Thất thập ngũ niên gieo 'Ngọc Thiện'

25/09/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Giữa những ngày đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện đã tìm cách an toàn nhất đến tận nhà tặng tôi cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời (NXB Hội Nhà văn, 2021).

Gặp lại tác giả được đưa vào SGK (kỳ 4): Nhà văn Ma Văn Kháng - Từ 'Mùa lá rụng trong vườn' nhìn ra...

Gặp lại tác giả được đưa vào SGK (kỳ 4): Nhà văn Ma Văn Kháng - Từ 'Mùa lá rụng trong vườn' nhìn ra...

Với những trang viết mang nhiều trải nghiệm, nhà văn Ma Văn Kháng đã chinh phục bạn đọc bằng những truyện ngắn độc đáo, những tiểu thuyết biên niên giàu tính tư tưởng. Cho đến thời điểm hiện tại, ông đã có 20 tiểu thuyết, hơn 200 truyện ngắn được xuất bản.

Cầm cuốn sách trên tay đẹp trang nhã, dày dặn, tôi cảm phục, nể trọng, xúc động vô cùng về nhà lý luận phê bình văn học suốt 55 năm qua đã bền bỉ cống hiến cho sự nghiệp lý luận, phê bình văn học nước nhà. Nhưng trên hết, tôi nhớ đến nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng về anh: “PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện - con người như tên gọi”.

Người con xứ Kinh Bắc mang bút danh Thế Uẩn, Thiên Năng và Thi Yên rất có duyên với số 7 (sinh năm 1947, vào Viện Văn học năm 1967, bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1987, vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997…), một đời mê mải với văn chương đã hiện thực hóa niềm đam mê vào học Tổng hợp Văn Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội).

Nguyễn Ngọc Thiện và nhiều bạn đồng môn khóa 8 (1963-1967) đã trở thành các văn nghệ sĩ, nhà quản lý, nhà khoa học có tên tuổi, như: Trần Vũ Mai, Ngôn Vĩnh, Ngô Thế Oanh, Vũ Duy Thông, Bùi Công Hùng, Nguyễn Huy Thông, Phan Cung Việt, Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Đoàn Tử Diễn,...

Chú thích ảnh
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện

Nguyễn Ngọc Thiện - Thiện lương nhân

Năm 1967, anh về đầu quân và gắn bó chặng đường dài nghiên cứu khoa học ở Viện Văn học trước khi chuyển sang Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam.

Do thời gian gián đoạn, trải nghiệm nhiều vị trí công tác, nên gần 30 năm sau (1995), anh mới xuất bản công trình nghiên cứu đầu tay Văn chương và tác giả (tiểu luận - phê bình) và kể từ đó đến nay (1995-2021), PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện đã góp vào đời sống văn chương đất nước: 9 cuốn sách lý luận - phê bình văn học nghệ thuật riêng, 40 tác phẩm chủ biên và 57 sách in chung (chưa kể tác phẩm đăng tải trên báo chí).

Ở anh, tôi thấy toát ra là người chân thật, hiền lành, đôn hậu, khiêm tốn, lắng nghe, chịu học hỏi, yêu sách vở, quý trọng tri thức, đam mê tâm huyết với sự nghiệp.

GS Hoàng Trinh nhận xét: “Nguyễn Ngọc Thiện bước vào làng nghiên cứu, trở thành cán bộ Viện Văn học, liền sau khi anh tốt nghiệp xuất sắc từ khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đó anh còn rất trẻ, vừa chớm bước vào tuổi đôi mươi. Rồi bẵng đi một dạo anh đi công tác tăng cường cho miền núi, rồi đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Cuối những năm 1980, từ Cộng hòa Dân chủ Đức về nước, với học vị Tiến sĩ (A) thuộc chuyên ngành lý luận văn học ở tuổi tròn 40”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm về/ của Nguyễn Ngọc Thiện       

TS Đỗ Phương Thảo - Giám đốc Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) đã nói về người thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh với bao tình cảm trân quý: “Nhìn về những ngày tháng ấy, thầy tôi đã dạy tôi không chỉ cách thức phương pháp của một người làm khoa học mà còn dạy tôi rất nhiều về cách sống, lối ứng xử trong đời. Một đời cần mẫn nghiên cứu, kể cả khi công tác ở Viện Văn học hay ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, thầy chỉ tập trung, chăm chú vào công việc của mình, hết lòng, hết sức vì công việc. Không bị tác động vào hào quang của người khác, không bị ảnh hưởng bởi bạc tiền, thầy tôi cứ thế sống bình thản, ung dung, tự tại. Trong dòng đời đầy biến thiên dâu bể, khi bao người thiêu đốt bởi tham vọng, thầy tôi điềm nhiên vượt qua mọi khó khăn, bình yên, vững chãi như những tán cây bên hiên ngôi nhà sang trọng của thầy”.

Anh tâm sự những điều “gan ruột” về nghề văn: "Trong văn chương, chỉ ỷ vào tích lũy vốn sống và tài năng thiên bẩm là không đủ. Nó luôn đòi hỏi sự huy động hết mình, nội lực và những năng lực tiềm ẩn: Sự thăng hoa và hứng khởi bất chợt; miền tâm thức và tâm linh bảng lảng, ám ảnh đến dai dẳng; những ẩn ức bức xúc bất thần dội lên từ gan ruột…".

Đúng văn chương - một vùng bí ẩn, âu cũng là duyên phận người như anh đã trải lòng. Xin chúc mừng PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện - Thế Uẩn: Nhà nghiên cứu khoa học, nhà báo văn nghệ; người thiện hiền minh; người con thấm đẫm văn hóa Kinh Bắc quê hương đón tuổi 75:

Thất thập ngũ niên gieo Ngọc Thiện

Một đời đèn sách hái phúc lành

Chú thích ảnh
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 2 phải sang) tại Bảo tàng Văn học năm 2017

Nguyễn Ngọc Thiện - Người văn

Cuốn tiểu luận - phê bình Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành quý III năm 2021 hiện diện những bài viết của 91 cây bút là bậc thầy, đồng nghiệp, bạn bè, môn sinh gần gũi với PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện trong gần 30 năm qua. Anh giãi bày một cách chân thành việc “mạo muội” làm thành tập sách này là vì muốn chọn lọc tập hợp “những bài viết có ý nghĩa học thuật giúp vào việc tìm hiểu, nghiên cứu tiến trình tư duy lý luận - phê bình văn học nghệ thuật hiện đại Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Nhận thấy những bài viết đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cùng các sự kiện lớn, các tác gia, tác phẩm đặc sắc rất cần được lưu lại trong cuốn sách này”.

Nhận xét về Nguyễn Ngọc Thiện - “nhà Ma Văn Kháng học”, chính nhà văn Ma Văn Kháng cũng phải công nhận: “Cái tài ở anh (Nguyễn Ngọc Thiện) khiến anh nhận ra những cái tốt, cái đẹp trong sự bình dị thường ngày. Cái tài của anh là cái tài ẩn mình trong sự giản dị. Trong sự đọc thiên kinh vạn quyển, học nhiều hiểu rộng. Trong năng lực khái quát. Trong sự nhạy cảm. Trong những chia sẻ và nhận biết tinh tường. Trong tình thương mến ấm áp bạn bè”.

Chú thích ảnh
PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện (ngồi) cùng các nữ nhà văn tại Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X

Có nhà phê bình gọi Nguyễn Ngọc Thiện là “Nhà Ma Văn Kháng học” như chính “bật mí” của tác giả Mùa lá rụng trong vườn: “Bài viết đầu tiên của anh Nguyễn Ngọc Thiện với tác phẩm của tôi đã xuất hiện từ cuối những năm 90 thế kỷ 20, tức là đã hơn 20 năm trước. Còn hướng dẫn học trò làm luận văn thạc sĩ về tác phẩm của tôi thì anh đã là người thầy của 20 học viên cao học, khởi thủy từ năm 2003 xa tít cách đây và kéo dài cho đến năm 2018. Thế đấy, đời văn của tôi cho đến nay được 4 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ. May mắn 3 trong số đó là được PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện hướng dẫn… Vậy nên chỉ có thể nói là do đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, mà chúng tôi gần gụi nhau, trở nên thân thiết với nhau, nói rộng ra là do cái duyên văn tự, cái duyên tiên thiên vững bền”.

Viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh nhận xét:“Ở trang viết nào của Nguyễn Ngọc Thiện cũng hiện rõ sự nhận thức đúng mực, không ồn ào, không cực đoan phía tả hoặc phía hữu, ôn tồn ngay cả khi đấu tranh để bảo vệ chân lý trước những hiện tượng tư duy nông nổi, nhân cách suy thoái của một vài người trẻ, mắc bệnh vĩ cuồng…”…

Nhà phê bình Hồng Diệu chia sẻ: “Nguyễn Ngọc Thiện là một nhà văn làm lý luận, nghiên cứu, phê bình trong suốt cuộc đời mình - kể từ lúc rời khỏi ghế nhà trường; và qua đây, ta thấy rõ gia đình anh; đồng thời thấy những người thầy, người bạn, đồng nghiệp, với học trò của anh đã nhìn Nguyễn Ngọc Thiện từ nhiều góc độ. Những tác phẩm của anh là một khối tư liệu quan trọng, giúp các nhà lý luận, nghiên cứu, phê bình, khi có nhu cầu; khảo sát, đánh giá một nhà văn có những đóng góp xứng đáng cho đời sống văn chương của chúng ta hơn nửa thế kỷ nay và còn có thể đến những năm sau này, vì Nguyễn Ngọc Thiện vẫn còn đang làm việc với một sự đam mê chưa hề bị nguội lạnh”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu dự Hội thảo lý luận phê bình VHNT tại TP.HCM - PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện (thứ 3 trái sang)

Mang sứ mệnh “kép” nhà văn - nhà báo, tác giả có nhiều điều kiện tiếp cận những vấn đề mới và “nóng” trên mặt trận văn nghệ. Anh bộc lộ tư chất của một nhà báo văn nghệ khi kết hợp hài hòa kiến thức văn nghệ và kinh nghiệm làm báo. Thành công của PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện được hội tụ bởi nhiều yếu tố: Con người đam mê công việc, tích lũy tri thức, tinh thần cầu thị, người đi trước giúp người đi sau, tìm học trò truyền nhân cho mình; nhà nghiên cứu khoa học có nền tảng tri thức vững; ngoại ngữ tốt…

Nhà văn Ma Văn Kháng đánh giá cuốn sách Nguyễn Ngọc Thiện Văn & Đời là một cuộc gọi hợp đàn kỳ diệu nhân dịp PGS-TS Nguyễn Ngọc Thiện bước sang tuổi “Thất thập ngũ niên gieo Ngọc Thiện” hôm 8/3/2021.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm