Đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách

17/04/2019 14:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách  là một trong những nội dung được các đại biểu dành sự quan tâm tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng” tổ chức ngày 17/4, tại Hà Nội.

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Nỗ lực để việc đọc sách trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Nỗ lực để việc đọc sách trở thành phong trào lan tỏa trong cộng đồng

Những năm gần đây, phong trào đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc đang được hình thành, phát triển và đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều phong trào, mô hình đọc sách, phát triển văn hóa đọc đã ra đời trên khắp mọi miền Tổ quốc, được người dân đồng tình, hưởng ứng.

Hoạt động do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm chuẩn bị cho tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam và hướng tới mục tiêu đã được Đảng, Chính phủ xác định là xây dựng một xã hội học tập.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm khẳng định ý nghĩa, sự cần thiết và ảnh hưởng to lớn của việc đọc sách đối với đời sống văn hóa cộng đồng; khuyến khích mọi người dân, mọi gia đình đến với sách, đọc sách và tham gia tích cực các hoạt động liên quan đến sách.

Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội, góp phần thúc đẩy việc đọc sách trở thành một thói quen, là việc hàng ngày không thể thiếu của mỗi người dân. Ban Tổ chức mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp giá trị của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và những người quan tâm đến văn hóa đọc qua Hội thảo.

Chú thích ảnh
Các em học sinh Trường tiểu học Đông A (tỉnh Tây Ninh) đọc sách tại Thư viện thân thiện. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN

Kết quả của Hội thảo sẽ làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; góp phần xây dựng môi trường đọc thuận lợi, định hướng thị hiếu đọc lành mạnh cho cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động đưa sách đến với cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động cho mọi nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Tại sự kiện, cùng với việc đánh giá nhu cầu tiếp cận tri thức thông qua sách trong những năm qua, các đại biểu tập trung trao đổi về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với việc phát triển văn hóa đọc; khẳng định tính đúng đắn, sự phù hợp với thực tiễn của việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam. Hội thảo phân tích những kết quả, những mặt đã làm được và chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong việc xây dựng, phát triển phong trào đọc sách hiện nay cũng như việc triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam. Việc đánh giá những phương án tổ chức triển khai, cách làm hiệu quả cần nhân rộng; đề xuất, kiến nghị những giải pháp cụ thể, có tính khả thi nhằm phát triển phong trào đọc sách, nâng cao và phát triển văn hóa đọc cũng được quan tâm tại hội thảo.

Trong đời sống tinh thần, sách luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Vì vậy, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng đồng nghĩa với việc thực hiện mục tiêu xây dựng nền tảng tri thức trong mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

Đánh giá cao tầm quan trọng của sách và việc đọc sách, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây chính là cột mốc quan trọng để khuyến khích và phát động phong trào đọc sách, viết sách, quảng bá và lưu giữ sách trên phạm vi toàn quốc. Qua 5 năm tổ chức, Ngày Sách Việt Nam đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn, thu hút được nhiều bạn đọc đến với sách, đặc biệt là tham gia, hưởng ứng tích cực các chuỗi hoạt động liên quan đến sách.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn An Tiêm (Hội Xuất bản Việt Nam) nhấn mạnh: Đảng ta đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết nhằm xây dựng các thiết chế văn hóa như hệ thống các nhà xuất bản, các cơ sở phát hành sách và các thư viện để tạo ra một chu trình hoàn chỉnh có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của văn hóa đọc ở nước ta. Tuy vậy, thời gian gần đây, những quan ngại, lo lắng trước sự xuống cấp của văn hóa đọc ngày càng thu hút sự quan tâm của cả xã hội.

Anh Nguyễn Quang Thạch (chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam) chia sẻ, với nỗ lực của cả người dân và Nhà nước bước đầu đã tạo ra những sự thay đổi tích cực trong văn hoá đọc ở cộng đồng. Tuy nhiên kết quả vẫn mới chỉ là “vài hàng gạch cho một ngôi nhà 5 tầng cần xây dựng”. Ngôi nhà đó là tất cả trẻ em được đọc sách tại lớp học và ở nhà; tất cả học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và sinh viên có cơ hội đọc 50-100 đầu sách/em/năm học; là tất cả thầy cô giáo, giảng viên, cha mẹ học sinh thấu hiểu tầm quan trọng của sách đối với con trẻ và luôn tìm mọi cách khuyến khích các em đọc sách, học qua làm dựa theo sách. Ngôi nhà đó cũng là sự thấu hiểu của các cơ quan hoạch định chính sách về khuyến đọc để nâng cao dân trí vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo; là sự tự trọng của chính quyền trong việc thúc đẩy phong trào đọc để huy động sự tự lực của người dân địa phương cùng tạo ra hệ sinh thái khuyến đọc tại mọi ngôi nhà, trường học nông thôn và đô thị.

Bà Trần Phương Lan (Thư viện Quốc gia Việt Nam) khẳng định: Văn hóa đọc của mỗi quốc gia được tạo bởi thói quen đọc sách của số đông nhân dân vì số đông những người dân hiểu rằng sách là chìa khoá của tri thức. Bằng sự nỗ lực của toàn ngành, Thư viện Việt Nam đang ngày càng góp phần tích cực vào công cuộc duy trì, phát huy thói quen đọc sách trong toàn dân, đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hoá đọc và xây dựng lối sống lành mạnh trong xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang chiếm lĩnh mọi lĩnh vực của đời sống, bà Lan đưa ra một số đề xuất, trong đó Thư viện Quốc gia Việt Nam cần được đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo là đầu mối tích hợp dữ liệu số, xây dựng Bộ sưu tập số quốc gia, đồng thời là trung tâm bảo quản tài liệu số quốc gia. Cơ quan hữu quan cần có cơ chế, chính sách để Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng trung tâm dữ liệu, điều phối chia sẻ khai thác tài nguyên thông tin một cách tập trung. Cùng với đó, Thư viện Quốc gia cần tự đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai, chuẩn hóa, ứng dụng nghiệp vụ thư viện và ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động thư viện toàn quốc...

Mỹ Bình/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm