Gỡ rối giao thông bằng rối nước

21/12/2011 11:13 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Nhằm phát huy thế mạnh của loại hình nghệ thuật múa rối nước, Trung tâm Bảo tồn, Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam (TT BTPHVHDT VN) đã đầu tư dàn dựng chương trình múa rối nước về đề tài văn hóa giao thông để biểu diễn phục vụ tại một số trường học.

Để lưu diễn một cách cơ động, trung tâm đã mời nghệ sĩ Phan Thanh Liêm - người độc diễn với sân khấu rối nước thu nhỏ cùng tham gia. Buổi công diễn đầu tiên vừa diễn ra tại Đại học Văn hóa Hà Nội.

Nghệ thuật rối kết nối với hát xẩm

Mặc dù chương trình diễn ra ngay tại khuôn viên Trường ĐH Văn hóa Hà Nội nhưng số đông khán giả lại là nhiều lãnh đạo một số ban ngành hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như NSƯT Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, NSND Nguyễn Thị Tâm Chính, Chủ tịch Liên chi hội xiếc Việt Nam và đông đảo các nhà báo của các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và Hà Nội.

Không lấy làm buồn về việc đó, GS Hoàng Chương, người khởi xướng dự án Văn hóa giao thông đã kéo dài trong hai năm qua tỏ ra lạc quan: “Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo một số ngành nghệ thuật và giới báo chí, truyền thông cho thấy họ thật sự đang rất quan tâm đến văn hóa giao thông nước nhà. Đây mới chỉ là buổi diễn đầu tiên, chắc chắn sau khi truyền thông loan đi về chương trình này, từ lần sau, khán giả sẽ đông hơn, chương trình sẽ hiệu quả hơn với những thông điệp cụ thể đã được chúng tôi gửi qua những tiết mục rối!”

Một pha “bốc đầu” của... rối nước

Nội dung của chương trình rối nước Văn hóa giao thông không giống như các chương trình rối nước thông thường. Mở màn là tiết mục rối hát xẩm về văn hóa giao thông. Để có được tiết mục này, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm đã làm một con trò có thể kéo được nhị hồ. Nhưng nếu chỉ “cò cưa” được nhị hồ không thôi thì sẽ rất đơn điệu nên những người thực hiện chương trình đã mời nhóm nghệ sĩ hát xẩm Nguyễn Quang Long và Mai Tuyết Hoa ngồi kế bên cánh gà hát những bài xẩm về văn hóa giao thông của một số tác giả đã tham gia cuộc vận động sáng tác ca khúc về đề tài này cách đây hơn một năm.

Cũng trong chương trình này, khán giả lần đầu tiên được xem hoạt cảnh Đèn xanh đèn đỏ - là tên ca khúc của nhạc sĩ - nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường do... rối thể hiện. Đây là ca khúc được “chuyên gia đào mộ cổ” viết gần như “trên yên xe” khi bắt gặp tình huống một ông bố bị con gái “phê bình” khi cố tình chở con vượt đèn đỏ, trong đó có đoạn: “Ơ, ơ... Sao mới đèn vàng, mà bố đã đi/Cô dạy con rằng, đèn đỏ thì dừng, đèn vàng chuẩn bị, đèn xanh mới đi... Bố mà đi học, cô chẳng bằng lòng cho bố phiếu bé ngoan...”.

Rối cũng đua xe, tạt đầu

Ngoài rối hát xẩm về Văn hóa giao thông, chương trình còn hấp dẫn ở các tiết mục nhảy rock, rap, vui chơi cả trên hè phố, lòng đường, đi xe máy kẹp ba, kẹp bốn, đánh võng, bốc đầu của những cô cậu thanh niên coi thường luật lệ giao thông. Đặc biệt, chương trình còn dàn dựng được một màn đua xe ô tô mà nếu như là ngoài đường thật thì không biết hậu quả sẽ thế nào?! Xe cũng được sơn vàng, sơn đỏ, khi chạy cũng rú ga, bấm còi ỉnh ỏi, cũng tạt đầu móp nắp ca bô bốc khói như thật.

“Tôi đọc báo và đã từng chứng kiến những cảnh đua xe, lạng lách, đánh võng trên đường gây tai nạn thảm khốc. Đó chính là điều không ai muốn nhưng với nghệ thuật thì đó lại là một ý tưởng hay nên tôi đã bắt tay làm những tiết mục đua xe gây tai nạn. Làm một con rối ngồi trên xe đi lại bình thường thì không khó gì. Nhưng làm được một con rối biết buông tay khi đua xe, xe chạy phụt khói, bắn nước xuống khán giả là cả một quá trình khó. Tôi thấy vui vì đã làm được và vui hơn khi tiết mục đã gây được cảm xúc cho người xem” - Phan Thanh Liêm chia sẻ sau buổi diễn.

Sẽ có xiếc thú về văn hóa giao thông

“Chương trình rối nước về văn hóa giao thông là một sáng tạo độc đáo, là một gợi ý lớn để cho các loại hình nghệ thuật khác cùng vào cuộc. Hiện nay, chúng tôi đang cho những chú khỉ của mình luyện tập đi xe đạp nói về một cảnh lộn xộn ở một ngã tư đèn xanh đèn đỏ, không ai chịu nhường ai như chính những diễn biến hằng ngày trên các đường phố Việt Nam. Có những con khỉ ngoan vẫn chấp hành luật giao thông, nhưng có những con vẫn phóng nhanh, vượt ẩu bị khỉ đóng công an giao thông bắt. Trong quá trình diễn ra chương trình, các nghệ sĩ sẽ tương tác với khán giả và từ đó cùng nhau rút ra cái hay, cái phải, cái phải chấp hành nếu chúng ta tham gia giao thông trên đường phố” (NSND Tâm Chính).

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm