Hội thảo trực tuyến 'In her voice': Nữ giới làm phim đã không ngại bị 'lấn át'

20/10/2021 21:14 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Không có quá nhiều sự phân biệt nam hay nữ giới làm phim, tài năng là yếu tố khiến cho phụ nữ ngày càng có nhiều cơ hội, gặt hái thành công trong ngành điện ảnh ở Việt Nam và trên thế giới.

'Vaccine' cho điện ảnh Việt Nam: Vượt khó bằng thích nghi và sáng tạo

'Vaccine' cho điện ảnh Việt Nam: Vượt khó bằng thích nghi và sáng tạo

Ở thời điểm dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, rạp chiếu phim chưa thể mở cửa, đội ngũ những người làm phim cần nỗ lực tìm cách thích nghi, không ngừng lao động và sáng tạo…

Đó là những điểm đáng chú ý được các đạo diễn, nhà làm phim bàn luận, đồng tình, trong hội thảo trực tuyến In her voice, do UNESCO phối hợp cùng Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, với sự đồng hành của Hanoi Grapevine và Ơ kìa Hà Nội tổ chức chiều 19/10.

Người làm phim nữ khó… chu toàn

Trong điện ảnh Việt Nam, hiếm có cặp vợ chồng đạo diễn nào như Thanh Vân và Nhuệ Giang. Hai người đều sinh ra trong gia đình có truyền thống làm phim. Mỗi người đều có sự nghiệp riêng và luôn đồng hành, hỗ trợ nhau trên con đường nghệ thuật. Khi nào Thanh Vân làm đạo diễn, Nhuệ Giang sẽ làm phó đạo diễn và ngược lại. Về sau, Thanh Vân còn kiêm vai trò điều hành sản xuất phim của Nhuệ Giang.

Chú thích ảnh
ĐD Thanh Vân (trái) và ĐD Nhuệ Giang

Khi được hỏi về những thách thức của phụ nữ khi làm phim, hay liệu có sự phân định rõ vai trò nữ giới - nam giới khi làm phim hay trong đời sống gia đình, đạo diễn Thanh Vân khẳng định là “không có sự tách bạch”.

“Chúng tôi gắn bó với nhau từ lâu, lại chung con đường điện ảnh nên gần như không có sự phân tách cuộc sống gia đình và làm phim. Có lẽ, chúng tôi chỉ có một sự khác biệt với những người khác, những gia đình khác là tỷ lệ, thời gian chúng tôi sống với điện ảnh nhiều hơn” - anh nói.

Trong khi đó, đạo diễn Nhuệ Giang thì cho rằng, đa phần đàn ông đòi hỏi người phụ nữ trong gia đình phải chu toàn việc nhà cửa, nấu ăn nhưng phụ nữ làm phim như chị thì khó đảm bảo điều đó.

Chị chia sẻ: “Điện ảnh lấn át đời sống của tôi rất nhiều, khi làm phim thì việc nhà tôi sẽ không thể chu toàn được. Đi quay phim thì không có sự phân biệt nam hay nữ, ai làm đạo diễn thì sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng nghệ thuật, tiến độ công việc… Trước đây khi đi làm phim, có những chuyện như chọn bối cảnh, hoặc thuyết phục ai đó hợp tác thì anh Thanh Vân làm tốt hơn tôi. Hiện giờ, tất cả những điều đó không còn là cản trở nữa vì sẽ có những thành viên trong ê-kíp sản xuất lo”.

Cũng theo đạo diễn Tâm hồn mẹ, dù không có nghiên cứu hay con số nào thống kê cụ thể nam - nữ trong giới làm phim Việt Nam, nhưng chị dễ nhận thấy có sự thay đổi. “Khi tôi đi học đạo diễn thì lớp chỉ có 2 nữ, 8-10 nam nhưng hiện nay, khi tôi đi dạy thì thấy các em sinh viên nữ ngang bằng, đôi khi còn nhiều hơn nam”.

Chú thích ảnh
ĐD Nguyễn Hoàng Điệp

“Lúc đi làm, trước đây nam giới dễ được giao phim hơn vì cho rằng họ mạnh mẽ, nhiều kinh nghiệm hơn. Hiện nay đã khác, không ít các nhà làm phim nữ được gọi tên vinh danh ở các giải thưởng lớn và có thể đó chính là lý do đạo diễn nữ cũng ngày càng được tin cậy, được trao quyền nhiều hơn” -nữ đạo diễn bày tỏ.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp thì cho rằng, việc thành lập hội nhóm nữ giới làm phim cũng tốt nếu có thể giúp ích cho các nhà làm phim, song cá nhân chị nhận thấy hiện tại không có sự phân biệt nào về giới giữa những người làm phim Việt. “Điều chúng tôi quan tâm hiện tại không phải là giới nào mà là có nguồn nào hỗ trợ để những người làm phim nói chung có điều kiện sáng tạo và phát triển” - chị nói.

Bà Yoonhyun Jeon - chuyên gia về giáo dục trong Hội đồng phim Hàn Quốc (KOFIC) nhận định, phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng vào thành công của điện ảnh Hàn Quốc. Trong khi đạo diễn/biên kịch Petra Volpe (Thụy Sĩ) thì luôn muốn thể hiện quan điểm, tiếng nói của phụ nữ qua các tác phẩm điện ảnh: “Phụ nữ hiện nay với công nghệ hiện đại, hãy chủ động tiếp cận đề tài, kể câu chuyện và thể hiện tiếng nói của mình, không cần phải phụ thuộc những nhà đầu tư lớn, không cần suy nghĩ mình là phụ nữ thì hạn chế điều này điều kia”.

Chú thích ảnh
ĐD Nguyễn Hoàng Điệp phát biểu tại tọa đàm trực tuyến chiều 19/10

Khả năng làm nghề sẽ tạo ra… cơ hội

Dù không phân biệt quá nhiều chuyện nam giới hay nữ giới làm phim, song các đạo diễn, nhà sản xuất cũng thừa nhận, phụ nữ có những ưu thế nhất định. “Vũ khí mạnh nhất của phụ nữ chính là sự sự dịu dàng và nhẫn nại” - theo nhận định của đạo diễn Thanh Vân.

Đạo diễn Nhuệ Giang đồng tình: “Chắc không có đạo diễn nữ nào ra hiện trường mà quát tháo ồn ào đâu. Không ai nắm chắc kịch bản phim bằng mình nên đạo diễn phải tìm cách truyền đạt cho mọi người hiểu. Nhìn chung, nếu có đủ khả năng, sự hiểu biết thì sẽ thuyết phục được các thành phần trong đoàn phim”.

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp lại cho rằng: “Nếu đặt câu hỏi rằng, làm sao để nhà làm phim nữ có tiếng nói trong đoàn làm phim đông nam giới hơn thì chắc người hỏi đang mặc nhiên rằng tiếng nói người phụ nữ yếu hơn, ít được quan tâm. Cần thay đổi suy nghĩ đó, không có tiếng nói của giới tính mà quan trọng là tiếng nói của ai có trọng lượng ở hiện trường”.

Đạo diễn Petra Volpe nói rằng: “La hét không giúp bạn thể hiện được uy lực đâu. Đạo diễn là lãnh đạo, phải biết cách khai thác tận dụng các thành viên trong đoàn phim của mình. Đạo diễn phải đóng nhiều vai, trong đó có vai người mẹ, hãy quan tâm, chỉ bảo những người trong đoàn thật tận tình.

Tôi nghĩ, lựa chọn các thành viên trong đoàn phim quan trọng không kém việc chọn diễn viên, để tạo môi trường thoải mái, làm sao để họ cảm thấy họ đang được tôn trọng. Tôi quan trọng phẩm chất con người hơn là giới, nhưng tôi vẫn luôn cố gắng khuyến khích sự tham gia của nữ giới trong đoàn làm phim của mình”.

“Tôi quan niệm làm phim là cách để giúp thế giới của chúng ta có nhiều hơn sự thấu cảm, biết những nền văn hóa khác nhau, lắng nghe những câu chuyện, những tiếng nói… Thế nên, đừng nản hay lo ngại có nhiều hay ít nhà làm phim nam hoặc ngại họ lấn át. Điều quan trọng là câu chuyện bạn kể có hấp dẫn không, bạn sẽ kể nó như thế nào, gửi tiếng nói của bạn qua đó ra sao? Điều quan trọng hơn hết là bạn hãy tập trung vào điều mình thật sự muốn làm” - đạo diễn Petra Volpe bày tỏ.

“In her voice”

In her voice là sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ dự án E-Motions nhằm thúc đẩy, kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO và các đối tác thực hiện với sự hỗ trợ từ quỹ tín thác của Nhật Bản.

Dự án ra đời với mục tiêu nâng cao năng lực và trao quyền cho các nhà làm phim cũng như tổ chức những hoạt động gắn kết các nhà làm phim trong nước với các quốc gia khu vực. Đây cũng là cơ hội để cho các đạo diễn nữ Việt Nam có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với các nhà làm phim nữ trên thế giới.

Tiểu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm