự trữ bằng các ngoại tệ khác hoặc dự trữ bằng vàng? Sự phân biệt lãi suất giữa cấp tỉnh và cấp huyện của Ngân hàng NN&PTNT; hiệu quả của việc trả lương qua tài khoản...

Theo Tiền Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm