Khám phá 'kho báu' di sản phi vật thể Hà Nội (kỳ 1): Tiếng lóng Đa Chất - vì sao có tiếng lóng, vì sao là di sản?

16/12/2019 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Di sản văn hóa phi vật thể luôn đem đến cho chúng ta cảm giác vừa lạ, vừa quen. Đó là những báu vật vô giá, nhưng cũng hết sức quen thuộc, gần gũi với chúng ta hàng ngày, gắn liền với phong tục, tập quán, nề nếp lối sống, sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng. Chính vì vậy không phải ai cũng có thể nhận diện được một cách đầy đủ những biểu hiện phong phú, cùng những giá trị sâu xa của chúng. Trong khi đó, các di sản văn hóa phi vật thể cùng các “báu vật nhân văn sống” đang lưu giữ chúng đang ngày bị mai một theo thời gian.

Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"

Bảo tồn di sản ca trù: Câu ca, nhịp phách vang ngân dịp cuối tuần

Bảo tồn di sản ca trù: Câu ca, nhịp phách vang ngân dịp cuối tuần

Vào tối thứ Bảy hàng tuần, câu ca, nhịp phách ca trù lại vang ngân tại Bích Câu Đạo quán (Hà Nội), đưa không gian này thành điểm hẹn của những người yêu di sản.

Cuốn Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội trong đời sống đương đại do Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) và NXB Thông tấn ấn hành vừa qua là kết quả tinh tuyển từ quá trình kiểm kê toàn bộ các di sản phi vật thể của Hà Nội, để rồi chọn lựa ra 24 di sản để giới thiệu. Nó là bức tranh “đương đại” hết sức sống động về các di sản ngàn năm.

Được sự cho phép của Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu một số các nghiên cứu tiêu biểu và đưa vào chuyên đề Khám phá “kho báu” di sản phi vật thể Hà Nội.

Tiếng lóng Đa Chất là gì?

Tiếng lóng Đa Chất là một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của người dân làng Đa Chất thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Vậy tiếng lóng Đa Chất là gì và từ đâu mà có thứ tiếng biểu ý đầy sáng tạo này?

Người dân làng Đa Chất gọi tiếng lóng là “tối sưỡn” (tối: nói, sưỡn: máy) tức là nói lái. Với người thợ đóng cối Đa Chất thì mục đích nói tiếng lóng là: “Mình nói làm cho người lạ không hiểu, chỉ những người biết tiếng lóng hiểu với nhau” (ông Nguyễn Văn Phường, sinh năm 1960, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Xuyên); “Bên cạnh những ngôn ngữ bình thường, chúng tôi phải nói chêm vào ngôn ngữ lóng thực tế để người lạ không biết” (ông Nguyễn Xuân Mai, sinh năm 1951, thợ phó hai); “Tiếng lóng là tiếng bí mật nói chuyện với nhau của những người cối chúng tôi. Khi có chủ nhà ở nhà, không muốn cho chủ nhà biết thì nói với nhau bằng tiếng lóng” (ông Nguyễn Văn Kên, sinh năm 1929, thợ phó cả).

Chú thích ảnh
Người dân Đa Chất sáng tạo ra tiếng lóng do nghề đóng cối. Khi người thợ đóng cối nói “Xảo sởn quần ớt” nghĩa là “Đi chặt tre đi”. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Người dân Đa Chất sử dụng những từ ngữ khác để thay thế cho những từ ngữ thông dụng như: bệt (nhà), mỗ (người), dạng (gia cầm), nhào (thịt), sưỡn (máy móc), thít (ăn uống), xấn (làm), sởn (đi), xảo (đàn ông), nhát (đàn bà). Có những từ ngữ thuần Việt rất cổ ngày nay không được sử dụng nữa hay chỉ sử dụng theo cặp nhưng đã được người thợ cối Đa Chất lấy ra một đơn từ để tạo thành từ mới trong tiếng lóng của họ. Chẳng hạn, từ chác (mua) - chác: mua lấy, cầu lấy. Trong tiếng Việt, thường các từ đổi chác, bán chác đều chỉ hành động mua bán, trao đổi. Choáng (đẹp) - choáng chỉ sự đẹp đẽ, chói lòa, ngạc nhiên (choáng váng). Nhẹn (nhanh), tiếng Việt có từ láy “nhanh nhẹn”. Chập (tối) - Chập choạng chỉ lúc trời tối lờ mờ, trông không được rõ lắm.

Bên cạnh đó, có một số từ Hán Việt với đúng ý nghĩa của nó xuất hiện trong tiếng lóng Đa Chất. Ví dụ: trì (ao); nhất (một); lái (hai); đô (to, khỏe); hào quang (ánh sáng, mắt, lửa); ký (cất, gửi); ngoại (bên ngoài); hồng (đỏ); xí (xấu, béo). Ngoài ra còn một số tượng hình. Chẳng hạn như: chèo (đôi đũa) - ví như hai mái chèo; đảo (say) - lảo đảo; vẫy (quạt nan) - hành động quạt; vai trên (anh chị); vai dưới (em).

Cách ghép từ trong tiếng lóng Đa Chất về cơ bản giống như trong tiếng Việt.

Ví dụ:

Bệt cốn (nhà giàu) - bệt: nhà, cốn: giàu

Tõi sưỡn (nói lái/nói lóng)

Sưỡn tõi (cái đài, radio) - tối: nói, sưỡn: máy

Sởn sưỡn (đi xe) - sởn: đi, sưỡn: xe/máy

Tới quẩn (cá trê) - tới: cá, quẩn: quẩn lại ® tượng hình

Tới xuất (cá chép) - tới: cá, xuất: lao đi ® tượng hình

Xấn tới: (đánh cá) - xấn: làm, tới: cá

Tớp tới: (đi câu cá) - tớp: lấy, tới: cá.

Tiếng lóng là thứ tiếng biểu ý nên người nói lóng cần phải nói nhanh, nói gọn để người nghe hiểu được đầy đủ thông điệp của câu nói.

Ví dụ, người nói: “xảo tớp hách” (có thằng ăn trộm đấy), người nghe phải hiểu là “có thằng ăn trộm, cẩn thận vào, trông lấy đồ đạc, cất tiền nong kẻo nó lấy mất”. Khi đang ăn cơm, người nói: “trầm, chổi thít”, người nghe phải hiểu là “đừng, không được ăn miếng đó, người ta đánh giá đấy”.

Đó là cách để người Đa Chất nói chuyện với nhau khiến cho người khác không thể biết được họ nói gì. Cũng chính vì vậy mà tiếng lóng không viết được thành văn bản, cũng không được dùng làm ngôn ngữ diễn đạt. Không ai nói chuyện chỉ bằng tiếng lóng bởi như thế sẽ gây sự chú ý. Chủ yếu người dân nơi đây sử dụng tiếng lóng trong các loại câu như: câu mệnh lệnh, câu cảm thán, câu đơn, câu khuyên bảo. Đó là loại câu ngắn gọn.

Tại sao lại có tiếng lóng?

Làng Đa Chất là một ngôi làng cổ nằm bên cạnh dòng sông Nhuệ, ở phía Nam thành phố. Cũng như các làng quê vùng đồng bằng Bắc bộ Việt Nam, trồng lúa nước là nghề nghiệp chính. Nhưng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên, dân Đa Chất xưa cấy lúa không đủ ăn, quanh năm đói khổ. Vì thế người dân Đa Chất đã học hỏi và sáng tạo nên nghề làm cối xay lúa bằng tre để có thêm thu nhập nuôi gia đình. Những người thợ đóng cối là những người đàn ông, họ học nghề từ ông, bố, chú bác của mình từ năm 13 - 14 tuổi.

Cối xay lúa được làm bằng tre thường sử dụng ở các vùng miền núi phía Bắc Việt Nam. Đặc trưng của nghề đóng cối xay tre là người thợ cối phải đi làm ăn xa trong một thời gian dài. Họ phải ăn ở lâu ngày ngay tại nhà chủ mà họ được thuê làm việc. Để giữ uy tín cho bản thân và nghề nghiệp của mình, họ luôn luôn phải nhắc nhở nhau, chỉ bảo nhau cách ứng xử sao cho chuẩn mực, đúng đắn với gia chủ của mình, thích ứng với phong tục tập quán nơi mình dừng chân.

Chú thích ảnh
Nêm cối lần 1. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Trên đường đi làm ăn xa, đề phòng những sự cố xấu, những người thợ cối trải qua thời gian đã sáng tạo ra tiếng lóng để sử dụng trong những trường hợp cần thiết, nhằm tránh sự để ý của người ngoài. Việc sử dụng tiếng lóng càng thuận lợi hơn trong những trường hợp các thợ cối nói chuyện riêng với nhau nhằm nhắc nhở về nghề nghiệp, ứng xử xã hội và bàn thảo về tiền công tránh sự so sánh, hiểu lầm không đáng có của những gia chủ khác nhau.

Như vậy, môi trường sinh ra tiếng lóng là môi trường làm việc của những người thợ đóng cối: tại nhà chủ, trên đường đi, trên bến tàu, bến xe nằm ngoài cộng đồng bản địa mà họ sinh sống. Tiếng lóng là một phương tiện để họ trao đổi với nhau, nhắc nhở nhau ứng xử một cách linh hoạt trong những trường hợp cụ thể. Khi những người thợ cối trở về làng, họ ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những câu chuyện đóng cối, và đó cũng là lúc họ bàn bạc, trao đổi, thảo luận và ước hẹn với nhau cách gọi tên một số đồ vật, sự việc, hoạt động bằng ngôn ngữ mới do họ sáng tạo nên - tiếng lóng. Loại hình ngôn ngữ độc đáo này được tiếp tục sáng tạo, truyền trao từ thế hệ này sang thế hệ khác và tồn tại mãi cho đến ngày nay.

Tại sao tiếng lóng là di sản?

Tiếng lóng của những người thợ đóng cối Đa Chất trước hết là sự sáng tạo văn hóa qua nhiều thế hệ. Đây là một hệ thống từ ngữ tác thành nên một dạng ngôn ngữ có thể sử dụng trong nhiều ngữ cảnh, nói được nhiều sự vật, hiện tượng. Hệ thống này không phải do một người hay một thế hệ tạo nên. Đó là cả một quá trình sáng tạo, tạo dựng từng từ, từng câu thành một hệ thống ngôn ngữ, thống nhất thông điệp chuyển tải của hệ thống từ ngữ, truyền trao cách sử dụng trong một cộng đồng và qua nhiều thế hệ.

Hơn thế, việc tạo ra tiếng lóng đã đóng góp phần cải thiện vị thế của người thợ đóng cối, làm cân bằng vị trí xã hội của họ với những người khác. Những người thợ cối sử dụng tiếng lóng để bảo vệ nhau, nhắc nhở nhau tránh những trường hợp xấu, tạo hình ảnh tốt. Nhờ vậy, họ sẽ không còn ở vị thế yếu trong môi trường mới, trong cộng đồng mới. Nhờ có tiếng lóng, họ dễ dàng trao đổi mọi lúc, mọi nơi để hiểu nhau muốn gì và chuyển tải thông điệp gì đó cho nhau. Tiếng lóng cũng giúp họ luôn đoàn kết và giữ bí mật trong cộng đồng. Người ngoài cộng đồng nghe người Đa Chất nói tiếng lóng mà không nhận ra và tất nhiên sẽ không thể hiểu được họ nói gì. Từ đó, người thợ cối luôn ở thế chủ động tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội.

Trong bối cảnh nghề nghiệp đặc thù và sự biến đổi của môi trường sống, người thợ cối Đa Chất luôn phải đối mặt với những khó khăn. Việc sáng tạo ra tiếng lóng và hoàn thiện dần nó theo thời gian đã giúp giải quyết được phần nào khó khăn của những người thợ cối. Đó không chỉ là sự sáng tạo với nhiều ý nghĩa mà còn là sự ứng xử có văn hóa giúp họ phủ lấp vị trí yếu thế của mình.

Tiếng lóng đã cùng những người thợ cối ở Đa Chất vượt qua những quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc sống. Theo thời gian, thứ ngôn ngữ đặc biệt này đã trở thành chỗ dựa tinh thần cho họ, gắn bó với họ, tạo nên một đặc trưng riêng của những người thợ cối Đa Chất và trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của người dân làng Đa Chất, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

Ngày nay tiếng lóng với người Đa Chất không chỉ là ngôn ngữ giao tiếp mà còn là ký ức cuộc đời của chính họ. Những ký ức gắn liền với các chuyến đi, những hành trình để mưu sinh cùng với những kỷ niệm về con người, vùng đất mà họ đã đi qua. Những người già, những người thợ đóng cối ngày xưa vẫn đang kể lại cho con cháu họ mỗi ngày như một hoài niệm.

Kỳ 2 (23/12): “Thình thùng thình” hát Trống quân Hà Nội

(Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm