Thế hệ vàng cải lương: NSƯT Thanh Kim Huệ - Dấu son rực rỡ với 'Lan và Điệp'

23/12/2021 15:12 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - NSƯT Thanh Kim Huệ nổi tiếng với vai Lan (vở Lan và Điệp) và Thị Hến (vở Ngao Sò Ốc Hến). Chị đóng đào lẳng hay không kém đào thương. Và ngoài đời chị cũng dễ thương vô cùng.

Thế hệ vàng cải lương: NSND Ngọc Giàu - 'Con nhỏ' ở Thủ Thiêm có giọng ca trời phú

Thế hệ vàng cải lương: NSND Ngọc Giàu - 'Con nhỏ' ở Thủ Thiêm có giọng ca trời phú

Ngọc Giàu là một cô đào cải lương rất duyên. Bà không chỉ nổi tiếng trong các vai đào thương, mà còn bước sang lĩnh vực hài một cách ngon lành. Bà đóng cải lương, đóng kịch, đóng phim đều hấp dẫn như nhau.

Thanh Kim Huệ sinh tại Sài Gòn. Cha của chị cho thuê dàn âm thanh nên từ nhỏ chị đã lẽo đẽo theo cha tới các gánh hát, thấm luôn các giai điệu cải lương.

Sáng tạo cách ca mới lạ

Năm chị 8 tuổi, kép Hoàng Siêu thấy con nhỏ lanh lẹ nên thử đem lên sân khấu Hằng Xuân - An Khương cho đóng vai đào con. Rồi cha mẹ chia tay, hai mẹ con Thanh Kim Huệ ở luôn trong đoàn để có miếng cơm. Nghề diễn gắn với chị từ đó.

Nhưng ban đầu chưa biết cách ca, cho nên Thanh Kim Huệ cứ lẹt đẹt với những vai tỳ nữ, và trôi nổi qua mấy đoàn vẫn chưa lên nổi. Đến năm 13 tuổi, về đại bang Kim Chung, chị mới bắt đầu được giao đào ba, đào nhì, bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng lúc đó như Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm… Gần gũi những tài năng như thế cũng là may mắn cho chị, vì chị có động lực phấn đấu vươn lên cho bằng họ.

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Kim Huệ

Thực tế có những lúc bị chê nên Thanh Kim Huệ đâm nản, vừa muốn bỏ nghề, vừa quyến luyến không nỡ. Cuối cùng Thanh Kim Huệ không đầu hàng, chị mày mò sáng tạo cách ca cho mới lạ, đặc biệt cách luyến láy độc đáo khác biệt để không trùng lắp với ai. Và bản thu vọng cổ Yêu lầm chị hát với Minh Vương năm 1973 thành công rực rỡ, hãng đĩa Việt Nam trả thù lao độc quyền cho chị đến 200.000 đồng (tương đương khoảng 200 triệu đồng bây giờ).

Từ đó chị được mời thu đĩa liên tục, sáng thu tới chiều, tối chạy về đoàn biểu diễn, cát-sê tăng chóng mặt. Rồi soạn giả Loan Thảo, một cây viết cự phách của cải lương, viết tuồng Lan và Điệp cho Thanh Kim Huệ và Chí Tâm đóng, trở thành một dấu son rực rỡ trong sự nghiệp của chị.

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Kim Huệ và NS Chí Tâm trong vở "Lan và Điệp". Ảnh: H.K

Sau đó, Thanh Kim Huệ liên tục tham gia nhiều vở cải lương khác, mà hãng đĩa lúc đó và băng cassette sau này cứ bán đắt như tôm tươi. Nhớ nhất vở Đường gươm Nguyên Bá, chị đóng vai công chúa Thuỷ Cúc chung tình, đằm thắm, và ca một bài với hơi hướng Nhật Bản quyến rũ vô cùng.

Sau 1975, Thanh Kim Huệ lại có một dấu son nữa là vai Thị Hến. Người ta không ngờ cô đào chuyên đóng vai bi, vai mùi, lại có thể hoá thân thành một nàng lẳng lẳng hài hài đến vậy, chưa kể kiểu ca kéo dài lượn tới lượn lui của Thanh Kim Huệ thì tuyệt vời không tả nổi.

Chị kể: “Thật ra, kịch bản gốc không vui như thế, khi lưu diễn, cả đoàn bán được rất ít vé, tối tối anh em nghệ sĩ tụi tôi ra ngồi sau hè rầu rĩ, than thở với nhau. Rồi cả nhóm quyết định phá cách nó đi. Không ngờ lại thành công rực rỡ”.

Không chỉ Thanh Kim Huệ thành công với Thị Hến, mà tất cả quan huyện, thầy đề, thầy lý, bác Ngao, trùm Sò, anh Ốc, cô Cua, thầy pháp… đều có vai diễn để đời. Và đây là vở cải lương hài hiếm hoi thời đó, cho đến bây giờ cũng chưa có vở cải lương hài nào qua mặt được Ngao Sò Ốc Hến.

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Kim Huệ và NSƯT Thanh Điền trong trích đoạn “Ngao Sò Ốc Hến”. Ảnh: H.K

Thanh Kim Huệ còn phá cách và sáng tạo nhiều kiểu ca độc đáo cho các bài lý, đặc biệt là Lý trăng soi, đến nỗi soạn giả Cao Văn Lý không hề bực mình mà còn khen ngợi. Cao Văn Lý sáng tác nhiều bài bản mới, đều đặt tên có chữ lý, và Thanh Kim Huệ là một nghệ sĩ làm cho tác phẩm của ông nổi bật. Nhớ hồi ấy, đài phát thanh ngày nào cũng phát những bài lý ngọt ngào với giọng ca Thanh Kim Huệ, nghe riết thuộc luôn hồi nào không biết.

Một khả năng khác của Thanh Kim Huệ là viết kịch bản. Chị viết nhiều vở như Quỷ kiến sầu, Nắng đẹp muôn màu, Tiếng hát rừng hoang, Yêu và ghen, Khúc ly hương… đều gây ấn tượng rất tốt. Đặc biệt, Khúc ly hương gây tiếng vang trong Liên hoan sân khấu toàn quốc 1999, đem đến nhiều huy chương vàng cho diễn viên, đồng thời làm rơi nước mắt không biết bao nhiêu khán giả.

Hạnh phúc từ mối tình thuở thiếu thời

14 tuổi, Thanh Kim Huệ đang ở đoàn Kim Chung, thì nghệ sĩ Thanh Điền đã “để ý”. Nhưng chị cứ né tránh vì lúc đó Thanh Điền thất tình cạo đầu trọc lóc, thấy mà ghê. Cho đến hôm đoàn hát tại Vàm Cống, ghe bị lật, Thanh Điền bơi giỏi, đã cứu cả hai mẹ con Thanh Kim Huệ, lại còn cứu thêm mấy người bạn nữa, thế là Thanh Kim Huệ đem lòng nể phục.

Đến khi chị bị một số người xấu bày kế hãm hại, Thanh Điền luôn ở cạnh bên để an ủi, động viên. 19 tuổi, Thanh Kim Huệ thành hôn với Thanh Điền, và cho đến bây giờ đó vẫn là mối tình duy nhất của chị.

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Kim Huệ và NSND Lệ Thuỷ trong vở "Sông dài". Ảnh: H.K

Hơn 20 năm trước, tôi ghé nhà anh chị để viết bài, ngạc nhiên trước một cơ ngơi lạ lùng. Đó là một tiệm chụp hình ngay bên cạnh trụ sở của đoàn cải lương Sài Gòn 1, bên vách và cánh cửa dán đầy hình của nghệ sĩ, mà hình nào cũng được tút lại rất đẹp. Ngồi nói chuyện với Thanh Kim Huệ một hồi thì Thanh Điền mới về. Tôi bất ngờ trước vẻ đẹp trai của anh. Dáng người rất cao, thon gọn, trong bộ đồ trắng lịch lãm như một quý ông. Áo thun trắng, quần short trắng, giày trắng, cầm chiếc vợt tennis, mặt tươi như hoa, ai nhìn cũng phải mê. Tôi hỏi thiệt Thanh Kim Huệ: “Trời ơi, ảnh đẹp quá, chị có lo không, có ghen không?”. Chị cười: “Cũng lo chứ. Nhưng không thể ghen theo kiểu chợ búa. Cứ từ từ giữ chồng với công dung ngôn hạnh thôi em à”.

Công dung ngôn hạnh của chị ngoài đảm đang việc nhà còn là cộng tác đắc lực của chồng trong tiệm chụp hình. Khoảng 1995, đoàn Sài Gòn 1 hát hò thua lỗ vì cải lương vào giai đoạn khủng hoảng, khiến hai vợ chồng phải bán nhà trả nợ. Một hôm Thanh Kim Huệ đi chợ thấy người ta bán máy ảnh, bèn mua về kêu Thanh Điền chụp thử cho mình. Anh chụp quá đẹp. Thế là chị nghĩ ra chuyện lập studio, mở ngay bên cạnh căn nhà thuê làm trụ sở.

Hồi ấy đâu có nhiều studio, cũng không ai dạy nghề, Thanh Điền mày mò làm một mình, trở thành nổi tiếng. Nghệ sĩ phải đăng ký cả tuần mới tới lượt chụp, còn khán giả ở tỉnh thì bao xe lên xếp hàng chờ chụp, hai vợ chồng làm ngày làm đêm vẫn không kịp cho khách. Thanh Điền rất có khiếu về nhiếp ảnh, anh tạo nên một xu thế thú vị, ai cũng có thể có được một tấm chân dung rất nghệ thuật. Nhờ vậy hai vợ chồng phất lên, mua lại mấy căn nhà, lại còn truyền nghề cho đứa con trai để nó tự lập.

Sau này tôi ghé thăm căn nhà mới của anh chị trong một khu sang trọng. Cả hai vừa mới trải qua nỗi đau mất con gái, nên tìm về với Phật pháp để nguôi ngoai. Chị đưa cho tôi một tập tản văn nhỏ chị tự in, trong đó có những bài viết ngắn vừa mang tính triết lý nhưng cũng vừa gần gũi thực tế, đọc rất cảm động. Người sao văn vậy, người hiền lành nên văn cũng giản dị dễ thương.

Chú thích ảnh
NSƯT Thanh Kim Huệ và NSND Thanh Tuấn trong "Khúc ly hương". Ảnh: H.K

Còn Thanh Điền thì giao hết chuyện nhiếp ảnh cho con trai, anh quay sang đóng phim không ngơi nghỉ. Anh nói: “Em coi, giờ anh có muốn chụp hình cũng không có thời gian, tự nhiên phim kêu quá chừng, anh cứ chạy miết. Còn chị Huệ thì đi hát sô đời lẫn sô chùa một tháng hơn 20 ngày rồi. Hai vợ chồng riết rồi hổng thấy mặt nhau. Bữa nay em hên lắm mới gặp anh lẫn chị”.

Nhưng bây giờ công việc đã bình ổn, hai anh chị có cơ hội bên nhau nhiều hơn, đi đâu cũng thấy có đôi, và nhiều tuồng cũng thấy hát chung. Thanh Điền hơn 70 tuổi rồi mà vẫn đẹp trai, bụng không phệ, vẫn ăn mặc lịch lãm như quý ông. Thanh Kim Huệ đặc biệt giữ được vóc dáng thon gọn, eo o mắc ham. Nhiều bạn bè trang lứa xuýt xoa” “Huệ ơi, sao bà giữ dáng hay vậy, bái phục luôn nha”. Cho nên mới đây chị trở lại với vai Lan thanh mảnh, và luôn đóng trích đoạn Thị Hến với cái eo vô cùng ngưỡng mộ.

Thật ra vợ chồng nào không trải qua sóng gió, nhưng rốt cuộc gió lặng sóng êm, giờ Thanh Kim Huệ có dư hạnh phúc để đầy sức mạnh bước lên sàn diễn. Hơi ca vẫn mạnh và dài, tiếng ca vẫn trong vắt như suối chảy, sức khoẻ vẫn đủ để tập tuồng và biểu diễn suốt 3 tiếng đồng hồ. Thật là mừng cho mối tình từ thuở thiếu niên!

(Hỏi đáp quá khứ - hiện tại - tương lai)

Không vật chất nào bằng niềm vui gia đình

* Chị có hài lòng về hiện tại của mình?

- Thực sự lúc con gái tôi vừa mất, tôi như điên dại. Nhưng nhờ có đi chùa, hiểu Phật pháp, nên tôi cũng biết lẽ đời vô thường, thôi thì nó hết duyên với mình, mình buông tay. Còn một đứa con trai an ủi, có cháu nội ẵm bồng là hạnh phúc rồi. Không vật chất nào bằng niềm vui gia đình. Giờ hai vợ chồng tôi đi hát không phải vì tiền, mà để cho tuổi già được kích hoạt trí não lẫn vận động cơ thể. Ngồi không thì càng mau già.

* Nếu được quay về thời đó, chị sẽ làm gì?

- Vẫn đi hát thôi. Nhưng tôi vẫn muốn vượt qua gian khổ như vậy. Vì có gian khổ người ta mới chịu phấn đấu và cảm nhận những giá trị hạnh phúc một cách sâu sắc. Nếu sung sướng ngay thì chưa chắc tôi đã phấn đấu và nổi tiếng, biết đâu chỉ lềnh bềnh cho qua ngày tháng thì sao.

* Chị có mong ước gì đối với những tác phẩm ngày xưa chị đã làm?

- Những dấu son đó không chỉ dành cho tôi, mà là cho cả cải lương. Tôi chỉ mong có soạn giả nào viết hay như vậy cho đàn em thế hệ sau thi thố tài năng. Soạn giả rất quan trọng, họ đo ni đóng giày cho nghệ sĩ mà. Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ không phấn đấu thì chiếc giày đó cũng không thể thành đôi hia bảy dặm.

Hoàng Kim

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm