Khép lại Hội sách Hà Nội 2014: Đông vui, nhưng... không vội được đâu!

03/10/2014 08:04 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - “Yêu sách thì phải đi hội sách Sài Gòn” - lâu nay những người mê đọc sách ở miền Bắc vẫn nói với nhau như thế. Vậy nên hội sách lớn nhất từ trước đến nay ở Hà Nội từ 26/9 đến 2/10 là một điều “cầu được ước thấy”.

Hội sách Hà Nội do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức nhân ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, diễn ra tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.

Đông vui, nhưng Hà Nội vẫn không vội được đâu

Nhiều năm nay, danh tiếng của Hội sách TP.HCM (FAHASA tổ chức) 2 năm một lần đã lan tỏa ra Bắc. Và nay, Hội sách Hà Nội đã diễn ra với 45 đơn vị xuất bản tham gia với 112 gian hàng trong không gian rộng lớn của Hoàng thành.

Là lần đầu, nên Hội sách ở Hoàng thành “còn nhiều vấn đề”. Ban tổ chức thừa nhận điều này trong báo cáo tổng kết, gồm “chưa truyền thông, quảng bá rõ nét; chỗ để xe quá tải trong 2 ngày cuối tuần 27 và 28/9 vì không lường trước công chúng quá đông; để xảy ra tình trạng mất cắp”. Nhiều người, trong đó có TS Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty sách Thái Hà, nhắc lại câu “Hà Nội không vội được đâu”.


Một phần quang cảnh Hội sách Hà Nội

Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý (biên tập viên NXB Trẻ, từng tham gia cả hai hội sách), Hội sách TP.HCM có hợp đồng giữa các ban ngành và đơn vị nên công tác tổ chức rất ổn.

“Từ chỗ để xe, cổng vào đến tổ chức và truyền thông, họ đều chuẩn bị kỹ càng” - Trương Quý cho biết. “Ở TP.HCM, khi đến với hội sách, độc giả chỉ việc thảnh thơi mua sách”.

Bất ngờ vì Hà Nội chuộng sách lịch sử, giáo dục

Có báo phản ánh sách ngôn tình Trung Quốc bán chạy tại Hội sách Hà Nội, nhưng đây là nhận định không chính xác. Theo thống kê mà Ban tổ chức công bố trong lễ bế mạc sáng 2/10, các đơn vị bán sách chạy nhất là Nhã Nam, FAHASA, NXB Kim Đồng, Đông Tây, Thái Hà, Alpha, đều  rõ ràng không phải là những đơn vị chuyên sách ngôn tình.

Với Nhã Nam (đông khách nhất hội sách, bán trung bình 15.000 cuốn một ngày), những đầu sách bán chạy nhất là cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 của GS Lê Thành Khôi và các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam trong bộ Việt Nam danh tác. Đây là một bất ngờ lớn.

“Cuốn Lịch sử Việt Nam… mỗi ngày đều bán hết rất nhanh. Chúng tôi rất mừng khi độc giả vẫn quan tâm đến lịch sử và văn học dân tộc, song song với việc tìm đến những tác phẩm văn học nước ngoài như của Nhật Bản và Hàn Quốc” - ông Đặng Trần Quân, nhân viên truyền thông của Nhã Nam, nhận xét.

Với một công ty chuyên sách ngôn tình như Quảng Văn, cũng đáng ngạc nhiên, khi bán chạy nhất là dòng sách giáo dục dành cho bà mẹ, trẻ em. Theo ông Bùi Năm Châu, nhân viên truyền thông của Quảng Văn. Nguyễn Phương Túy, nhân viên truyền thông của Công ty sách Thái Hà, cho biết đầu sách bán chạy nhất của họ là sách giáo dục Dạy trẻ thông minh sớm.

“Tôi nghĩ có sự khác nhau giữa Hội sách TP.HCM và Hà Nội, ở TP.HCM tính thị trường và giải trí rất rõ, trong khi độc giả Hà Nội vẫn rất quan tâm đến các đầu sách tri thức, giáo dục” - nhân viên của một công ty chuyên sách văn học trẻ Việt Nam và ngôn tình cũng cho biết.

Còn Đặng Trần Quân nhận định: “Có thể nói, Hội sách Hà Nội trầm lắng còn ở TP.HCM sôi động, nhưng Hà Nội không cần giống Sài Gòn và ngược lại. Mỗi vùng miền có phong cách riêng, không thể bắt người Hà Nội mua sách ồ ạt như ở Sài Gòn hay đọc giống gu của người Sài Gòn. Điều cần thay đổi là cách tổ chức cần chuyên nghiệp và phục vụ độc giả tốt hơn”.

Một số đầu sách bán chạy theo tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa:

Ba cuốn sách được xem là bán chạy nhất theo tổng hợp ban đầu từ các nhà sách là: Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 - Lê Thành Khôi (Nhã Nam liên kết với NXB Thế giới), Đừng bao giờ đi ăn một mình - Keith Ferrazzi và Tahl Raz (NXB Trẻ), Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Trẻ, khổ nhỏ).

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm