Nhìn lại những phong tục tết đã và đang mất: Mua muối, gánh nước, xúc xắc xúc xẻ

04/02/2019 00:15 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn)- Có khá nhiều tập tục truyền thống trong ngày Tết nguyên đán đã không còn được lưu giữ trong cuộc sống hiện đại hoặc đang mất dần đi.

Chọn tuổi xông nhà mùng 1 Tết tốt nhất năm Kỷ Hợi 2019

Chọn tuổi xông nhà mùng 1 Tết tốt nhất năm Kỷ Hợi 2019

Chọn tuổi xông đất phải lấy Vận Khí của năm làm căn bản. Vận khí năm Kỷ Hợi 2019 là Bình Địa Mộc, tượng của cây cỏ, có màu Xanh lá cây thì người xông đất phải có mạng là Thủy màu xanh biển hoặc Hỏa màu đỏ, Mộc Màu Xanh lá cây.

Đa phần, những tập tục này đều gắn với nếp sống và mô hình tổ chức xã hội trong quá khứ. Bởi vậy, chúng rất khó được bảo tồn, khi nhu cầu và tâm lý của con người thay đổi trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, đây đều là những phong tục nhân văn, hoặc gắn với văn hóa Việt Nam trong rất nhiều năm.

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

Vào sáng mùng một Tết, người Việt thường có thói quen mua một túi muối, hoặc một bát muối đầy có ngọn mang về nhà để lấy may cho cả năm. Từ nhu cầu ấy, rất nhiều gánh hàng bán muối rong thường đi bán và rao hàng trong thời điểm này. Ngoài ra, ở rất nhiều điểm đền, chùa, đình cũng thường có những gánh hàng bán muối trong ngày Tết

Theo GS Ngô Đức Thịnh,người Việt quan niệm muối là thứ cực kỳ giá trị, được kết tinh từ vị mặn của biển. Vì vậy, việc có được vị mặn của muối vào ngày đầu năm sẽ khiến cho mọi việc đều đậm đà, tốt đẹp hanh thông vào trong chuỗi ngày tiếp theo. Và, trước khi mua muối đầu năm,nhiều người cũng thường mua vôi bột trong những ngày cuối năm để rắc ở góc vườn hoặc quét lên cánh cổng nhằm trừ tà sát quỷ.

Chú thích ảnh
Túi muối bây giờ được làm rất đẹp nhưng không thể phổ biến như xưa

  Tuy nhiên, hiện tại, ít gia đình còn giữ được tập tục này. Cá biệt, tại một số khu phố cũ, một số gánh hàng muối rong ngày Tết vẫn còn hoạt động để hướng tới khách du lịch, với việc bán những gói muối được bọc bằng túi vải rất đẹp.

“Xúc xắc xúc xẻ” đêm giao thừa

Theo các tư liệu cũ, vào đêm ba mươi Tết, trẻ em thường họp nhau thành từng tốp khoảng 10. 15 em để đi “xúc xắc xúc xẻ” ngày Tết. Mỗi đám trẻ có một chiếc ống tre đựng tiền. Các em tới từng gia đình,lễ phép gõ cửa, vừa lắc ống tre ( trong đó có bỏ sẵn vài đồng xu để tạo tiếng kêu) vừa hát bài đồng dao Xúc xắc xúc xẻ để chúc Tết với những câu Xúc xắc xúc xẻ/Nhà nào còn lửa/Mở cửa tôi vào...Ông sống một trăm/ Linh năm tuổi lẻ/Vợ ông sinh đẻ/Những con tốt lành/Những con như tranh/Những con như đối...

Tại khu vực miền Trung trở vào, tục hát Xúc xắc xúc xẻ còn biến đổi thành tục hát sắc bùa, với việc có thêm những nghi thức, lời hát tại từng khu vực. Thông thường, các gia đình được các em chúc Tết đều mừng tuổi sớm cho các em vài xu để lấy may.

Chú thích ảnh
Tục "Xúc xắc xúc xẻ" được tái hiện qua một MV của ca sĩ Chí Thiện

  Theo nhiều người, tục Xúc xắc xúc xẻ này cho đến thập niên 1970 vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, giống như tục mừng tuổi, tập tục này có phần nhạy cảm ở việc cho tiền các em, nên dần biến mất.

Gánh nước lấy may ngày Tết

Tục gánh nước cầu may gắn với việc lấy nước, đổ đầy các thạp, các lu đựng nước, chậu to, chậu nhỏ, chum vại…Điều này bắt nguồn từ nhu cầu thực tế cần trữ nước đủ dùng trong ngày Tết – và xa hơn, gắn với quan niệm Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống trong nền nông nghiệp cũ. Do vậy, việc đổ đầy nước vào ngày Tết được cho rằng sẽ mang lại sự may mắn, đủ đầy trong năm.

Đáng nói, tục này không được thực hiện bởi các thành viên trong gia đình. Những người gánh nước thuê ngày mùng một Tết sẽ chủ động gánh nước cho các gia đình để nhận được tiền thưởng Tết. Cũng giống như tục xông nhà, những người tốt vía, khiến gia chủ có cảm giác tin tưởng vào việc làm ăn may mắn, sẽ được lựa chọn.

Chú thích ảnh
Gánh nước lấy may là một tập tục ngày Tết từng phổ biến ( ảnh minh họa)

Tập tục này mất dần khi nhu cầu lấy nước không còn là vấn đề quan trọng ở các địa phương. Hiện tại, chỉ còn một số vùng trung du phía Bắc giữ tập tục này.

Mùng một ăn Tết nhà cha, mùng hai nhà mẹ, mùng ba nhà Thầy.

Bản thân câu tục ngữ này đã nói đủ tinh thần của cách chúc Tết xưa. Trong đó, khái niệm “ăn Tết” được hiểu rộng là việc tới thăm hỏi, vấn an và chúc mừng những người được ưu tiên trong ngày Tết.

Theo tục xưa truyền lại, sáng ngày mùng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ về bên nội để chúc thọ cha mẹ, ông bà và thắp hương cúng bái tổ tiên để tỏ lòng thành kính.Đến mùng 2 Tết, vợ chồng con cái lại sang chúc Tết bên nhà ngoại.Sang ngày mùng 3, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo, để bày tỏ tình cảm và tinh thần tôn sư trọng đạo của mình.

Theo PGS Nguyễn Văn Huy, với nhịp sống hiện đại, hầu hết các gia đình không chúc Tết theo thứ tự trên nữa mà sắp xếp sao cho phù hợp với hoàn cảnh, địa điểm và thời gian.

Tục dựng nêu

Theo quan niệm cũ, gắn với truyện Sự tích cây nêu, người xưa, thườngdựng cây nêu trước nhà để xua đuổi quỷ dữ, tránh xa xui xẻo, rước điềm lành vào nhà. Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng chạp và hạ vào ngày 7 tháng Giêng. Cây nêu là cây tre cao khoảng 5 - 6m. Người ta sẽ treo vải, một cái khánh bằng đất nung, cá chép giấy và một cái vành có buộc lá. Tùy nơi còn có tục treo bùa trừ tà, nhánh cây xương rồng, bầu rượu kết bằng rơm… việc này có ý nghĩa trừ tà ma.

Chú thích ảnh
Tục dựng nêu ngày Tết

  Trong quá khứ, những nhà có điều kiện đều dựng nêu vào dịp Tết về. Tuy nhiên hiện tại, việc dựng nêu khá cầu kỳ nên rất ít gia đình thực hiện. Tuy nhiên, ở các không gian chung dành cho cộng đồng (chủ yếu là sân đình hoặc cổng làng), cây nêu vẫn còn xuất hiện

Sơn Tùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm