Khi ngựa xiếc …"về hưu"!

18/09/2008 08:03 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Xiếc ngựa là một trong những tiết mục đứng đầu bảng trong các chương trình biểu diễn của Liên đoàn Xiếc (LĐX) Việt Nam. Ai xem ở Rạp Xiếc Trung ương một lần cũng không thể quên được 4 con ngựa xiếc lừng lững mang tên Tâm, Nghiệp, Chí, Thành; không thể quên được nàng "cưỡi ngựa gẫy đàn" xinh đẹp - diễn viên Thanh Huyền...
 
Thế nhưng, gần đây tiết mục xiếc ngựa không còn xuất hiện trên “sân khấu tròn” nữa. Ông Tạ Duy Nhẫn – Trưởng đoàn Xiếc thú, LĐX Việt Nam cho biết:

Ông Tạ Duy Nhẫn – Trưởng đoàn Xiếc thú, LĐX Việt Nam
- Không có chuyện bỏ xiếc ngựa. Chúng tôi chỉ tạm dừng xiếc ngựa vì bốn con ngựa Tâm, Nghiệp, Chí, Thành đã đến tuổi… “nghỉ hưu”. Những con thú sau một khoảng thời gian “cống hiến” khá dài trên sân khấu xiếc đều đã đến tuổi nghỉ hưu và phải thay thế, cùng với đó điều kiện chăn nuôi hiện tại của Đoàn xiếc thú còn chưa được tốt. Hiện chúng tôi đang xây dựng một khu “chung cư cho thú” với những điều kiện có thể nói là tốt nhất khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm này và dự tính sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối tháng 9 này. Cùng với đó, chúng tôi sẽ có kế hoạch bổ sung ngựa và nhanh chóng đưa xiếc ngựa trở lại sân khấu xiếc. Để có được tiết mục xiếc ngựa cần phải có ít nhất từ 4 đến 6, thậm chí 10 ngựa mới được…”.

* Vậy tình trạng hiện nay của 4 "nghệ sỹ về hưu" Tâm, Nghiệp, Chí, Thành ra sao?
 
Hai “ngựa hưu” Tâm và Nghiệp
 
-Tâm, Nghiệp, Chí, Thành là tốp ngựa được huấn luyện từ năm 1994. Trong bộ bốn ngựa kể trên hiện chỉ còn Tâm, còn lại đã quá già yếu không sử dụng được nữa. Đây là một tốp ngựa diễn đã có rất nhiều đóng góp cho đoàn xiếc, chúng đã công hiến tới 14 năm trên sân khấu. Khi mới về đoàn tuổi trung bình của chúng là 7, 8 tuổi và đến nay thì đã là trên 20 tuổi cả rồi. Bình thường một con ngựa diễn chừng 6 đến 7 năm là có thể “nghỉ hưu” nhưng do điều kiện của mình còn nhiều hạn chế nên bắt buộc phải kéo dài thời gian phục vụ công chúng. Hiện nay Đoàn xiếc thú mới có thêm con Trung. Đây là một con ngựa theo tôi là rất đạt tiêu chuẩn cả về vóc dáng, chiều cao đến cân nặng. Tuy nhiên để xây dựng các tiết mục ngựa thì ở thời điểm này là chưa thể vì lượng ngựa ít ỏi, chất lượng kém và thiếu sự đồng đều.
 
* Việc kiếm tìm những con ngựa đủ tiêu chuẩn để thuần dưỡng, huấn luyện thành "diễn viên xiếc" trong thời buổi hiện nay giống như “đãi cát tìm vàng”. Vậy, cá nhân ông nói riêng và LĐX Việt Nam nói chung đã có kế hoạch gì chưa?

Xiếc ngựa sẽ "tái xuất", có thêm môn "Ngựa trò"
 
"Dự kiến hè sang năm, xiếc ngựa sẽ có thể “tái xuẩt” trên sân khấu tròn. Và sự trở lại này sẽ hứa hẹn nhiều điều mới mẻ về phong cách biểu diễn, về trang phục, động tác, vũ đạo, âm nhạc… Sau khi khôi phục xiếc ngựa, chúng tôi dự kiến có lập thêm môn Ngựa trò. Để tạo được sự khác biệt và sự thích thú đối với người xem thì sẽ tuyển những con ngựa lùn, lạ mắt và mang nét đặc trưng mà chỉ ở sân khấu xiếc mới có" (phát biểu của ông Tạ Duy Nhẫn).

- Thực ra việc tìm kiếm ngựa diễn dễ mà cũng khó. Ngựa ở phía Nam đáp ứng nhu cầu chiều cao nhưng khi mang ra Bắc thì lại không hợp với thời tiết, khí hậu. Ngựa phía Bắc tìm được một con có chiều cao là rất khó chứ chưa nói gì đến tầm vóc. Hiện tại trại ngựa Bá Vân, chúng tôi đã liên lạc và cũng tìm được những con đủ tiêu chuẩn. Bộ môn xiếc thú, như người ta nói, là trò chơi của những "nhà tư bản"! Thứ nhất nằm ở sự đầu tư, thứ hai con thú cần phải là những con thú đẹp và độc đáo, lạ và xuất sắc. Yêu cầu của một “nghệ sĩ thú” không chỉ ở chuyên môn mà còn cần cả hình thức.

* Có người cho rằng sau khi diễn viên Thanh Huyền xây dựng gia đình, không theo nghiệp xiếc nữa thì tiết mục xiếc ngựa cũng gặp khó khăn? Vậy vấn đề diễn viên, có phải là đáng lo?

- Bộ môn xiếc ngựa đòi hỏi tốc độ khá lớn, chính vì vậy rất dễ gây chấn thương. Hiện nay đoàn cũng đã có những diễn viên trẻ đang trong quá trình tập luyện. Một điều nữa, những nghệ sĩ trước khi bước vào bộ môn xiếc ngựa thường rất e dè nhưng về sau phần nhiều lại có sự hứng thú với tốc độ nên vấn đề diễn viên không phải là đáng lo vì ở một góc độ nào đó, xiếc ngựa vẫn có sự cuốn hút với những diễn viên ưa tốc độ và ham thích khám phá.

* Vậy, để duy trì, phát triển được về lâu về dài cho các tiết mục xiếc thú nói chung cũng như tiết mục xiếc ngựa nói riêng thì phải làm gì, thưa ông?

- Thứ nhất, phải tạo điều kiện cho bộ môn xiếc ngựa có “của ăn của để”, nghĩa là một tiết mục xiếc ngựa thì đừng nên ấn định có 4 con hay 6 con mà có thể có 10 con để trong lúc vừa biểu diễn những con chính thì vẫn còn những con dự bị để tiết mục luôn luôn ổn định. Hiện nay ở mình, vẫn đang đầu tư theo kiểu tiết mục cần bao nhiêu con là chỉ ấn định từng ấy dẫn tới tình trạng khi những con thú đến tuổi nghỉ hưu mà không có con thay thế và lại mất một khoảng thời gian để huấn luyện lại từ đầu. Trong tương lai, không chỉ là xiếc ngựa mà tất cả những bộ môn xiếc khác cũng cần có đội ngũ thú dự bị như vậy để bảo đảm tính liên tục của các tiết mục.

* Xin cảm ơn ông!
 
Yên Khương (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm