Nhạc sĩ Dương Thụ: EURO toan tính nhiều hơn cống hiến nghệ thuật

03/07/2012 06:39 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhạc sĩ Dương Thụ được nhiều người biết đến với những ca khúc như: Họa mi hót trong mưa, Tháng Tư về, Gọi anh… Là một nhạc sĩ nổi tiếng nhưng anh còn là một người rất hâm mộ bóng đá và là gương mặt từng xuất hiện trên mục Cà phê bóng đá của TT&VH cuối tuần.

Khác với một số fan khác của bóng đá, anh xem bóng đá như một nghệ thuật để thưởng thức, đối với anh sự thắng thua trong bóng đá chỉ là thứ yếu, dưới góc nhìn của một người nghệ sĩ, điều anh quan tâm là bóng đá có còn những cống hiến ở tầm nghệ thuật, có còn những phong cách đẹp để quyến rũ khán giả hay không?

Nhân kết thúc EURO, TT&VH có cuộc trò chuyện với anh.

Chán với lối đá thực dụng

* Đội tuyển Tây Ban Nha đã giành chức vô địch, theo anh có xứng đáng hay không?

- Trong các đội bóng thì Tây Ban Nha là đội bóng có kỹ thuật nhất, khôn ngoan nhất. Nó là thứ bóng đá vừa kết hợp tấn công và phòng thủ, nhưng không phải kiểu lao lên phía trước như Hà Lan ngày xưa. Nói chung là họ xứng đáng để giành chiến thắng cuối cùng, tuy nhiên nó có cái dở là nó mang tính thực dụng, không còn thứ bóng đá hoa mỹ nữa.

* Qua EURO lần này, anh tiếc cho đội nào nhất? Tại sao?

- Tôi tiếc cho đội tuyển Đức, đó là thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, đạt được sự cân bằng giữa lý trí và chất nghệ sĩ bản năng. Tuy nhiên, có lẽ chính yếu tố nghệ sĩ đó mà họ bị thua đội tuyển Italia ở bán kết. Còn Italia lần này, có thể nói là họ đã lấy lại được uy tín với khán giả, họ đá cởi mở, tấn công nhiều hơn và nhất là không dùng tiểu xảo. Ngoài ra cũng đáng tiếc cho đội tuyển Nga, trong hiệp 1 trận Nga - Hy Lạp và suốt trận Nga - Czech, đó là những khoảnh khắc đẹp của bóng đá, đầy quyến rũ.

* Anh nghĩ gì về đội hình 6 tiền vệ (không có tiền đạo hoặc trung phong cắm) của Tây Ban Nha. Điều này có gây ấn tượng với anh không?

- Vì Tây Ban Nha chơi bóng ngắn, muốn kiểm soát trận đấu nên họ chơi 6 tiền vệ, nhưng 6 tiền vệ rất giỏi và rất nhiều người trong số đó có thể trở thành tiền đạo bất cứ lúc nào có cơ hội, có thể nói đó là những tiền đạo ảo. Ban đầu tôi cũng ngạc nhiên, nhưng không ấn tượng về đội tuyển Tây Ban Nha và đội hình 6 tiền vệ này dù họ đã đoạt ngôi quán quân. Các CLB châu Âu có nhiều chiến thuật với những sơ đồ như 4-4-2, 4-5-1… những đội hình mà các CLB khác có thể bắt chước. Nhưng đội hình 4-6 của Tây Ban Nha thì khó ai bắt chước được. Có thể nói đó là đội hình “đặc sản” của Tây Ban Nha vì họ có quá nhiều tiền vệ tài năng, nhưng theo tôi thì đây không phải là sự tiến bộ của bóng đá.

* Anh có nhận xét thế nào về sự “dịch chuyển” của các nền bóng đá lớn như Đức, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan…?

- Sự thay đổi phong cách của các đội tuyển, có đội như Đức, Italia mang tính tích cực, cống hiến cho khán giả, cũng có những đội trở thành nhàm chán như Hà Lan, Tây Ban Nha. Hà Lan không còn là cơn lốc màu da cam đầy cống hiến làm say mê những trái tim yêu bóng đá như trước đây nữa. Tây Ban Nha tuy vô địch nhưng lối đá thực dụng của họ tôi cảm thấy chán, đó là lối đá “cù cưa” ru ngủ làm cho đối phương và cả người xem ức chế, đôi lúc họ chỉ chuyền qua, chuyền lại quá lâu để giữ bóng làm người xem chán nản. Bây giờ, cảm giác như không có những đội bóng lớn, những “nghệ sĩ” sân cỏ lớn.

Văn hóa bóng đá và âm nhạc đang xuống cấp

* Nhìn chung EURO 2012 theo anh có “hay” không?

- Theo tôi EURO lần này không hay lắm, dù 4 đội vào bán kết là mạnh nhất giải. Bởi EURO năm nay không có bất ngờ với những chú “ngựa ô” của giải. Thứ hai là ít nhũng pha bóng, những trận cầu đẹp mắt. Các đội bây giờ “khôn” quá, đá đầy tính toán. Nếu xem bóng đá như một bộ môn nghệ thuật thì như thế là một nghệ thuật thực dụng, thiếu cảm hứng.

* Những xu hướng bóng đá mới hoặc sự đổi thay quan điểm đá bóng như đã nói, theo anh nó có nói lên điều gì của “thế giới phẳng” hiện nay?

- Cũng có. Nhìn chung là càng ngày cái đẹp bị đặt xuống dưới, yếu tố thực dụng được đặt lên hàng đầu, đó cũng là điều mà trên thế giới hiện nay đang diễn ra. Các huấn luyện viên có thể làm tất cả để có chiến thắng, để đạt được mục đích. Khán giả thì thích những trận bóng đá cống hiến với những pha bóng đẹp mắt, đầy chất ngẫu hứng, nghệ sĩ, nhưng điều đó giờ đây đang bị mất dần, ít lắm qua qua EURO lần này.

* Xem đá bóng mà liên tưởng đến âm nhạc, kể cũng khá… “gượng ép”, nhưng là một nhạc sĩ, anh có liên tưởng gì không?

- Có chứ, giờ đây khó tìm được những biểu tượng bóng đá như Pele, Maradona… hay cơn lốc màu da cam nữa. Trong âm nhạc cũng thế, đó là xu hướng chung, chúng ta khó tìm được những nghệ sĩ như Michael Jackson, ban nhạc The Beatles… thay vào đó là những người như Lady Gaga... Những nghệ sĩ sân khấu và nghệ sĩ “sân cỏ” với những thăng hoa cảm xúc hoặc biểu tượng cho cái đẹp quá ít, mà đa phần là những tính toán, chiêu trò để đạt mục đích cuối cùng. Xét về yếu tố văn hóa, cả bóng đá và âm nhạc nói chung đang xuống cấp, toan tính tiền bạc nhiều hơn là cống hiến nghệ thuật.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Hữu Trịnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm