Những nghệ sĩ từng lao đao vì 'đạo nhạc'

08/08/2016 11:46 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Đạo” là từ tối kị đối với mọi nghệ sĩ bởi nó liên quan tới danh dự và uy tín cá nhân. Thế nhưng, buồn thay, lịch sử đã chứng kiến không biết bao nhiêu trường hợp vi phạm bản quyền âm nhạc, trong đó có nhiều tên tuổi đứng vào hàng tượng đài.

Đạo nhạc được hiểu là hành vi sử dụng hoặc bắt chước nhạc của tác giả khác và nhận đó là sáng tác của mình, thường chia thành hai dạng: đạo ý tưởng (như giai điệu, motif) hay lấy mẫu (cắt nhạc từ bản ghi âm của người khác và chèn vào nhạc của mình).

Thành viên The Beatles đạo nhạc“theo tiềm thức”

Trong khi sở trường của John Lennon là những ca khúc mang màu sắc chính chị, Paul McCartney say sưa với những bản ballad về tình yêu thì thành viên “thầm lặng” của The Beatles là George Harrison đắm mình trong những bài ca thiêng liêng. Trong số đó, có thể kể tới hit My Sweet Lord năm 1971.


Thật đáng tiếc vì My Sweet Lord lại lấy ý tưởng từ một ca khúc của người trần mắt thịt

Harrison khẳng định giai điệu của ca khúc lấy cảm hứng từ sự tái sinh thiêng liêng ông có được khi ở Ấn Độ.

Rất tiếc, nhà sản xuất âm nhạc Bright Tunes lại nghĩ cảm hứng đến từ những điều không cao quý dường ấy. Năm 1971, Bright Tunes kiện Harrison đã “mượn” giai điệu ca khúc trên từ He’s So Fine do Ronnie Mack (người đã qua đời vào thời điểm đó) sáng tác.

Vụ kiện gây chấn động lớn vào thời điểm đó vì dấy lên bao nghi vấn về tính nguyên bản của các khúc do bộ tứ huyền thoại sáng tác. Thành viên The Beatles đạo nhạc! Thật là đòn giáng mạnh lên tâm lý người hâm mộ thế giới.

Đôi bên kéo lê nhau qua các tòa án trong ròng rã 5 năm năm. Cuối cùng, vào năm 1976, tòa ra phán quyết cuối cùng: Harrison đã đạo ca khúc “theo tiềm thức”.

Người đạo nhạc lên tiếng đòi bản quyền

Những năm 1990, cả thế giới, trong đó có Việt Nam, “túy lúy” trong giai điệu não nề của Creep do Radiohead thể hiện.

Kể từ sau đĩa đơn ra mắt rất thành công này, Radiohead được chào đón nồng nhiệt ở mọi thị trường âm nhạc với tư cách là ban nhạc giàu sáng tạo với nhiều thử nghiệm đột phá qua từng album.


Dù không u ám như Creep nhưng The Air That I Breathe đích thị là nguyên tác

Thế nhưng hai nhạc sĩ Albert Hammond và Mike Hazlewood lại không cho rằng Radiohead sáng tạo đến thế. Họ đã kiện Thom Yorke và Jonny Greenwood ra tòa vì Creep có giai điệu rất giống ca khúc The Air That I Breathe- một hit của The Hollies năm 1974, dù nó không có chủ đề u ám như Creep.

Tòa xử Hammond và Hazlewood thắng kiện và đưa tên họ vào danh mục đồng tác giả.

Thế nhưng, Creep vẫn chưa hết “hãi hùng”. Ca khúc này được Prince hát lại năm 2008 tại Coachella. Màn biểu diễn này sau đó được Prince khóa lại trên Youtube (như phần lớn các tác phẩm của ông).

Đột nhiên, Yorke nhận thấy quyền hành to lớn của mình. Anh yêu cầu Prince “mở khóa” bởi đây là “ca khúc của Radiohead”. Quả nhiên, phần trình diễn này sau đó đã được xem thoải mái trên Youtube với nhãn “tải lên dưới sự cho phép của Radiohead”.

7,3 triệu USD là cái giá quá rẻ cho danh dự của Pharrell Williams

Pharrell Williams đã phản ứng gay gắt khi bị tòa tuyên rằng anh và Robin Thicke đã vay mượn bài Got To Give It Up để tạo nên siêu phẩm Blurred Lines - ca khúc đứng số 1 ở 25 quốc gia. Theo Williams, anh chỉ “mượn” chút hơi hướng của âm nhạc những năm 1970.

Để thuyết phục và đảm bảo tính nghiêm minh, tòa đã mời một ban bồi thẩm đoàngồm 8 người rất am tường trong lĩnh vực âm nhạc. Bồi thẩm đoàn này đã dành 8 ngày nghe đi nghe lạiGot To Give It Up và Blurred Lines, phân tích từng ô nhịp, chuỗi hòa âm….


Hit toàn thế giới hóa ra lại là nhạc đạo

Đến khi nghe phần bass của hai ca khúc, chính Williams cũng phải thừa nhận sự tương đồng “khó hiểu” giữa sáng tác năm 2013 của anh với bản nhạc viết năm 1977 của Marvin Gaye.

Không dừng lại ở những kết quả có phần “cơ học”, tòa còn tuyên Williams và Thicke “đạo” cả phần không khí riêng biệt của Marvin Gaye.

7,3 triệu USD là tiền phạt đối với án đạo nhạc này. Đây cũng chính là số đĩa nhạc Blurred Lines bán ra vào thời điểm đó. Một con số không lớn, chưa bằng một nửa doanh thu 16 triệu USD nhưng là lời cảnh báo rằng trong mỗi bản thu của Blurred Lines đều có một ít Got To Give It Up.

 Đó cũng là con số quá nhỏ với danh dự của một tượng đài như Pharrell Williams.

“Người nhà” Điệp viên 007 cũng bị kiện

Vụ kiện tụng xôn xao nhất về bản quyền âm nhạc gần dây là vụ giữa hai tên tuổi lớn: Tom Petty và Sam Smith.

Ngoài thành công vượt bậc với ca khúc Writing’s On The Wall, nhạc phim Spectre, Sam Smith còn rất được người hâm mộ “sủng ái” với ca khúc Stay With Me, một bài ca đau lòng về tình yêu.


Tom Petty không để bụng chuyện Sam Smith đạo nhạc của mình

Thế nhưng vào năm 1989, ba năm trước khi Smith ra đời, huyền thoại nhạc rock Tom Petty từng ghi dấu với một ca khúc có giai điệu tương tự như vậy.

Pette và người đồng sáng tác Jeff Lynne đã kiện Smith vì vi phạm bản quyền tác giả với ca khúc hit của họ: Won’t Back Down.

Trong buổi phỏng vấn với CBC năm 2015, Smith nói anh chưa từng nghe bài hát kia và nếu có xảy ra đạo nhạc, thì cũng là vô tình.

Tranh chấp được giải quyết lặng lẽ tại tòa. Petty và Lynne được thêm vào danh sách đồng sáng tác của Stay With Me và nhận được 12,5% tiền bản quyền ca khúc. Trên Facebook, Petty cho biết ông “không có ác cảm” với chàng nghệ sĩ trẻ này. Tuy nhiên, đây sẽ là vết nhơ không hay ho gì trong sự nghiệp đang rất thăng hoa của Sam Smith.

Thư Vĩ (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm