Đỗ Long Vân như Vô Kỵ giữa chúng ta

31/10/2018 11:10 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn nửa thế kỷ, những trước tác của Đỗ Long Vân (1934 - 1997) - một tài năng đặc biệt nhưng rất lặng lẽ - vừa được tái bản. Đầu tiên là cuốn Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (NXB Đà Nẵng và Domino) vừa tái bản, tiếp đến sẽ là Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung (in lần đầu năm 1967). Đỗ Long Vân được đánh giá là tinh hoa của văn phê bình nghị luận ở miền Nam trước 1975.

Ngoài hai tác phẩm vừa kể, Đỗ Long Vân còn có một số phê bình tiêu biểu như Truyện Kiều ABC, Thanh Quan hay ám ảnh hoàng hôn, Nhân một kinh nghiệm thơ, Những đồ bằng chất dẻo, Thơ trong cõi người ta, Kỹ thuật tả chân của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ…

Như một ẩn sĩ

Đỗ Long Vân đã sống hơn 6 thập niên, trong thế kỷ 20, giữa chúng ta, như một nguồn nước ẩn. Đó là sự chọn lựa và cũng là định mệnh, không thể và không cần giải thích - như anh đã hành xử suốt đời, từ khi chào đời cho đến những ngày giờ cuối cùng.

Chú thích ảnh
Đỗ Long Vân trong ký ức của Đinh Cường, vẽ tháng 12/1997

Trong suốt 6 thập niên đó, lịch sử Việt Nam đã đi qua nhiều biến động, như sự chuyển tiếp giữa thời đô hộ của phương Tây, qua chia cắt, thống nhất, rồi hội nhập với thế giới. Văn học Việt Nam đi từ sự toàn thắng của báo chí, truyền bá văn tự La Mã của chữ ABC, phong trào Thơ Mới, một thời lãng mạn, một thời kháng chiến, rồi trải nghiệm mọi trào lưu tư tưởng, nghệ thuật thế giới, để đang cố gắng xác định lại một bản sắc văn hóa Việt Nam.

Không tính dịch thuật, xét về số lượng, tất cả những gì mà chúng ta thâu góp lại từ mọi nguồn và mọi thân hữu, thì gia tài của Đỗ Long Vân chỉ hơn 400 trang sách, kết quả của gần 15 năm cầm bút. Đó là một con số khiêm tốn, nhưng cũng đủ để chúng ta đánh giá và trân quý di sản độc đáo này.

Chú thích ảnh
Cuốn “Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương” vừa tái bản

Sinh ra ở Hải Dương, sống thời thơ ấu ở Hà Nội, du học và tốt nghiệp cử nhân văn khoa ở Đại học Sorbonne, Paris. Anh trở về quê hương sau Hiệp định Genève năm 1954, dạy ở Đại học Huế, Đại học Đà Lạt, viết văn và làm xuất bản ở Sài Gòn, nhưng lại sống giữa chúng ta như ở một cảnh giới khác. Như một ẩn sĩ, hoặc đúng hơn, như một hiền nhân.

Ngoài gia đình mà chúng ta có rất ít có thông tin, về quan hệ xã hội, trừ vài người bạn như Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền,… Đỗ Long Vân thường rất ít giao du, rất ít nói.

Hơn một thập niên vào cuối đời ông càng sống khép kín, càng ít nói, viết và dịch cũng ít. Đôi khi người ta thấy ông đứng trầm tư ở hè đường suốt một buổi dài. Không bi lụy, Đỗ Long Vân chỉ như Vô Kỵ giữa chúng ta, không bám trụ, không vướng víu vào bất cứ điều gì.

Chú thích ảnh
Đỗ Long Vân và Đinh Cường. Ảnh chụp năm 1965 tại Đà Lạt

Văn triết sử bất phân

Những văn bản của Đỗ Long Vân nằm ở giao điểm của phê bình văn học cấu trúc, suy tư triết học và lịch sử tư tưởng hiện đại. Mạch nguồn gần gũi nhất là những tên tuổi như Gyorgy Lukacs, Walter Benjamin thuộc dòng chủ nghĩa xã hội; Gaston Bachelard, Roland Barthes thuộc giới phê bình Pháp; Christopher Marlowe, T.S.Eliot, Jorge Luis Borges… trong các tác gia văn học.

Đỗ Long Vân rất tha thiết với tiếng Việt, anh đã hấp thụ cả truyền thống phương Đông qua chữ Nho và chữ Nhật, cũng như văn hóa phương Tây từ Hy Lạp, La Mã cổ đại cho đến Âu Mỹ đương thời để đưa vào văn bản tiếng Việt. Anh đã chứng tỏ khả năng kỳ diệu của tiếng Việt, nhuần nhuyễn và đa tầng trong việc giao lưu, tiếp thu thế giới để mở ra những chân trời mỹ học mới.

Người dịch 'Số đỏ' sang tiếng Anh: Vũ Trọng Phụng có tầm quốc tế

Người dịch 'Số đỏ' sang tiếng Anh: Vũ Trọng Phụng có tầm quốc tế

GS người Mỹ Peter Zinoman so sánh tác gia Việt Nam với George Orwell, một tác gia tầm cỡ thế giới. 'Theo tôi, Vũ Trọng Phụng không thua kém Orwell, họ có nhiều điểm tương đồng về viễn kiến thời cuộc và nghệ thuật viết' - ông nói.

Anh đã rất ung dung, nhẹ nhàng với hành trang tri thức này, nên tiếp cận với các vấn đề của văn học Việt Nam theo một cung cách riêng. Cung cách đó là hoàn toàn độc lập, như người tự do và đầu tiên tiếp xúc với tác phẩm, không vướng mắc vào vòng tranh biện, cũng như bệnh tầm chương trích cú. Thực sự như một trẻ thơ, hoặc đúng hơn như một người không có tuổi và ngoài không gian đến với trái đất. Đó là cái độc đáo và cái mà sau hơn nửa thế kỷ, vẫn làm cho Đỗ Long Vân hoàn toàn mới đối với chúng ta.

Cung cách đó cũng khiến việc cống hiến của Đỗ Long Vân - trong giai đoạn 1954 - 1975 - trở thành tinh hoa của văn phê bình nghị luận ở miền Nam. Anh từ giã cõi đời, thi hài được gia đình đưa đi hỏa thiêu và an vị tại chùa Đại Giác năm 1997.

Ý nghĩa việc tái bản tác phẩm Đỗ Long Vân

“Tái diễn giải trở lại Đỗ Long Vân, là tái diễn giải một sự lãng quên quan trọng trong phê bình văn học cấu trúc luận ở Việt Nam, ở ngay chặng có ý nghĩa nhất, lần đầu tiên tiếp nhận cấu trúc luận vào phê bình văn học, với đại diện chói sáng nhất: Đỗ Long Vân.

Phê bình văn học, vì thế, thường sáng lên như ngọn đuốc soi đường xuyên qua những đại dương hiện hữu gầy mòn. Soi từ Xuân Hương đến Vô Kỵ, qua Đỗ Long Vân để tìm đến giữa di sản phê bình văn học của chúng ta” - nhà phê bình Nguyễn Mạnh Tiến.

Nguyễn Tiến Văn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm