Vụ Modric: Thấy lợi thì làm, tính toán gì đâu!

19/06/2011 11:47 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH)- Vụ chuyển nhượng Luka Modric nhiều khả năng sẽ kéo dài suốt mùa Hè, gây ra nhiều tranh cãi và làm đổ vỡ mối quan hệ giữa các bên liên quan.

Modric đã gây sức ép

Chelsea hỏi mua, đưa ra giá thấp. Tottenham từ chối. Các đối thủ khác nhảy vào cuộc, buộc Chelsea phải nâng giá, lên mức mà Tottenham có thể chấp nhận được. Vụ Modric đã được chờ đợi sẽ diễn ra theo chiều hướng như thế và có cái kết tốt đẹp. Nhưng khi Modric lên tiếng nói rằng "Tôi muốn đến Chelsea", sự việc đã trở nên nghiêm trọng. Khi đích thân Chủ tịch của Tottenham, Daniel Levy, đưa ra thông báo chính thức rằng "Sẽ không bán Modric với bất kỳ giá nào, không bán cho Chelsea hay bất kỳ đội bóng nào khác", tình hình đã trở nên không thể cứu vãn.

Tương lai của Modric vẫn chưa được xác định- Ảnh Getty

Modric thực sự muốn rời Tottenham và tìm đến CLB lớn hơn, đẳng cấp cao hơn và giàu tham vọng hơn. Từ cuộc phỏng vấn đầu tiên ở mùa Hè này, anh đã ám chỉ đến khả năng ra đi: "Tôi vẫn hạnh phúc ở White Hart Lane. Nhưng mọi chuyện đều có thể xảy ra. Hãy chờ xem". Modric không thích đến Chelsea mới là chuyện lạ. Đến Chelsea, năm nào anh cũng được dự Champions League, cũng nghĩ về các danh hiệu cao quý - những thứ mà anh không thể có được nếu ở lại Tottenham. Sau khi ký hợp đồng mới Tottenham cách đây 1 năm, lương của Luka Modric cũng chỉ ở mức 50 nghìn bảng/tuần trong khi Chelsea hứa hẹn sẽ trả lương anh lên đến 130 nghìn bảng/tuần. Khác biệt nhỏ thì không sao, nhưng tăng 2 lần rưỡi thì lại là chuyện khác.

Như người ta thường nói, thấy lợi thì làm. Modric không cần tính toán gì nhiều để đưa ra quyết định của mình. Từ mức độ úp mở, anh công khai luôn kế hoạch cho tương lai. Không biết vô tình hay cố ý, nhưng lời công khai của Modric đã gây sức ép lên phía Tottenham. Vì thời hạn hợp đồng hiện tại có hiệu lực mãi đến năm 2016, Modric sẽ chẳng còn giải pháp nào khác nếu Tottenham không chịu bán. Nhưng có một điều luật bất thành văn, nếu cầu thủ không còn cảm thấy hạnh phúc và muốn ra đi, CLB chủ quản không thể giữ chân anh ta. Giữ được "xác" nhưng không có được cái "hồn". Cầu thủ vẫn có thể ra sân thi đấu, nhưng chắc chắn không thể cống hiến hết khả năng, tinh thần.

Spurs chọn giải pháp cứng rắn

Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nếu Modric cứ im lặng và để tương lai của anh được giải quyết trên bàn đàm phán như các vụ chuyển nhượng khác. Spurs thừa biết mình là ai, tiềm lực và khả năng tài chính đến đâu. Modric không phải là ngôi sao đầu tiên và chắc chắn không phải cuối cùng của họ bị các đội bóng lớn chèo kéo. Họ sẵn sàng thương lượng và sự thực đã có cuộc đàm phán đầu tiên với Chelsea. Nhưng trên bàn đàm phán, họ muốn chiếm thế thượng phong, hoặc ít nhất không bị ép. Spurs đã rất kỳ vọng giá của Modric có thể được đẩy lên 30 triệu bảng khi M.U và Man City cũng thể hiện sự quan tâm. Cầu lớn hơn cung, giá lên là điều đương nhiên.

Nhưng vì Modric công khai ý muốn khoác áo Chelsea, "cầu" đã bị giới hạn trong một đối tượng mà thôi. Man City và M.U nhiều khả năng sẽ rút lui. Trên bàn đàm phán, Spurs chỉ còn một sự lựa chọn là Chelsea mà thôi. Không còn cơ hội để đạt được cái giá như kỳ vọng. BLĐ Spurs không tức giận mới lạ. Chủ tịch Daniel Levy ra luôn thông báo chính thức, đại ý rằng không mua bán gì hết, giải tán.

Từ sau thông báo ấy, sự việc đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Từ giây phút này, có thể nhìn thấy ai "liều" hơn, "lì" hơn, kẻ ấy sẽ chiến thắng. Modric đã tự đẩy mình vào thế không thể ở lại White Hart Lane, còn nếu ở lại thì người Tottenham không còn dành cho anh sự tôn trọng như trước (ở khía cạnh này, anh cần học hỏi sự khôn ngoan của Fabregas). Trong trường hợp chọn giải pháp "đã đâm lao thì phải theo lao", Modric sẽ phải mạnh dạn hơn, đe dọa tẩy chay tập luyện hoặc thi đấu.

Chelsea buộc phải lựa chọn 2 giải pháp nếu muốn có Modric. Thứ nhất tăng giá lên mức yêu cầu của Spurs và thứ hai là chơi trò "chờ đợi" với đối thủ, kỳ vọng mối quan hệ giữa Modric và Spurs rạn nứt đến mức không thể hàn gắn. Giải pháp thứ nhất thì mất tiền, giải pháp thứ hai thì mất thời gian và trong trường hợp không thể có Modric, Chelsea sẽ không thể xoay sang giải pháp dự phòng. Điều tương tự xảy ra với Tottenham nếu họ khăng khăng giữ thái độ cứng rắn. Ngay cả khi bán Modric với giá cao, Spurs sẽ không có nhiều thời gian để tìm người thay thế.

ĐỨC LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm