Ca khúc 'Rythm Of The Rain': Giai điệu đến cùng cơn mưa

19/05/2018 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Listen to the ryhm of the falling rain…”, nghe đến câu hát này, ta có thể tưởng tượng ra những gì? Cơn mưa tầm tã? Những nụ cười rạng rỡ lật tung chiếc ô dưới mưa? Đa phần đều biết đây là câu hát trong một đoạn quảng cáo quen thuộc, nhưng không nhiều người biết đến câu chuyện đằng sau ca khúc này, thậm chí còn không cả nhớ tên bài hát - Rythm Of The Rain.

Cách mà Rythm Of The Rain đi vào tâm trí người Việt có lẽ ban nhạc The Cascades sẽ không bao giờ tưởng tượng nổi. Liệu ai có thể ngờ rằng một đoạn quảng cáo lại có tác dụng đến vậy?

Song điều mà rõ ràng The Cascades ý thức được đó là bản hit này đã đưa tên tuổi họ lên đỉnh cao, đồng thời góp mặt trong danh sách những cái tên nổi bật nhất ở thời kì “tiền The Beatles”. Đáng tiếc, đây cũng là điểm sáng duy nhất trong sự nghiệp của họ.

Cảm hứng đến cùng cơn mưa

Rythm Of The Rain là sáng tác của John Gummoe - thành viên ban nhạc The Cascades. Câu chuyện của Rythm Of The Rain bắt đầu cùng với câu chuyện của chính The Cascades, tại một hạm đội thuộc Hải quân Hoa Kỳ.

Chú thích ảnh
Đĩa đơn “Rythm Of The Rain” của The Cascades nằm trong album cùng tên, ra mắt cuối năm 1962

Ở đó, có 3 chàng trai với xuất thân hoàn toàn khác biệt nhưng cùng yêu âm nhạc. Họ thường tụ thành nhóm, đàn hát những khúc ca nổi tiếng thời bấy giờ của The Everly Brothers, The Four Freshmen hay The Crew Cuts. Họ là Dave Wilson, John Gummoe và Len Green.

Một ngày khi đang lênh đênh cùng chuyến tàu trên đường đến Nhật Bản, chàng lính trẻ John Gummoe tha thẩn đứng trên cầu tàu với tập giấy ghi chép miên man vài ý tưởng. Hôm ấy trời mưa tầm tã, sóng biển chòng chành. John Gummoe bất giác cảm nhận nỗi cô đơn cùng một cảm hứng không tên từ khung cảnh ướt át.

“Tôi cảm nhận sự rung cảm của nó, cách mà nó chảy trong tôi và bật ra cụm từ “rythm of the rain” (Giai điệu của cơn mưa)” - John Gummoe kể trong một bài phỏng vấn vào năm 2008 - “Đến tối hôm đó tôi hoàn thành gần như toàn bộ lời bài hát với cảm giác như cơn mưa đang nói chuyện cùng mình”.

Chú thích ảnh
Ban nhạc The Cascades

Rythm Of The Rain là lời tự sự của chàng trai bất lực không giữ nổi người con gái mình yêu, để rồi cô “đánh cắp trái tim” anh và ra đi mãi mãi. Anh chỉ biết “cầu xin” cơn mưa hãy mang giai điệu tiếng lòng anh đến nói cho cô gái biết, nhờ vậy tình yêu của họ có thể kết trái. Nhưng đồng thời, anh cũng xin mưa hãy ngừng rơi để được khóc một mình.

Điều kiện trong quân ngũ không cho phép John Gummoe hoàn thành xong toàn bộ ca khúc. Về sau, rời khỏi hải quân, John cùng hai người bạn Dave Wilson và Len Green thành lập nhóm nhạc chơi trong một số hộp đêm nhỏ ở địa phương, chủ yếu hát các sáng tác đình đám bấy giờ. Không ngạc nhiên khi phong cách của họ bị ảnh hưởng lớn bởi The Everly Brothers hay The Four Freshmen.

Thời điểm này cũng là giai đoạn pop ballad lên ngôi tại Mỹ, đặc biệt là vùng Trung Mỹ (vài năm đầu thập niên 1960). Hay người ta vẫn gọi nó với cái tên là thời kỳ “hậu Elvis Presley, tiền The Beatles”. Âm nhạc chủ yếu được phổ biến qua đài phát thanh với những ca khúc đầy cảm xúc mang giai điệu “dễ thương” và lời ca sạch sẽ, lịch sự.

Sau biến động nhân sự khi Len Green chọn rời nhóm để trở lại học và thêm 2 thành viên khác gia nhập, vận may đến với The Cascades khi họ được giới thiệu với quản lý Andy di Martino, người tiếp tục giới thiệu nhóm kí hợp đồng với hãng thu âm Valiant Records (công ty thuộc kiểm soát của Warner Brothers). Cái tên The Cascades cũng do Valiant Records đặt.

Chú thích ảnh

Bản hit lớn nhất và… duy nhất

Sau đĩa đơn đầu tiên There’s A Reason/Second Chance ra mắt mùa Hè năm 1962 và đạt được thành công cục bộ, đến tháng 11 năm đó The Cascades trở lại phòng thu Gold Star Studios tại Los Angeles bắt tay vào sản phẩm mới.

Rythm Of The Rain là cái tên được chọn. Valiant Records nhận thấy tiềm năng của The Cascades nên đã thuê hẳn một nhóm nhạc công “xịn” từng đứng sau tất cả sản phẩm của The Beach Boys để hỗ trợ.

Thời gian đi hát nhóm, John Gummoe đã kịp phác thảo giai điệu dựa trên phần lời đã viết cho Rythm Of The Rain. Sau đấy nhà phối khí Perry Botkin Jr. gia cố thêm bằng đoạn chuyển còn nhà sản xuất Barry De Vorzon nghĩ ra ý tưởng chèn thêm âm thanh sấm sét mưa rơi ở đoạn mở đầu cho sinh động.

Và đến tháng 3 năm sau Rythm Of The Rain đã “chễm chệ” leo lên vị trí thứ 2 tại BXH Billborad và liên tục được phát trên các kênh phát thanh khắp nước Mỹ. Đây cũng là đĩa đơn bán chạy thứ 3 tại Mỹ trong năm 1963. Theo thống kê của tập đoàn phát thanh BMI, Rythm Of The Rain đứng thứ 9 trong số những ca khúc được phát nhiều nhất trên sóng radio và truyền hình tại Mỹ trong thế kỉ 20.

Thành công của Rythm Of The Rain tại Mỹ là thành công của một ca khúc pop ballad “gặp thời”, như đã nói ở trên, tương thích hoàn toàn với thị hiếu của công chúng cũng như “khẩu vị” của đài phát thanh. Bài hát chuyên chở chủ đề “thất tình” nhưng giai điệu lại tươi sáng trong trẻo khiến nó càng dễ “được lòng” công chúng.

Chỉ đến được thứ hạng á quân tại Mỹ, nhưng Rythm Of The Rain đã có cuộc “vượt biên” ngoạn mục để đứng đầu BXH ở hơn 50 nước khác trên thế giới. Thậm chí trong số đó có cả đất nước ở Đông Nam Á xa xôi là Philippines.

Hàng trăm nghệ sĩ đã cover lại ca khúc này, bao gồm Lawrence Welk, Bobby Darin, Dan Fogelberg, Jan & Dean, Neil Sedaka và Jerry Jeff Walker.

Ăn theo sức nóng của Rythm Of The Rain, The Cascades tung ra thêm đĩa đơn Shy Girl/The Last Leaf nhưng không đạt được thành công như kỳ vọng.

2 năm sau, do mâu thuẫn với Valiant Records về vấn đề tự do trong sản xuất nhạc, The Cascades rời hãng và hợp tác tiếp với RCA Records. Dù “người đến sau” là hãng thu âm “khổng lồ” hơn rất nhiều, nhưng The Cascades không thể đạt đến thành công như đã từng có với Rythm Of The Rain cùng Valiant Records.

Rythm Of The Rain, theo đó, là bản hit lớn nhất và cũng có thể nói, là duy nhất của The Cascades.

The Cascades - ban nhạc “một hit”

The Cascades là ban nhạc từ nước Mỹ, được sáng lập bởi 3 thành viên Dave Wilson, John Gummoe và Len Green. 3 người gặp nhau và nảy sinh đam mê âm nhạc khi cùng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ.

Rời khỏi quân đội, ba người bạn lập nên ban nhạc lấy tên là Thundernotes. Len Green chơi guitar, John Gummoe hát chính đồng thời đảm nhận vị trí keyboard, bass và Dave Wilson chơi trống.

Về sau, Dave Stevens và Dave Szabo nhập hội. Cùng lúc này Eddy Snyder được mời về thay thế cho Len Green trở lại trường.

Qua lời giới thiệu của một người bạn, The Cascades hợp tác với quản lý Andy di Martino và nhờ đó được kí hợp đồng với California’s Valiant Records. Họ gây ấn tượng bởi khả năng thanh nhạc kết hợp với sáng tác ổn.

Rythm Of The Rain là bản hit lớn nhất của The Cascades. Không ca khúc nào khác của họ vượt qua được “cái bóng” của Rythm Of The Rain. Từ năm 1964 cho đến khi John Gummoe rời nhóm năm 1967, The Cascades thường xuyên đi diễn tại các CLB địa phương cũng như tổ chức một vài tour diễn quốc tế.

Nhưng từ sau thời điểm đó, cùng với làn sóng xâm lấn mạnh mẽ kiểu các ban nhạc từ Anh quốc như The Beatles hay The Rolling Stones với sự lên ngôi của rock’n’roll, tên tuổi The Cascades mờ nhạt dần.

Hiện tại các thành viên trong nhóm vẫn duy trì hoạt động nghệ thuật và thi thoảng tái hợp trong một số buổi biểu diễn.

Ca khúc 'When You Say Nothing at All': Lời đẹp nhất là khi không nói gì

Ca khúc 'When You Say Nothing at All': Lời đẹp nhất là khi không nói gì

Lối sống phóng túng, chúa ghét sự bóng bẩy chỉn chu, Keith Whitley đã hát "When You Say Nothing at All" theo cái cách đơn giản và tự nhiên đến mức có vẻ thờ ơ. Nhưng những điều tưởng như giản đơn lại thường sống mãi.

Hà My

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm