Chữ và nghĩa: Quốc ca và quốc thiều

08/12/2021 06:57 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói đến những biểu tượng cơ bản của mỗi quốc gia, chúng ta không thể không nói đến “quốc hiệu, quốc kỳ, quốc huy và quốc ca”.

Từ nay đến hết AFF Cup 2020, Quốc ca Việt Nam sẽ không bị 'tắt tiếng' trên mọi nền tảng phát sóng

Từ nay đến hết AFF Cup 2020, Quốc ca Việt Nam sẽ không bị 'tắt tiếng' trên mọi nền tảng phát sóng

Tối ngày 6/12, trên sân vận động Bishan (Singapore) diễn ra trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào ở bảng B, AFF Cup 2020.

Hiến pháp nước ta đã nói rõ: 1) Quốc hiệu (tên gọi chính thức của một quốc gia) của nước Việt Nam hiện nay là “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”; 2) Quốc kỳ (cờ tượng trưng cho một quốc gia) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng 2/3 chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; 3) Quốc huy (huy hiệu tượng trưng cho một quốc gia) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; 4) Quốc ca (bài hát chính thức của một quốc gia) của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là bài Tiến quân ca (tác giả: Văn Cao).

Trong bài này, tôi muốn bàn thêm về 2 từ “quốc ca” và “quốc thiều”, là 2 từ thuộc lĩnh vực âm nhạc, vốn được sử dụng trong những nghi thức trang trọng, liên quan tới mọi sự kiện trong phạm vi quốc gia (hoặc liên quan tới quốc gia ở nước ngoài).

Chú thích ảnh
Nhạc Quốc ca trong nghi lễ chào cờ trước trận tuyển Việt Nam - Lào bị tắt trên nền tảng Youtube

Cả 2 từ này (quốc ca, quốc thiều) đều là từ Hán Việt 2 thành tố.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), Trung tâm Từ điển học - NXB Đà Nẵng, 2020) định nghĩa:

Quốc ca國歌d. bài hát chính thức của một quốc gia, dùng khi có lễ nghi trọng thể. (VD: Hát quốc ca trong lễ chào cờ; bài quốc ca hùng tráng, lớp ta tập hát quốc ca, v.v…).

Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3) (NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2003, tr. 608) cũng nói rõ:

Quốc ca: Chính ca của một nước, biểu tượng bên cạnh quốc kỳ và quốc huy. Quốc ca thường có nhịp điệu hành khúc và sản sinh trong thời điểm đáng ghi nhớ nhất trong lịch sử của một nước.

Liên quan tới quốc ca, có từ quốc thiều (quốc: nước, thiều: một loại nhạc). Bởi khi cử hành các nghi thức, người ta có thể thay việc hát quốc ca bằng cử quốc thiều.

Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) định nghĩa:

Quốc thiều國韶 d. nhạc của bài quốc ca. (VD: Cử quốc thiều khi đón nguyên thủ các nước đến thăm).

Liên quan tới từ này, Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3) (đã dẫn, tr. 613) thì viết:

Quốc thiều: Nhạc của bài quốc ca (bài ca chính thức) của một nước. Thường được sử dụng để mở đầu các buổi nghi lễ của các cơ quan nhà nước; lễ kéo cờ ở các công sở, trường học; lễ đón nhận các nguyên thủ quốc gia nước khác đến thăm chính thức nước sở tại. Quốc thiều của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945-1976) và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1976 đến nay) là nhạc của bài Quốc ca - bài Tiến quân ca, do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm