Sống chậm cuối tuần: Cuối năm ở bến đợi sông Thạch Hãn

04/01/2019 12:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đã rong ruổi hơn 100 dặm dài trên dòng sông Thạch Hãn vào những ngày cuối cùng của năm. Tờ lịch không dễ bóc hồn mình ra khỏi dòng, nó như có sức hút của đáy sông gắn vào vận mệnh lịch sử của nước Việt Nam. Sông này là "nhân chứng" của hàng vạn tấn bom, hạng ngàn chiến sĩ vô danh ngã xuống cho ngày hòa bình.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

Đại lễ cầu siêu và quốc thái dân an ở Thành cổ  Quảng Trị và sông Thạch Hãn

Đại lễ cầu siêu và quốc thái dân an ở Thành cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn

Sáng 19/4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Đại lễ cầu siêu và quốc thái dân an tại Thị xã Quảng Trị - nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh tại Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn.

Dòng sông Thạch Hãn duy nhất có một bến đợi, không có thuyền. Nơi mà những linh hồn người lính vẫn về bến hoa, nơi nhớ thương đã chín lại ở dương gian cho những người vô danh.

Một góa phụ gầy xanh, đi xiêu vẹo, nhưng mặc áo dài màu tro nhạt rất nghiêm ngắn, bà thả từ từ, từ từ xuống sông Thạch Hãn những bông hoa cúc vạn thọ được kết thành một đĩa nhỏ. Một chiếc bánh tét, một bao thuốc lá. Đạm bạc mà thành kính. Bà lặng lẽ không khấn vái, không cầu xin gì. Bà đứng như ai đó đóng đinh trong không gian bến đợi của Thạch Hãn bên này.

Chú thích ảnh
Thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn. Ảnh: Báo Lao động

Chồng bà đã ngã xuống ở dòng sông này khi mới cưới vợ có 3 ngày trả phép. Cả 2 đều mới biết mùi vợ mùi chồng, thì 2 tháng sau “Anh ấy ra đi không về”. Hơn 40 mùa Xuân năm trước, bà Thức như chết đi sống lại, bà lót trên giường những lá thư của chồng, người chồng dặn bà đi bước nữa, nhưng bà dừng lại mãi mãi ở bậu cửa ngôi nhà lợp lá dừa.

Hơn 40 mùa Xuân trôi qua, bến đợi đã chờ bà năm nào cũng vào chiều cuối năm, bà ăn mặc rất nghiêm ngắn, sạch sẽ và chỉn chu. Ra sông là cốt để anh ấy trông thấy bà và cùng đi dọc sông về nhà.

Năm nào bà cũng đặt tay lên dòng chữ có tên chồng hy sinh ở nghĩa trang Thành cổ, tay vuốt ve tờ lịch đồng băng giá mùa Đông mà không thấy lạnh. Tên chồng bà và hàng ngàn người hy sinh ở nơi này.

Bạt ngàn cỏ lau trắng xô dạt về phía nghĩa trang, nơi có những gương mặt lính trẻ nhìn họ trìu mến. Những linh hồn bên dòng sông có ra bến đợi gặp mẹ, gặp người yêu?

Chú thích ảnh
Tôi cũng tìm về sông Thạch Hãn, để sống chậm lại với dòng chảy…

Tôi đi qua dòng Thạch Hãn, đến La Vang, một nữ tu sĩ vừa đi lấy nước suối đặt lên bàn thờ Đức Mẹ. Vị nữ tu sĩ này cũng góa bụa cả chồng và con trai. Chồng là liệt sĩ, con trai chết vì bệnh máu đông. Bà lên La Vang quét lá và trồng cỏ hoa tiêu dao nốt đoạn kết cuộc đời mình.

Tôi hỏi bà: Chúa có cứu rỗi sự đau đớn của bà không? Bà đáp: "Có chứ! Tôi có đức tin, Chúa cứu rỗi tôi sống thánh thiện hơn để kiếp sau an lành hơn". Tôi lại hỏi: "Liệu có kiếp sau không"? Đáp lại chỉ còn thấy bà mỉm cười.

Còn một người góa phụ nữa, lại theo tôn giáo thờ Phật, bà cũng từng chín đợi mười chờ ở bên bến sông chiều hôm lại chỉ lặng lẽ cam chịu, tháng ngày chỉ đi mò cua bắt ốc nuôi vịt, và đi bán hạt tiêu cho khách du lịch ở biển Cửa Việt kiếm ăn một vụ Hè. Mùa Đông nuôi gà vịt bán đi mua gạo, cũng đủ ăn, bình thường. Giọng Quảng Trị bình thường nghe như không bình thường.

Tôi thấy rõ sức chịu đựng của những người phụ nữ phía sau cuộc chiến không có nước sông, sóng biển nào sánh nổi. Sự đơn lẻ sẵn lòng đón nhận họ ở thời bình vì những lá thư có chữ ố vàng kia. Đó là tài sản của phụ nữ Quảng Trị, bên sông Thạch Hãn, họ sống cao hơn mọi huy chương, huân chương trong cuộc đời.

Lặng lẽ tiêu dao thời gian của những góa phụ được nhân lên với rất nhiều nỗi ám ảnh của chiến tranh. Nhất là khi Tết đến, sự đoàn tụ gia đình làm bao trái tim người phụ nữ ở phía sau cuộc chiến còn bơ vơ lắm.

“Nhưng mình khổ mấy thì sông ở quê nhà mình bữa ni cũng nghe thấy tiếng người mình” - cụ Đơn nói, khi chồng liệt sĩ, con lại sống thành đạt ở Sài Gòn, rồi ra nước ngoài định cư. Con trai của cụ gửi cho rất nhiều tiền, cụ đã đem tiền dâng chùa làm từ thiện.

Người con biết chuyện nên giận mẹ, không gửi tiền cho nữa. Cụ Đơn lại hai lần cô đơn. Bên dòng Thạch Hãn nước trong, nếu chảy ra biển Cửa Việt, cụ Đơn mong cho sóng gió lau khô nước mắt người già.

Chúng ta ai cũng chạm chân đến một con sông, chạm tới nông sâu còn tùy ở văn hóa mỗi người. Nhưng đất ở thành cổ Quảng Trị đã hồi sinh. Mùa Xuân cây cối đôi bờ vẫn xanh mướt. Cụ Đơn vẫn nghe thấy đoàn quân đi như duyệt binh ở giáp cánh rừng nguyên sinh.

Mỗi lần đi lên nghĩa trang Đường 9, cụ đem theo túi gạo rang nặng vài ký, rắc trên khắp mộ vô danh, dặn dò bầy kiến ăn xong rồi tha đi cho các con mẹ ăn với, hỉ.

Rất nhiều những số phận phụ nữ vượt lên sự không bình thường để sống bình thường. Có một bà mẹ ngày Tết đặt lên mâm cơm chín đôi đũa, chín cái bát và lưng cơm ngồi chờ con và như được gặp con.

Bến đợi ở sông Thạch Hãn có những ngày Tết như vậy. Không bút nào tả cho được nếp nhăn xạm lại như đá xám ở đáy sông, tóc người mẹ lòa xòa bên vệt cỏ lau tím nhạt nhòa nắng, nhạt nhòa nông nỗi con người. Huân chương nào bù đắp được. Chỉ có đất ở dọc sông thấu hiểu, những vệt hoa cúc vạn thọ vẫn nở dọc lối đi đến La Vang.

Tôi không theo đạo Thiên Chúa nhưng vẫn muốn nghe thánh ca du dương cùng các vị lữ khách nước ngoài đến từ bên kia Thái Bình Dương. Có vị khách nước ngoài đến đây để ăn năn, để tìm lại mảng ký ức tội lỗi mà mình gây ra trong cuộc chiến đã lùi xa. Có người tìm đến sông để cùng chảy theo dòng văn hóa Việt, thuần khiết và lặng lẽ.

Tôi cũng tìm về sông Thạch Hãn, để sống chậm lại với dòng chảy, sông giúp gì cho ta, hay giúp ta nhìn để học cách chảy của nước, cách tránh gió bão của cây để tồn tại. Xa xa đôi bờ vẫn vẳng lên câu hò, làm ta như đằm xuống. Còn tụi trẻ chăn trâu vẫn ngụp lặn sông nước mà không phải tuổi thơ của ai cũng có được.

Nhà văn Hoàng Việt Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm