Sự nghiệp để đời của 'cây đại thụ' sử học ­Hà Văn Tấn

28/11/2019 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong nhóm "tứ trụ" của nền sử học Việt Nam hiện đại (Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng) đã qua đời vào lúc 21h02 ngày 27-11-2019, tại Hà Nội. Ông được giới sử học gọi là "Lê Quý Đôn" của thế kỷ XXI.   

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn qua đời

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn qua đời

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn, người được mệnh danh là Lê Quý Đôn của thế kỷ 20, người cuối cùng trong tứ trụ của sử học Việt Nam, vừa từ trần vào 21h02 ngày 27-11 tại Hà Nội.

Ngôn ngữ - “chìa khóa” đến với khoa học   

Giáo sư Hà Văn Tấn sinh ngày 16-8-1937, tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du) - một vùng đất, một dòng họ hiếu học và khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài thời nào cũng có.   

Năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp 9, ông ra Hà Nội. Sau một năm vừa học vừa làm, ông quyết định vào học khoa Sử, trường Đại học Sư phạm. Năm 1957, ở tuổi 20, ông tốt nghiệp đại học, với vị trí thứ 2 - Á nguyên và được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy môn Lịch sử cổ đại Việt Nam (ngày đó, hai trường Đại học Sư phạm và Đại học tổng hợp có chung khung cán bộ giảng dạy, nhưng Hà Văn Tấn thuộc biên chế trường Sư phạm. Sau này, khi hai trường tách địa điểm, ông mới thuộc biên chế trường Tổng hợp) do Giáo sư Đào Duy Anh phụ trách. Và ông trở thành một trong những cán bộ giảng dạy trẻ nhất của trường.   

Khi về tập sự ở bộ môn Lịch sử cổ đại Việt Nam, ông rất lo lắng vì "với trình độ 9 + 2 thì làm ăn gì được". Vì vậy, ông xác định vừa giảng dạy, vừa phải tự học. Muốn tự học thì chỉ có cách là đọc sách và nắm vững các ngôn ngữ. Chính vì vậy, trước khi học ngoại ngữ, ông đã học tiếng Việt, đọc các sách viết về ngữ âm, ngữ pháp và đặc biệt tìm hiểu các vấn đề liên quan đến nguồn gốc tiếng Việt. Sau này, ông giỏi ngôn ngữ đến mức trở thành hội viên     Hội Ngôn ngữ Việt Nam và được nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo mời cùng làm ngôn ngữ học.

Nhờ tự học, ông đã thông thạo và sử dụng tốt chữ Hán, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật. Ông học tiếng Đức qua sách tiếng Nga, tiếng Nhật qua sách tiếng Trung Quốc. Sau đó, ông còn tự học tiếng Sanskrit (Phạn) - ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại, thông qua tiếng Đức. Với Giáo sư Hà Văn Tấn, ngôn ngữ chỉ là chìa khóa chứ không phải mục đích. Và quả vậy, ngoại ngữ đã giúp ông rất nhiều trên hành trình khoa học của mình.   

Chú thích ảnh
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hậu và giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Hà Văn Tấn và giáo sư Phan Huy Lê (từ trái qua phải). Ảnh: TS Nguyễn Thị Hậu/Nguồn: Báo Vietnam+

Uyên bác trên nhiều lĩnh vực: khảo cổ, ngôn ngữ, văn hóa...   

Năm 1960, khi mới 23 tuổi, Giáo sư Đào Duy Anh đã giao cho ông hiệu đính tác phẩm “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào thế kỷ XV, được cụ cử nhân Nho học Phan Huy Tiếp dịch ra chữ Quốc ngữ. Tuy là bản “chú thích” nhưng dài tới 115 trang, gấp 4 lần chính văn (38 trang). Để tìm tài liệu cho phần “chú thích” ấy, ông đã phải đọc khoảng 30 bộ sách Trung Quốc, 16 bộ sách Việt Nam và tất cả đều trong nguyên văn chữ Hán (theo thống kê của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc). Giáo sư Đào Duy Anh đã nhận xét về công trình đầu tiên này là "rất công phu, nghiêm túc, tôi rất hài lòng và tin cậy ở tác giả". Từ đó, tài năng và phong cách khoa học của ông đã bắt đầu tỏa sáng.   

Sau đó, ông cùng Giáo sư Trần Quốc Vượng viết cuốn “Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam” và “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam” (tập 1). Qua hai cuốn sách này, ông thấy hứng thú với các vấn đề tiền sử Việt Nam và các vấn đề giai đoạn từ đầu tự chủ đến cuối Trần. Có thể nói, định hướng toàn bộ cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông đã được xác định.   

Niềm say mê và cũng là lĩnh vực thành công tiếp theo của Hà Văn Tấn là Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến XIV. “Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông” (viết chung) là cuốn sách tiêu biểu cho những nghiên cứu của ông về thời kỳ này. Theo nhà phê bình Đỗ Thúy Lai, cuốn sách hấp dẫn không chỉ bởi nhiều tư liệu nước ngoài quý hiếm, mà còn ở cách viết với nhiều phân tích sáng sủa, chặt chẽ, tái hiện được không khí lịch sử và đã khẳng định từ rất sớm trình độ uyên bác, khả năng thâm hậu của Giáo sư Hà Văn Tấn.   

Sự yêu thích lịch sử Phật giáo đã bắt đầu nảy nở trong Giáo sư Hà Văn Tấn khi ông nghiên cứu các cột kinh Phật ở Hoa Lư. Sau đó, ông đi sâu tìm hiểu Phật giáo Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV và viết những nghiên cứu của mình trong bộ “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”. Để hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, ông đã đọc về lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc, rồi từ Phật giáo Ấn Độ phải học triết học Ấn Độ cổ trung đại, sau đó rộng ra là lịch sử triết học phương Đông…   

Và từ rất sớm, ông đã nhận ra sự cần thiết của lý luận sử học trong nghiên cứu lịch sử và dường như lý luận sử học với ông là duyên nợ. Từ những năm 70, Hà Văn Tấn đã giảng cho sinh viên Khoa Sử các chuyên đề về Sử liệu học, Văn bản học… Đến năm 1982 ông đã đề xuất thành lập ở khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội bộ môn Phương pháp luận sử học, mà sau đó ông được phân công làm chủ nhiệm Bộ môn.   

Bắt tay nghiên cứu phương pháp luận, Giáo sư Hà Văn Tấn phải đọc nhiều bộ sách tương tự của nước ngoài. Có đọc, ông mới vỡ lẽ rằng chẳng có quyển nào trình bày phương pháp luận sử học hoàn chỉnh. Và ông đã tự tìm cho mình một cách trình bày có điểm xuất phát là lý thuyết hoạt động mà Marx đã nêu. Bên cạnh đó, Giáo sư còn chú trọng đào tạo chuyên môn cho các cán bộ trong Bộ môn Phương pháp luận sử học, hướng dẫn đội ngũ cán bộ trẻ xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo, hỗ trợ tư liệu học tập nghiên cứu...   

Đáng tiếc là dự định viết một cuốn sách giáo trình về phương pháp luận, sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học... chưa xong thì ông lâm trọng bệnh.   

Chú thích ảnh

Tìm nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn   

Tuy gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực sử học, nhưng chính những công trình khảo cổ học mới mang lại cho Giáo sư Hà Văn Tấn Giải thưởng Hồ Chí Minh.   

Năm 1960, khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mời Giáo sư, Tiến sĩ P.I.Boriskovsky ở Đại học Tổng hợp Leningrad sang giúp Việt Nam xây dựng ngành khảo cổ học. Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng được đi theo Giáo sư Boriskovsky trong các chuyến điều tra khảo cổ học để học hỏi. Không chỉ làm quen với các di tích người Pháp đã phát hiện ở văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, các ông đã tự có những phát hiện mới. Hơn thế, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Boriskovsky, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng đã viết cuốn “Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam” (in năm 1961). Cuốn sách, ngoài những tri thức chung, còn kết hợp trình bày những phát hiện mới của khảo cổ học Việt Nam về thời đại đá. Và như một cơ duyên, năm 1988, ông bắt đầu công tác ở Viện Khảo cổ học, sau đó làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia.   

Khảo cổ học đòi hỏi một hiểu biết rộng và những tri thức liên ngành. Bởi vậy, Giáo sư Hà Văn Tấn “lấn sân” sang nghiên cứu Nhân học hình thể (Anthropologie Physique), đặc biệt là nghiên cứu về sọ, rồi toán học thống kê, khảo cổ học Đông Nam Á tiền sử.   

Sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã tìm ra nguồn gốc bản địa của văn hóa Đông Sơn. Trong hàng loạt bài báo khoa học của mình, Giáo sư đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng, văn hoá Đông Sơn là sự tiếp tục phát triển lên từ các văn hoá Tiền Đông Sơn mà các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện. Trước văn hoá Đông Sơn là văn hoá Gò Mun, văn hoá Đồng Đậu và văn hoá Phùng Nguyên. Qua những bài viết với vô số hình vẽ tỉ mỉ, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Hà Văn Tấn đã chứng minh rằng, xét về mặt từ vựng và ngữ pháp thì ngôn ngữ đồ gốm Phùng Nguyên tương đương với ngôn ngữ đồ đồng Đông Sơn. Ngôn ngữ đó chính là các hoạ cảnh và hoạ tiết trang trí.   

Có thể thấy rằng, mỗi khi khám phá và chinh phục lĩnh vực mới, Giáo sư Hà Văn Tấn đều để lại dấu ấn riêng của mình với những sản phẩm khoa học được đánh giá cao. Với ông "muốn học có kết quả môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu giảng dạy" và "say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc". Có lẽ bởi vậy, trong cuộc đời gần 50 năm miệt mài nghiên cứu gắn với giảng dạy, ông đã hướng dẫn 25 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, và công bố gần 300 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước. Ông còn là tác giả và đồng tác giả của 15 cuốn sách. Những thành công đó không chỉ của riêng khảo cổ học.

Với những đóng góp lớn cho nền sử học Việt Nam hiện đại và ngành khảo cổ học, năm 1980, ông được phong hàm Giáo sư và được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1997), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ cho công trình “Theo dấu các văn hóa cổ” (năm 2000), cùng nhiều huân huy chương khác.

Phương Nam/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm