Vĩnh biệt GS Hà Văn Tấn: 'Viết sử, trước hết phải là người trung thực'

29/11/2019 07:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn nửa thế kỷ phủ bóng lên nền sử học Việt Nam, “tứ trụ” nổi tiếng Lâm - Lê - Tấn - Vượng cũng tới lúc phải cùng nhau rời xa cõi tạm khi người cuối cùng trong số họ - GS Hà Văn Tấn - qua đời vào tối 27/11 vừa rồi...

Sự nghiệp để đời của 'cây đại thụ' sử học ­Hà Văn Tấn

Sự nghiệp để đời của 'cây đại thụ' sử học ­Hà Văn Tấn

Giáo sư Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong nhóm "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam hiện đại (Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng) đã qua đời vào lúc 21h02 ngày 27-11-2019, tại Hà Nội. Ông được giới sử học gọi là "Lê Quý Đôn" của thế kỷ XXI.

“Biết sự thật không dễ. Dám nói lên sự thật nhiều khi càng khó hơn. Muốn viết sử phải biết phương pháp sử học, và trước hết phải là người trung thực chứ không phải là tên cơ hội”, những dòng đó GS Hà Văn Tấn từng viết trong bài Lịch sử, sự thật và sử học (năm 1988) và đang liên tục được các học trò, đồng nghiệp của ông nhắc lại trong những ngày qua.

“Lê Quý Đôn của thế kỷ 20”

Một mặt, như lời người trong nghề, mấy câu ngắn gọn ấy là đủ để nói về tuyên ngôn và xa hơn, là tôn chỉ của ngành sử học Việt Nam hiện đại. Nhưng, ở một góc độ khác, nó cũng cho thấy cá tính và tâm nguyện của một cây đại thụ trong nghề.

Giống như, nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy từng nhận xét rằng, nếu người ta chú ý đến cái “bụi” của Trần Quốc Vượng, cái nghiêm túc của Phan Huy Lê, thì ở Hà Văn Tấn người ta chú ý đến cái kiêu. Ông viết: “Có lẽ, trong các xã hội thang bậc của chúng ta từ trước nay, tự kiêu là cái tính được người ta vừa yêu vừa ghét. Nhưng với Hà Văn Tấn thì hẳn người ta dễ cảm thông hơn. Trước hết vì ông giỏi và thắng thắn bộc lộ cái giỏi đó. Sau nữa, thái độ tự kiêu của ông là để đối lập, để vạch mặt cái kiểu tự kiêu giả để che dấu cái dốt thật. Cuối cùng, trong nhiều trường hợp tự kiêu trùng với tự trọng. Hiểu được giá trị của bản thân và kiên quyết gìn giữ nó cho bằng được”.

Chú thích ảnh
GS Hà Văn Tấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nếu nhìn từ góc độ di sản khoa học để lại, “cái giỏi” ở GS Hà Văn Tấn - như cách nói của Đỗ Lai Thúy - khó có thể nói hết trong một bài viết. Còn nhìn ở góc độ về sự thông tuệ và năng lực tư duy, danh xưng “Lê Quý Đôn của thế kỷ 20” mà giới sử học dành cho ông cũng là đủ để nói lên tất cả.

Sự so sánh ấy có thể làm một số người thắc mắc. Nhưng thực tế, lúc sinh thời, chính cố GS sử học Phan Huy Lê từng khẳng định: So với 3 “trụ” còn lại, GS Tấn là người có trí nhớ tốt nhất. Theo lời ông, trí nhớ thiên bẩm của GS Tấn gần như đạt tới mức “đọc sách một lần là thuộc” và dễ dàng thẩm thấu, hấp thụ được một lượng tri thức khổng lồ trên con đường nghiên cứu khoa học của mình.

Bởi thế, không có gì lạ khi với rất nhiều học trò, GS Hà Văn Tấn là một huyền thoại về khả năng tự học kỳ tài. Ông thông thạo chữ Hán và hàng loạt ngoại ngữ như tiếng Pháp, Anh, Nga, Đức, Trung và cả tiếng Phạn (Ấn Độ cổ đại). Trong lĩnh vực sử học chuyên môn, ở tuổi 21, GS Tấn đã hiệu đính và làm chú dẫn bản dịch Dư địa chí của Nguyễn Trãi, trong đó dẫn dụng tới hơn 40 bộ cổ văn của Trung Quốc và Việt Nam (tất cả đều đọc trực tiếp từ nguyên bản tiếng Hán). Sau này, khi cùng GS Trần Quốc Vượng trở thành hạt nhân xây dựng ngành khảo cổ học, ông cũng học thêm hàng loạt kiến thức chuyên ngành và liên ngành khác để đi sâu nghiên cứu trong lĩnh vực này.

“Những đóng góp của GS Hà Văn Tấn rất rộng và bao quát khắp mọi lĩnh vực của ngành sử học” - PGS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội khảo cổ Việt Nam, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa - “Riêng trong lĩnh vực khảo cổ, cùng với GS Trần Quốc Vượng, ông là người viết những giáo trình đầu tiên và có thể coi là người khai sinh ra bộ môn khảo cổ học của chúng ta”.

Chú thích ảnh
“Tứ trụ” Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (hàng đứng, từ trái sang) và vợ chồng GS Trần Văn Giàu năm 1995. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Vĩnh biệt “tứ trụ” huyền thoại trong ngành sử học

Sau thế hệ của những nhà sử học lứa đầu như Trần Văn Giàu, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai... “bộ tứ” Lâm - Lê - Tấn - Vượng kể từ thập niên 1960 đã sớm được biết tới như những gương mặt ưu tú nhất của nền sử học hiện đại. Và cho tới đầu năm 2017, 3 người trong số họ vẫn còn tồn tại - ngoại trừ GS Trần Quốc Vượng qua đời sớm vào năm 2005.

Bản thân, nguồn gốc ra đời của danh xưng “bộ tứ” (hay “tứ trụ”) này cũng là một câu chuyện thú vị. Đã có thời điểm, nhiều câu chuyện truyền miệng trong giới sử học cho rằng, người “xét tặng” danh hiệu trên là cố GS Trần Văn Giàu - người thầy chung của cả 4 ông. Tuy nhiên, như lời PGS Tống Trung Tín, người từng có dịp theo học và sau này cũng là đồng nghiệp của “bộ tứ”, câu chuyện ấy là không chính xác.

“Như tôi biết, danh xưng ấy là do các sinh viên Khoa sử trường Tổng hợp đặt ra và truyền miệng cùng nhau vào giai đoạn đầu thập niên 1960. Lúc đó, các vị GS này đều là cán bộ giảng dạy của Khoa sử, mới chỉ trên dưới 30 tuổi nhưng đã rất nổi tiếng về năng lực xuất sắc của mình” - ông kể - “Và vô hình trung, họ cũng là đại diện cho một thế hệ các nhà sử học mới của một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ…”.

Trong một bộ phim tư liệu doTrường ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện, cố GS Phan Huy Lê cũng chia sẻ lời giải đáp tương tự. Theo ông kể, vào giai đoạn 1975, khi vào Nam để làm việc, nhiều trí thức và sinh viên miền Nam cũng biết tiếng “tứ trụ” và đặt ra câu hỏi về danh xưng này. Để rồi, GS Lê chỉ biết cười và giải thích rằng cái tên đó không biết bằng cách nào đã xuất hiện ở trường Tổng hợp và lưu truyền ra bên ngoài.

Trong “tứ trụ”, GS Hà Văn Tấn là người ít tuổi nhất, và cũng học kém 3 người còn lại một khóa. Xét về tuổi, ông thua “anh cả” Đinh Xuân Lâm đúng một giáp. Thế nhưng, theo lời cố GS Lê, 4 người này lại có mối quan hệ rất thân tình và gắn bó.

“Anh Lâm nghiêm túc và mô phạm. Anh Vượng rất dân dã và thoải mái. Tôi thì được mọi người nhận xét là chín chắn sớm. Riêng anh Tấn thì lại vô cùng sắc sảo và thông minh. Nghĩa là 4 người có cá tính và phong cách sống khác nhau, nhưng lại rất hòa đồng và thân thiện trong cả cuộc sống và công việc chuyên môn” - GS Phan Huy Lê kể - “Có người hỏi: 4 ông khác nhau như vậy, làm sao mà lại chơi với nhau được? Anh Vượng đáp: Thì vì khác nhau nên Trời mới sinh ra đủ cả 4 ông, nếu giống nhau thì chỉ cần một là đủ rồi…”.

Nói về GS Hà Văn Tấn, PGS Tống Trung Tín chia sẻ thêm: “Bề ngoài, GS Tấn là người trầm lắng, ít vui đùa, rất nghiêm túc và tập trung trong công việc. Vậy nhưng khi tiếp xúc nhiều, tôi mới biết: Anh là người rất thoải mái, tình cảm và dí dỏm. Anh thích nói chuyện về kiến thức với sinh viên, thích kể chuyện và có những bài thơ vui nổi tiếng mà sinh viên còn truyền miệng đến tận bây giờ. Nhìn chung, đó vừa là một nhà khoa học, vừa là một người thầy đích thực…”.

Khoảng 20 năm trước, một cơn đột quỵ bất ngờ đã khiến GS Hà Văn Tấn phải ngồi yên một chỗ. Như lời PGS Tống Trung Tín, một trong những lần xuất hiện cuối cùng của ông trước đồng nghiệp là thời điểm cuối 2003, khi GS Tấn ngồi xe lăn tới dự cuộc hội thảo khẩn cấp về nền móng Hoàng thành Thăng Long vừa phát lộ tại khu vực Hoàng Diệu.

“Dù phải nằm nhà, GS Tấn khi đó cũng rất nỗ lực để cùng chúng tôi tham gia đề xuất bảo tồn Hoàng thành Thăng Long bằng những bài viết của mình. Thời gian sau đó, ông cứ yếu dần, yếu dần…” - PGS Tín kể - “Ngày 20/11 vừa qua, khi chúng tôi tới thăm, ông không nói được nhưng vẫn lộ rõ vẻ phấn khởi. Lúc ấy, không ai nghĩ rằng người anh, người thầy của mình sẽ ra đi nhanh như thế…”.

Vài nét về GS Hà Văn Tấn ( 1934 - 2019)

Quê quán: xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Tốt nghiệp đại học ngành Lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1957, được công nhận chức danh Giáo sư năm 1980, nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1997, nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2000.

GS Hà Văn Tấn làm việc tại Khoa sử (ĐH Quốc gia Hà Nội) từ năm 1957-1998 và làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) (1988-2008). Một số công trình chính của ông gồm: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Triết học lịch sử hiện đại; Một số vấn đề lý luận sử học…

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm