'Nâng cấp' Giải thưởng Trần Hữu Trang - Hay và dở!

15/06/2020 19:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Trở lại sau 6 năm đứt quãng, Giải thưởng Trần Hữu Trang được “nâng cấp” thành Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2020, với quy mô toàn quốc, nơi huy chương sẽ được tính vào việc xét NSƯT, NSND. Cuối tuần qua Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc thi này. Ngoài những điều tích cực, đổi mới về cơ chế và giải thưởng, cuộc thi này vẫn nhận về những băn khoăn, thách thức.

Giải thưởng Trần Hữu Trang 2011: Nhiều đổi mới

Giải thưởng Trần Hữu Trang 2011: Nhiều đổi mới

Sau 4 năm gián đoạn, giải thưởng Trần Hữu Trang nhằm phát hiện và bồi dưỡng tài năng cho sân khấu cải lương (SKCL) đã trở lại với nhiều điểm đổi mới.

Cuộc thi dự kiến trao 30 huy chương, gồm 10 vàng và 20 bạc, cho nhiều loại vai, gồm đào mùi - kép mùi, kép lão - đào mụ, kép hài - đào hài, kép độc - đào lẳng... Thời gian đăng ký dự thi đến hết ngày 19/7/2020, công diễn và trao giải dự kiến ngày 2/9/2020.

Đổi mới về cơ chế

Điểm đổi mới đầu tiên là cứ nghệ sĩ hoạt động từ 5 năm trở lên là có thể tham gia cuộc thi, không phân biệt tuổi tác và danh hiệu đã có. “Thậm chí đã là NSƯT, NSND thì vẫn tham gia được, vì cuộc thi hướng đến sự khẳng định đẳng cấp nghề nghiệp, sức sống của cải lương, chứ không chỉ tìm kiếm huy chương” - NSND Trần Minh Ngọc chia sẻ.

Điểm đổi mới thứ hai là cuộc thi hướng đến những nghệ sĩ độc lập, ngoài công lập, cũng như chuyên trị các vai phụ, vai độc, mà các cuộc thi trước đây khó có cơ hội tranh huy chương. Cuộc thi cũng hướng đến những tên tuổi đã khẳng định, nếu họ muốn đủ huy chương để xin xét NSƯT, NSND, thì tham gia. Nói ví dụ như các danh hài Bảo Chung, Tấn Beo, Hồng Tơ… nếu thích, họ đều có thể tham gia cuộc thi này, vì có hạng mục huy chương cho kép hài. Hoặc như các nghệ sĩ cải lương tuồng cổ, các tài năng đặc dị ở các gánh hát kiểu “Sơn Đông mãi võ” thì vẫn có thể tham gia, vì có kép độc - đào lẳng.

NSƯT Thanh Thúy (PGĐ Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo mọi điều kiện cho các thí sinh là các nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp, kỳ cựu, có thể tham gia bằng các sở trường diễn xuất, như độc, lẳng, mùi, thương… Chúng tôi mong mỏi cuộc thi năm nay sẽ tạo được sự chuyên nghiệp và công minh, để thực sự tìm ra và khẳng định các tài năng sân khấu cải lương”.

Chú thích ảnh
Họp báo Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang - 2020

Băn khoăn vẫn còn đó

Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức từ năm 1991 là một kế thừa tinh thần của Giải Thanh Tâm từ năm 1958 đến 1968. Tính đến mùa giải cuối năm 2014, Giải thưởng Trần Hữu Trang đã tổ chức trao 12 lần, với khoảng 70 thí sinh đoạt giải, trung bình gần 6 giải một mùa. Góp phần tạo ra nhiều ngôi sao sáng như Kim Tử Long, Tài Linh, Vũ Linh, Phượng Hằng, Thanh Hằng, Thoại Mỹ, Kim Tiểu Long, Thanh Thanh Tâm, Linh Tâm, Châu Thanh, Quế Trân, Hữu Quốc… Bây giờ nâng cấp lên tầm quốc gia, ngay mùa đầu tiên đã dự kiến trao 30 huy chương, có bị nhiều quá chăng?

Đây là băn khoăn và tranh luận sôi nổi tại cuộc họp báo, nơi BTC tin rằng tài năng cải lương trên toàn quốc là rất nhiều, bây giờ thi đa dạng vai diễn, 30 huy chương là hợp lý. Trong khi nhiều ý kiến muốn hướng đến “quý hồ tinh” như Giải Thanh Tâm, như Giải thưởng Trần Hữu Trang trước đây; thậm chí trao ít như Giải Thanh Tâm thì mới kịch tính và danh giá.

Chú thích ảnh
Nhiều ý kiến cho rằng cứ trao huy chương được cho những cái tên như Vũ Linh và Phượng Hằng ở Giải thưởng Trần Hữu Trang, dù ít, cũng đã xứng đáng để tổ chức một cuộc thi. Ảnh: Thanh Hiệp

Một băn khoăn nữa là cái nôi cải lương ở Nam bộ, đỉnh cao cải lương thì ở TP.HCM, giờ mở rộng ra toàn quốc, liệu có cần thiết và thực tế không? Tại sao không giữ nguyên cái tên Giải thưởng Trần Hữu Trang, vốn đã thành một dấu ấn lớn, chỉ cần mở rộng quy chế và quy mô cuộc thi là đủ?

NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, việc thay đổi là để phù hợp với quy chế trao huy chương và xét danh hiệu hiện thời. Tuy nhiên, vài cử tọa và nhà báo cho rằng nếu làm hợp lý hơn thì không cần thiết phải như vậy, bởi đặc trưng vùng miền là rất quan trọng trong văn hóa nghệ thuật có nguồn gốc trực tiếp từ dân gian. Ví dụ như việc nâng cấp quan họ Bắc Ninh, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, bài chòi miền Trung, cồng chiêng Tây Nguyên… lên tầm mức toàn quốc là không cần thiết. Bởi chúng là đặc trưng vùng miền, có tính riêng biệt, UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cũng vì các khía cạnh này.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm