Nghệ sỹ nhớ tết quê, tết xưa

24/01/2009 15:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Mỗi dịp hoa đào, hoa mai nở… các nhà xe, bến tàu lúc nào cũng chật cứng người về quê. Trong số hàng triệu con người đang về quê đó, có các nhà thơ của chúng ta. Ngoại trừ nhà thơ Bùi Chí Vinh là dân Sài Gòn “hiệu” với nỗi nhớ “Tết quê Sài Gòn” không giống ai, các nhà thơ còn lại đều có nỗi nhớ của riêng mình. Hãy nghe tâm sự của họ khi mùa Xuân về…

Nhà thơ Lê Minh Quốc: Nhẩm tính từng ngày để về quê ăn Tết
 
“Đà Nẵng là nguồn nước trong veo/ Chảy qua từng mạch máu. Câu thơ này đã cho thấy Đà Nẵng luôn sống trong tôi từng khoảnh khắc của đời sống. Nơi ấy lưu lại trong ký ức tuổi thơ tôi vẫn là hương vị của ngày Tết.

Với tôi trong đời sống xuôi ngược này, những từ “về quê ăn Tết” luôn dạt dào một niềm yêu thương vô bờ bến. Tôi được ăn những món ăn mẹ nấu ngày xưa, được tung tăng đi chợ Tết với những hình ảnh khá đặc trưng của quê mình: “Mời bà con mua “gộ”/ Tiếng rao nghe rất ngon/ Nước mắm Nam Ô thơm/ Khiến tôi thèm điếc mũi”. “Gộ” là gạo - phát âm theo kiểu của người dân Quảng Nam. Rồi làm sao ta có thể quên: “Phong bì Tết đỏ hoe/ Bánh thuốc rê Cẩm Lệ/ Hoa vạn thọ tròn xoe/ Sao lại nhiều đến thế?”.

Nói nói cách khác, về quê ăn Tết chính là lúc tôi “nạp” lại năng lượng để tiếp tục sống, làm việc và sáng tạo. Lạ thật, sống tại Sài Gòn đã mấy chục năm trời, nhưng chưa năm nào tôi ăn Tết tại đây. Những ngày này khi nhìn thấy trên đường phố “Sài Gòn mùa xuân còn có lá vàng rơi” (Trịnh Công Sơn) thì trong lòng tôi lại nao nức nhẩm tính từng ngày để về quê ăn Tết.
 
Nhà thơ, thượng tá quân đội Đoàn Hoài Trung - Tết của người lính

“Quê nội Phú Yên, ngọai ở Huế nhưng cha mẹ cùng tập kết ra Bắc. Cứ mỗi độ mai vàng nở đầu ngõ, là lòng chúng tôi lại nhớ da diết đến quê nhà khi đang ở giữa chốn phồn hoa đô thị bậc nhất Việt Nam - Sài Gòn.

Ai đi xa mà không nhớ quê nhà, nhưng với những người lính như chúng tôi thì hiếm hoi mới có được ngày Tết ở quê, bởi cuộc sống của người lính dù thời nào cũng vậy luôn xa quê trong những ngày Tết. Có những chàng lính trẻ úp mặt vào gối trong đêm giao thừa để không ai nhìn thấy những giọt nước mắt nhớ quê. Có người lính biên giới đi tuần trong mưa phùn lạnh lẽo để truy đuổi dấu chân lũ lạ mà vẫn nhớ da diết mẹ già tựa cửa chờ con nơi quê nhà… Nhưng rồi, tình thương yêu đồng đội, đồng chí chan hòa trong nắng Xuân khiến nỗi nhớ quê vơi lắng đi. Trong tâm trạng ấy, tôi xin gửi tặng các chiến sĩ vài câu thơ Lính với Tết: “Xuân đang về bên cửa/ Từng giọt sương Giao thừa/ Rơi trên vai lính trẻ/ Như giọt nước mắt mẹ / Nhớ con trai không về”.
 
Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Nhớ mùi hương cống rãnh

“Khái niệm “ăn Tết Sài Gòn mà lại nhớ Sài Gòn” có lẽ khiến nhiều người bật cười. Đa số bá tánh thập phương mỗi lần cuối năm đều giương mắt ngóng về phương xa chứ có ai lại đi ngóng ngay vùng đất mình đang trú ngụ bao giờ? Ấy thế mà tôi lại tha thiết nhớ Sài Gòn. Nỗi tha thiết tất yếu của một kẻ biết chỗ nào là chỗ mình chôn nhau cắt rún. Bởi một lẽ đơn giản, tôi là kẻ chào đời tại đây, lớn lên đi phiêu bạt khắp nơi, để rồi cuối cùng “cuống rún chưa lìa” mùi hương cống rãnh. Viết đến đây các bạn cũng đừng ngạc nhiên và kinh dị khi chứng kiến đêm Giao thừa năm nay có một gã tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh” lang thang trên đường, thỉnh thoảng chúi đầu, cúi mặt xuống các miệng cống hít lấy hít để. Xin thưa, gã đàn ông quái đản đó chính là tôi đang xục xạo mùi hương thời quá khứ. Mùi hương thum thủm tuyệt vời từ thời muông thú thủy sản côn trùng còn sinh sôi nảy nở quanh dòng kênh nước đen cho đến lúc tất cả hầu như bị diệt chủng khi… một rừng lô cốt đô thị mọc lên”.
 

Hoàng Nhân (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm