Chiêm ngưỡng tình yêu Hà Nội của thi sĩ U100 Phan Vũ

22/07/2018 10:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Với tên gọi Em ơi, Hà Nội phố, triển lãm tranh của Phan Vũ vừa khai mạc tại phòng tranh Bình Minh (145/38C Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TP.HCM). Dù đang ở độ tuổi U100, những sức vẽ của Phan Vũ vẫn rất dồi dào, đúng nghĩa “vẽ chất đống”, nên việc chọn ra 25 bức tranh cho một triển lãm quá đơn giản.

Triển lãm giới thiệu nhiều chủ đề, trong đó có loạt 15 bức cùng tên là Em ơi, Hà Nội phố. Phan Vũ cho biết đây là lần đầu tiên ông công bố loạt tranh này.

Chú thích ảnh
Phan Vũ xúc động và rơi nước mắt trong buổi khia mạc

Ông gần như vẽ lại các ý thơ trong bài thơ Em ơi, Hà Nội phố nổi tiếng của mình. Nhiều bức ông còn đề thơ trực tiếp lên mặt tranh, đúng nghĩa đen “họa trung hữu thi”.

Chú thích ảnh
Bức "Em ơi, Hà Nội phố 1" (sơn dầu, 80cm x 80cm)

“Nếu được thấy và biết ông ai, cũng sẽ phải công nhận trong ngạc nhiên rằng trẻ khỏe mãi như thế - cả về thân thể lẫn tâm hồn - thực là xưa nay rất hiếm. Phan Vũ hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực mà nhẹ nhàng như không, với ham mê là nguồn năng lượng duy nhất cần cho sáng tạo!"

Chú thích ảnh
Bức "Em ơi, Hà Nội phố 3" (sơn dầu, 80cm x 80cm)

"Có lẽ lý tưởng văn nhân cổ điển với mực thước toàn diện cầm kỳ thi họa và quan niệm thẩm mỹ “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” đã ám ảnh các nghệ thuật mà ông thực hành suốt mấy thập kỷ qua” - nhà phê bình Nguyễn Quân nhận xét.

Chú thích ảnh
Bức "Em ơi, Hà Nội phố 5" (sơn dầu, 80cm x 80cm)

Ông Quân nói thêm: “Riêng với hội họa cũng đã là trọn một “đoạn trường tân thanh”. Ông nói: “Tôi muốn kéo những bức tranh của tôi đến gần các bài thơ của tôi”. Và ông vẽ như thế thật.

Màu gần như nguyên không pha trộn, nét uốn lượn hay gẫy khúc, lặp lại và vặn xoắn, buông chùng hay giăng nối…, đều như chỉ “đi” một lần, một hơi. Không có bản nháp hay phác thảo”.

Chú thích ảnh
Bức "Em ơi, Hà Nội phố 6" (sơn dầu, 80cm x 80cm)

Phan Vũ sinh ra tại Hải Phòng năm 1926, nhưng thực chất ông người làng Phước Ninh, Đà Nẵng (nay thuộc quận Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Không phải ngẫu nhiên mà ở Đà Nẵng có đường Hải Phòng và ở Hải Phòng có đường Đà Nẵng. Cá tính bộc trực, thẳng thắn, ăn to nói lớn của hai thành phố cảng này có nhiều nét giống nhau, nên dễ kết nghĩa.

Chú thích ảnh
Bức "Em ơi, Hà Nội phố 7" (sơn dầu, 80cm x 80cm)

Sự bộc trực, cảm xúc này đi thẳng vào thơ và tranh của Phan Vũ. Ông kể rằng mình viết bài thơ Em ơi, Hà Nội phố dài 443 câu, chia làm 24 đoạn, là để “cãi lộn” với bom từ B52 của Mỹ năm 1972. Ông nói dù Mỹ tuyên bố đưa Hà Nội về thời kỳ đồ đá thì “tao vẫn còn em”, nhưng khi vào thơ, sửa thành “ta còn em”. Ta là chúng ta, còn em là cả cảnh vật và con người Hà Nội.

Chú thích ảnh
Nhà báo Diễm Chi - vợ Phan Vũ - đọc thơ của chồng trong buổi khai mạc

Những bức tranh Em ơi, Hà Nội phố hôm nay cũng có chất tự sự và cảm xúc như vậy. “Loạt tranh này được Phan Vũ gọi là “nỗi buồn rực rỡ”. Mà rực rỡ thật. Có gì đó thật trẻ trung trong cách ông bày tỏ bằng màu sắc những ngẫm ngợi và cảm xúc của mình. Có những chuyện thế sự và triết lý về cuộc đời, về cả những năm tháng chất chồng lên đôi vai ông” - cây bút bình luận mỹ thuật Nguyễn Trọng Chức nhận định.

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Tự họa 2" (sơn dầu, 120cm x 120cm) của Phan Vũ

Ngoài làm thơ, vẽ tranh, Phan Vũ còn là nhà viết kịch, đạo diễn phim và đạo diễn sân khấu. Ở độ tuổi U100 mà còn vẽ tranh gần như hàng tuần, có lẽ Phan Vũ là họa sĩ hiếm hoi của Việt Nam và thế giới làm được như vậy.

Chú thích ảnh
Triển lãm khá thân tình, ấm áp

Ngoài Hà Nội, Phan Vũ còn làm thơ về Sài Gòn. Ông viết từ năm 1996 cho đến nay, tạm đặt tên là Bao giờ là mãi mãi..., một dạng thơ đậm chất tùy bút, đã viết dài gần 3.000 chữ. Đọc bản thảo bài thơ dài này, nhiều người khen hay, nhưng ông chưa muốn công bố, vì còn muốn ngẫm ngợi và viết thêm.

Như Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm