Nhà văn Thuận: Việt Nam đâu chỉ có chiến tranh!

11/03/2013 13:50 GMT+7 | Đọc - Xem


(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến Việt Nam, nhiều người nước ngoài nghĩ ngay tới chiến tranh. Và nhiều nhà văn Việt mặc định chiến tranh là “đặc sản” để xuất ngoại. Trong khi đó, Thuận, nhà văn hải ngoại với nhiều tác phẩm được quốc tế đón nhận, lại chọn con đường khác...

Nhà văn Thuận vừa trở về VN tham dự buổi tọa đàm T. mất tích- tìm T hay tìm tôi tại Trung tâm văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền- Hà Nội) cuối tuần qua.

Việt Nam “phong phú” mảnh đời

Thuận không phải người hoạt ngôn. Trên trang sách chị sắc sảo bao nhiêu, khi đăng đàn chị bối rối chừng ấy. Trong buổi tọa đàm, nói đôi lời, Thuận lại ngưng, chuyển sang chủ đề khác hoặc tự dịch lại lời nói của mình. Nhưng khi nói về Việt Nam, về nước Pháp, về vấn đề trách nhiệm công dân, Thuận hứng thú lạ: “Nói viết về nước Pháp, nhiều người mặc định phải miêu tả sự lung linh của tháp Eiffel, sự diễm lệ của những sàn thời trang thượng thặng. Nhưng thực tế đâu chỉ có vậy. Nước Pháp còn là những mảnh đời cô quạnh. Và tôi đã tái hiện điều này trong truyện của mình bằng giọng lạnh lùng, chua xót.”

Nhà văn Thuận chia sẻ tại tọa đàm
“Còn Việt Nam, chiến tranh là cụm từ nhiều người trên thế giới nghĩ nhất khi nói nghĩ về cái tên này. Song Việt Nam đâu chỉ có chiến tranh. Với tôi, sức cuốn hút nằm ở sự phong phú của 85 triệu mảnh đời trên dải đất này. Và đấy là “đặc sản” của Việt Nam cần viết ra cho thế giới thấy chứ không phải chiến tranh!”

Thoạt nghe, nhiều người nghĩ Thuận thật nồng say với nước Pháp, thật ưu ái với Việt Nam. Song theo chia sẻ của Thuận, văn chương miêu tả sự thật ở đời, những trải nghiệm, góc nhìn của tác giả. Và nó phi quốc tịch. Cũng bởi quan niệm vậy nên tôi viết “sòng phẳng”. Tới đây chị định viết vài tiểu thuyết về nước Mỹ. “Nhưng công bằng mà nói, những thân phận ở Việt Nam luôn đem lại nguồn cảm hứng dồi dào cho tôi”- Thuận nói thêm.

Những nhân vật người Việt trong quan niệm văn chương “phi quốc tịch” của Thuận còn được một bạn trẻ “bắt gặp” trong văn của Murakami. Còn nhà giáo Phạm Toàn lại “tìm thấy” T. trong T. mất tích ở K. trong truyện của Kafka. Song Thuận cho hay chị không thích Murakami và chưa đọc nhân vật nào tên K. trong truyện của Kafka.

Đơn giản là, “trong hàng triệu con đường sáng tạo tìm tới cái khác, có những khúc quanh, các tâm hồn lớn gặp nhau. Và điều ấy càng chứng tỏ, văn chương là không có đường biên giới và thân phận con người cũng vậy”- một thính giả nhận xét trong tọa đàm.

Không nên theo “văn chương tự sướng”

Mục đích chính của buổi tọa đàm là giới thiệu bản dịch tiếng Pháp của T. mất tích. Và như tên gọi, phần nào, những người tổ chức cũng muốn tìm T. (tìm Thuận, tìm bản ngã cá nhân của bất kỳ ai và tìm lại cả thân phận của bốn triệu người Việt xa xứ).

Trong suốt buổi tọa đàm, đồng hành cùng Thuận là nhà giáo Phạm Toàn, dịch giả Dương Tường, nhà văn Đặng Thân, giáo sư Ngô Bảo Châu (về từ rất sớm)… cùng lật qua lật lại nhiều vấn đề để tìm T. Song T. vẫn…mất tích. “Ừ, T. cũng có thể là tôi lắm chứ!”- Thuận khép lại cuộc truy tìm bằng một câu đầy nghi hoặc.

Nhân chuyện “nhập vai” T., Thuận thừa nhận việc này khiến truyện có chiều sâu và chân thật hơn. Tuy nhiên, không vì lẽ đó mà nhà văn được phép tự ban cho nhân vật mình sắm vai vẻ đẹp toàn bích. “Bởi đó là kiểu văn chương tự sướng của một vài tác giả bây giờ. Những nhân vật tôi sắm vai thường đeo kính, xấu xí và hay chịu bất hạnh. Bởi chỉ có nỗi đau, bi kịch mới đem lại cho tôi cảm xúc. Và nói như bác Dương Tường, “Tôi đứng về phe nước mắt!”.

Nhà văn Thuận tên thật là Đoàn Ánh Thuận. Sinh năm 1967. Chị đã tốt nghiệp khoa Anh ngữ ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, làm cao học văn học Anh cổ điển tại Đại học Paris 7 (1991-1992) và cao học văn học Nga đương đại tại ĐH Sorbonne (1992-1993). Hiện chị đang định cư tại Pháp.

T. mất tích là tiểu thuyết thứ tư của Thuận, xuất bản ở Việt Nam năm 2007. Bản tiếng Pháp (do dịch giả Đoàn Cầm Thi thực hiện, Nhà xuất bản Riveneuve, Paris) đã ra mắt độc giả tháng 9/2012.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm