'Mọt' Tam quốc (kỳ 5) - Phong vũ Kinh châu: Tương - Phàn chi chiến

17/12/2018 19:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những người yêu mến nhà Thục Hán đều lấy làm tiếc cho chiến dịch Tương - Phàn. Cục diện Tam Quốc lẽ ra có thể đã sang một bước ngoặt khác, khi nửa đầu chiến dịch là đỉnh cao trong sự nghiệp của Quan Vũ với chiến thắng gây rung động khắp vùng Hoa Hạ.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

'Mọt' Tam quốc (kỳ 4) - Phong vũ Kinh châu: Nước cờ 'Bắc phạt' của Quan Vũ

'Mọt' Tam quốc (kỳ 4) - Phong vũ Kinh châu: Nước cờ 'Bắc phạt' của Quan Vũ

Diễn ra 11 năm sau trận Xích Bích, chiến dịch Tương - Phàn là chiến dịch thứ hai và cũng là chiến dịch cuối cùng của thời Tam quốc có sự góp mặt đầy đủ của ba nhà Tào - Tôn - Lưu. Để rồi ngàn năm sau, những tồn nghi từ trận chiến ấy vẫn là nguồn cơn của bao tranh luận và tiếc nuối.

Kiến An năm thứ 24 (năm 219), Quan Vũ ồ ạt xua quân tấn công Tương Dương. Lã Thường lui vào thành cố thủ, Vũ bèn cho quân vây thành rồi kéo đến Phàn Thành. Tào Nhân lệnh cho Bàng Đức đóng trại phía Bắc cách Phàn Thành mười dặm làm thế ỷ giốc, đồng thời nghênh đón viện quân. Quan Vũ vây thành, cùng Bàng Đức giao chiến nhưng chưa thắng được.

Uy chấn Hoa Hạ

Lúc bấy giờ, vừa từ Hán Trung trở về, Tào Tháo phái Vu Cấm mang 7 cánh quân đến Phàn Thành cứu viện. Tam quốc diễn nghĩa kể Vu Cấm bụng dạ hẹp hòi nên làm hỏng việc lớn: không muốn để Bàng Đức lập công, mang hết quân sang hẻm núi phía Bắc Phàn Thành, rốt cuộc bị Quan Vũ đắp đập, tháo nước sông Tương dìm chết cả 7 cánh quân.

Chú thích ảnh
Với uy thế của mình, Quan Vũ suýt chút nữa đã khiến Tào Tháo dời đô

Thực tế, đây chỉ là ý đồ nghệ thuật của La Quán Trung. Việc đóng quân phía Bắc thành không phải là ý của Vu Cấm mà là do Tào Nhân hạ lệnh. Các sử liệu cũng không hề đề cập gì đến việc Quan Vũ đắp đập ngăn nước sông mà đều thống nhất rằng trời mưa lớn, nước sông Hán dâng cao nhấn chìm quân của Vu Cấm.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Quan Vũ chiến thắng nhờ may mắn. Vu Cấm, Bàng Đức là người phương Bắc, có thể không thông hiểu thời tiết Kinh Châu nhưng Tào Nhân, Mãn Sủng lại khác.

Tào Nhân từng ở Giang Lăng chống nhau với Chu Du hơn 1 năm, đóng ở Phàn Thành hơn 3 năm. Mãn Sủng cũng có hơn 4 năm làm Thái thú Nhữ Nam. Vậy mà với kinh lịch như vậy, Tào Nhân, Mãn Sủng không hề đưa ra nhắc nhở nào khiến cho hai người Vu Cấm, Bàng Đức lâm vào cảnh nguy ngập.

Tình hình lúc đó như sau: nước lũ đến nhanh, dâng cao đến mấy trượng, tường thành chỉ còn vài chỗ cao không bị ngập. Bọn Vu Cấm, Bàng Đức chỉ kịp chạy đến chỗ cao thì đã thấy Quan Vũ cưỡi thuyền lớn đến tiến đánh. Điều binh đánh trận vốn không phải chỉ có giao tranh mà còn gồm các công tác hậu cần như lương thảo, khí giới, lều trại v.v… Trong khi các tướng lĩnh phía Tào đang khốn đốn thì Quan Vũ lại không hề gặp trở ngại nào, thậm chí còn có thể nhân nước lớn mà phá địch. Cho dù quân của Vũ là thủy quân, vốn có mang sẵn thuyền thì với tốc độ nước lũ dâng cao nhanh như vậy, việc bảo toàn lương thảo đã là hết sức khó khăn, càng không cần phải nói đến việc tập trung binh mã, tiến đánh quân địch.

Từ đó có thể thấy rõ: đây là trận lũ bất thường nên bọn Tào Nhân, Mãn Sũng không thể lường được quy mô khủng khiếp của nó. Nhưng Quan Vũ bằng cách nào đó đã tiên liệu được và lợi dụng cơ hội đó để phá địch.

Thực tế, Tương Dương huyện chí cho biết xuyên suốt thời đại Tam Quốc, có cả thay ba lần sông Hán có lũ lớn, lần lượt vào năm Kiến An thứ ba, Kiến An thứ hai mươi bốn và năm Thái Hòa (nhà Ngụy) thứ tư. Năm Kiến An thứ hai mươi bốn chính là năm Quan Vũ tấn công Tương – Phàn. Tháng bảy phát động tấn công, vây lấy Tương Dương, Phàn Thành, tháng tám nhân nước lớn tiêu diệt viện binh. Nhìn lại, rõ ràng Quan Vũ đã có chuẩn bị mà tới. Có thể, kế hoạch của Quan Vũ là dựa vào thời tiết đầu thu nhiều mưa lớn để hạn chế kỵ binh của quân Tào, đồng thời lợi dụng ưu thế thủy quân Kinh Châu, nhưng trời đã ban cho ông ta một cơ hội lớn ngoài mong đợi.

Kết quả, Vu Cấm đầu hàng, hơn ba vạn quân bị bắt sống, Bàng Đức bị giết chết. Bọn Thứ sử Kinh Châu là Hồ Tu, Thái thú Nam Hương là Phó Phương kéo nhau đến hàng. Thanh thế của Quan Vũ ngày càng cường thịnh, uy chấn Hoa Hạ. Sử liệu ghi: Tào Tháo kinh sợ nghĩ đến chuyện dời đô.

Chú thích ảnh
Bản đồ chiến sự Tương - Phàn

Toan tính từ phía Tào

Quan Vũ đại thắng nhưng vẫn chưa vượt qua được Tương - Phàn, vậy tại sao Tào Tháo nghĩ đến chuyện dời đô?

Điều này đến từ những việc Tào Tháo làm trong thời gian gần đó. Tây chinh Mã Siêu, Hàn Toại trở về, Tào Tháo được “bái lạy không phải xưng danh, lên triều không phải rảo bước, được mang kiếm đi giày lên điện, như việc cũ của Tiêu Hà”.

Nam chinh Tôn Quyền trở về, Tào Tháo được phong là Ngụy công. Đánh Trương Lỗ trở về, Táo Tháo được tấn tước Ngụy vương. Dã tâm của Tào Tháo lộ rõ đã làm bất mãn rất nhiều danh sĩ cựu thần có tư tưởng phò Hán. Cho nên trên con đường trở thành Ngụy vương, Tào Tháo đã ngầm ép chết Tuân Úc, xử chết Khổng Dung, trị tội Mao Giới và giết rất nhiều người khác .

Người đang bất mãn với Tào Tháo nhất khi đó dĩ nhiên là Hán Hiến đế, vốn đang bị giam lỏng ở Hứa đô. Hay tin Quan Vũ thắng trận, các huyện Lương, Giáp, Lục Hồn từ xa nhận ấn thụ hoặc hiệu phong của Vũ rồi đồng loạt nổi dậy. Đây đều là các địa phương nằm quanh Hứa đô, thẩm thấu thế lực của Quan Vũ nên rơi vào cảnh “trăm họ nhiễu loạn” như lời Mãn Sủng. Chỉ cần chờ Quan Vũ hạ được Tương - Phàn, các cựu thần và lực lượng thân Hán sẽ nhao nhao nổi dậy, tiến vào Hứa đô để cướp Hán Hiến đế từ tay Tào Tháo.

Chính trong thời điểm quyết định ấy, sự tỉnh táo và tầm nhìn cùa các chiến lược gia bên phía Tào quân đã trở nên hữu dụng.

Trước ý tưởng thiên đô, Tưởng Tế và Tư Mã Ý cực lực phản đối và khuyên Tào Tháo: Vu Cấm là bị nước dìm, không phải là do Quan Vũ tài giỏi. Hiện tại Tương - Phàn chưa bị hạ, quốc gia chưa bị tổn hại gì nghiêm trọng.

Nghe ra điều này, Tào Tháo lập tức sai Từ Hoảng đi cứu viện cho Tương Dương. Không chỉ vậy, Tháo còn tự kéo quân tới đóng tại Ma Pha, lệnh cho Ân Thự, Chu Cái trước sau đem cả thảy hai mươi doanh quân (khoảng hai vạn) đến tăng viện cho Từ Hoảng, lại điều tiếp một cánh quân vùng Hoài Nam của Trương Liêu đến Tương Dương.

Như vậy, sau Vu Cấm, hai người khác trong Ngũ Tử Lương Tướng của Tào Ngụy là Từ Hoàng, Trương Liêu lần lượt đổ về Phàn - Thành để đương đầu với Quan Vũ. Nhưng kế hoạch giải cứu Tương Dương không chỉ dừng ở đó.

Theo phân tích của Tư Mã Ý, Lưu Bị, Tôn Quyền ngoài thân mật mà trong xa cách, Quyền sẽ không mong muốn Quan Vũ được đắc chí. Hiện giờ chỉ cần phái người xui Quyền đánh úp phía sau Quan Vũ, hứa sẽ cắt đất Giang Nam phong cho Quyền thì Phàn Thành tự nhiên được giải vây.

Như thế, ở thời điểm quyết định, phía Tào quân đã sử dụng một nước cờ bất ngờ: lôi kéo Đông Ngô về phía mình, dựa trên những mâu thuẫn âm ỉ giữa 2 nhà Tôn - Lưu về vấn đề Kinh Châu.

Tử thủ Tương Dương

Trước khí thế như trời rung đất chuyển của đạo quân Kinh Châu, có người nói với Tào Nhân rằng Quan Vũ thế không thể đỡ, do vậy nhân lúc vòng vây chưa khép chặt nên dùng thuyền nhẹ để trốn đi.

Tuy nhiên, Mãn Sủng lại có ý kiến khác: nước lũ đến nhanh thì cũng sẽ đi nhanh, nay thế lực của Quan Vũ đã thẩm thấu khắp Hứa Xương nhưng vẫn không dám tiến lên là vì lo ngại bọn Tào Nhân tập kích phía sau, hiện tại nếu để mất Tương - Phàn thì từ Hoàng Hà xuôi Nam sẽ không còn là đất của Tào Ngụy nữa.

Nghe theo ý kiến Mãn Sủng, Tào Nhân bèn khích lệ sĩ khí tướng sĩ, Mãn Sủng cũng tự tay dìm con ngựa trắng của mình xuống nước để cùng chư quân ước thệ, tỏ rõ quyết tâm tử thủ.

Tào Nhân năm xưa ngay cả trước sức ép của Chu Du và Lưu Bị vẫn có thể kiên trì phòng thủ hơn 1 năm, tỏ rõ phong thái của đệ nhất đại tướng dưới trướng Tào Tháo. Nay Nhân ý chí càng thêm sắt đá, thề chết không lùi, đã trở thành một bức tường thép ngăn cản con đường chinh phạt Trung Nguyên của Thục Hán đệ nhất mãnh tướng Quan Vũ.

“Mọt” tam quốc (Kỳ 6) - Phong vũ Kinh Châu: Cột chống trời ngã ở Kinh Sở

Trần Tiến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm