Nhà văn Thuận: Chân lý của tiểu thuyết là sự hoài nghi

17/10/2013 13:53 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn (Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn, 2013) của Thuận là một thử nghiệm rốt ráo về cấu trúc, với độc giả có quan tâm đến kỹ thuật văn chương thì đọc sẽ rất lý thú. Riêng độc giả chỉ tìm kiếm nội dung - mà ở đây là các biến cố xã hội của Việt Nam nửa sau thế kỷ 20 - tác phẩm là một trải nghiệm táo bạo, không khoan nhượng.

Bản tiếng Pháp, L'ascenseur de Saigon (NXB Riveneuve) đã được Trung tâm sách quốc gia Pháp trao giải Sáng tạo năm 2013. Từ chối bình luận về giải thưởng, Thuận nói: “ Lý do trao giải có lẽ chỉ ban giám khảo mới biết. Cá nhân tôi thì không ngây thơ cho rằng cấu trúc của Thang máy Sài Gòn là một đột phá văn chương. Để mỗi độc giả tự tìm một trật tự mới cho các chương là một ý tưởng đã có trước đây, tôi chỉ áp dụng nó theo cách của tôi. Có lẽ vì vậy mà Thang máy Sài Gòn đoạt giải Sáng tạo chứ không phải giải Phát minh”.

TT&VH Cuối tuần có cuộc trao đổi với tác giả xung quanh tác phẩm mới nhất này của chị.



Nhà văn Thuận. Ảnh: Nguyễn Anh Cường

* Tiểu thuyết Thang máy Sài Gòn viết từ năm 2009, đã lang thang vai nơi trên lưới trời trước khi xuống trang giấy in, có sự khác biệt nào trong lần xuất bản này không, thưa chị?

- Ba năm đủ khiến cho tôi mang bản thảo ra chỉnh sửa không ít lần. Lý do là để tác phẩm hoàn thiện hơn chứ không phải cho vừa tầm cắt của chiếc kéo kiểm duyệt. So với bản viết xong cuối năm 2009 thì Thang máy Sài Gòn bây giờ nhiều chương hơn, ngắn gọn hơn, có những đoạn được viết lại hay bỏ đi, cũng có những đoạn được thêm vào.

Việc tôi tự dịch sang tiếng Pháp cũng khiến tôi có một cái nhìn mới về nguyên bản và chỉnh sửa theo hướng này, những đoạn được thêm vào là những đoạn viết thẳng bằng tiếng Pháp rồi lại dịch ra tiếng Việt. Đứng giữa hai nền văn hóa, tôi công bằng. Không là nhân vật của chính mình, nhưng tác phẩm phản ánh tác giả một cách chân thực và sống động nhất. Có lẽ “văn là người” trong cách đó.

* Vậy hẳn bản tiếng Pháp là một “dị biệt” khó gặp trong sách dịch?

- Bản tiếng Pháp, tôi hầu như không dịch mà chỉ sử dụng nội dung chính của nguyên bản để viết lại bằng tiếng Pháp. Do vậy ngoài việc hai bản có nhiều chi tiết không hoàn toàn giống nhau, tôi hy vọng rằng mỗi bản sẽ mang lại cho độc giả những cảm xúc khác biệt. Việt văn và Pháp văn cách nhau rất xa, cho nên có những điều sẽ khiến độc giả của chỉ một ngôn ngữ xúc động hay bật cười. Tôi không có ý định dung hòa, cũng như trung thành với bản gốc. Mà thực ra, nhiều khi muốn trung thành cũng không thể.

* Tại sao lại là thang máy, mà là thang máy Sài Gòn? Phải chăng với cấu trúc lồng truyện trong truyện, chương trong chương… mà “thang máy độc giả” phải đi qua, thậm chí có thể dừng lại ở chương nào nếu muốn?

- Ngoài việc câu chuyện bắt nguồn từ một tai nạn thang máy ở thành phố Sài Gòn thì thang máy và Sài Gòn là hai hình ảnh năng động, mà theo tôi, tương ứng với cấu trúc của tiểu thuyết này. Tiểu thuyết có 40 chương được sắp xếp không theo một trật tự nào cả, tên của các chương cũng chỉ có 3 từ lặp đi lặp lại: Hà Nội, Sài Gòn, Paris.

Tôi đã viết với ý đồ là mỗi độc giả có thể tự tìm một trật tự mới cho các chương. Điều này hoàn toàn có thể làm được vì các chi tiết của Thang máy Sài Gòn liên kết với nhau mật thiết đến độ dù có bị đẩy ra khỏi nhau như thế nào thì chúng vẫn thuộc về nhau, mãi mãi là của nhau. Đây có vẻ là một thử nghiệm ngược lại so với cách viết trước của tôi, ví dụ như Chinatown nơi không có chương, đoạn… nên độc giả không có cách nào khác ngoài việc đọc một mạch từ đầu đến cuối.



Bìa Thang máy Sài Gòn trong Pháp văn và Việt văn

* Chị có vài lần nói đến ý niệm “văn chương phi quốc tịch”, nhưng chỉ nhìn tên các tác phẩm như Made in Vietnam, Chinatown, Paris Mười một tháng Tám, VânVy, Thang máy Sài Gòn, T mất tích, Tháng Tư vô lý… thì đủ thấy nơi chốn quyết định thời gian của người, với căn cước khá rõ ràng. Quan niệm hiện nay của chị về quốc tịch của văn chương là gì?

- Tác phẩm có địa danh, những câu chuyện xảy ra ở một nơi nào đấy, nhưng tác giả thì không thuộc về đâu, cũng không thuộc về quốc gia nào. Văn chương với tôi, lúc nào cũng phi quốc tịch.

* Vậy có nên quan tâm về nghĩa vụ của ngòi bút với quốc tịch (dù theo nghĩa rộng) nào đó?

- Thành thực mà nói, tôi không biết nhà văn Việt Nam có được đánh giá cao hơn nhà văn Mông Cổ hay nhà văn Miến Điện? Còn nghĩa vụ quảng bá đất nước thì ngay từ đầu tôi đã tự ý dành cho các nhà ngoại giao và các công ty du lịch. 

Khi cầm bút, câu hỏi thường đặt ra là tôi có thành thực với hiện thực mà tôi đang viết? Đấy có lẽ không phải là nghĩa vụ với quốc tịch mà là nghĩa vụ với văn chương. Giả sử nếu độc giả Pháp có nhầm tôi là nhà văn Campuchia hay Indonesia thì tôi cũng chẳng thấy thế làm phiền. Quan trọng là họ có thấy thích thú với tác phẩm của tôi hay không. Vậy thôi.

* Sau một vòng đi từ Việt Nam đến phố Tàu, Paris… trong tiểu thuyết, chị đã trở về với Sài Gòn, những tháng năm sau chiến tranh, giữa bối cảnh mà vượt biên và việc lấy được suất đi tu nghiệp nước ngoài “song hành”/hấp lực như nhau. Việt Nam một thời luôn ám ảnh chị, tại sao vậy?

- Hiện tại không phải là cái mà chỉ cần di chuyển trong bán kính dăm, mười năm là hiểu được. Lẽ nào để viết về Việt Nam ngày hôm nay, tôi có thể chặt phắt quá khứ đi cho đỡ cồng kềnh và đỡ tủi thân với các đồng nghiệp trẻ?

Còn với các đồng nghiệp Pháp chẳng hạn, hơn nửa thế kỷ đã qua mà họ vẫn chưa tha thứ cho “tinh thần thuộc địa”, “chính sách bài Do Thái”, “hợp tác với Nazis”… thì tại sao tôi lại phải cố tình quên đi “cải cách”, “vượt biên”, “học tập”, “bao cấp”… xảy ra cách đây ba bốn thập niên?

Khi bắt tay vào Thang máy Sài Gòn, tôi có ý định viết một tiểu thuyết chiến tranh, nhưng càng viết thì càng thấy chiến tranh quá mơ hồ, hầu như tôi chẳng có một kỷ niệm nào về thời chiến. Thế là tôi quyết định viết về hậu chiến. Tuy không còn bom rơi, đạn lạc, nhưng nhìn chung hậu chiến cũng kinh hoàng không kém, như một cơn đau âm ỉ, và ở Việt Nam những năm 1970-1980 là một giai đoạn nhức nhối mà đến hôm nay nhiều vết thương vẫn chưa kịp lành. 

* Nếu phải nhắn gởi gì đó với độc giả, chị nói sao?

- Đọc Thang máy Sài Gòn, nếu mang lại cho bạn điều gì bổ ích, thì có lẽ trước hết là sự hoài nghi. Rất có thể là mỗi một lần tìm ra một trật tự mới cho các chương thì bạn lại có thêm những hoài nghi mới.

VĂN BẢY (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm