Festival Huế & chuyện những thành phố gần như 'không có ngày thường'

07/05/2016 11:34 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Nhân Festival Huế lần thứ 9 – 2016 vừa diễn ra, hãy cùng nhìn lại sức sống mãnh liệt từ những thành phố Festival trên toàn thế giới.

Các Festival (lễ hội) thời xưa thường liên quan tới các dịp kỷ niệm hay lễ tạ. Ngày nay, Festival có thể là những hoạt động giải trí, thu hút đông đảo nhiều tầng lớp tham gia. Trên thế giới hiện có rất nhiều nơi nổi tiếng là thành phố Festival, với nhiều hoạt động văn hóa – giải trí diễn ra liên tục quanh năm, dường như ngày nào, tuần nào cũng có lễ hội, không có… “ngày thường”.

Dưới đây là một số thành phố Festival nổi tiếng trên thế giới:

Montreal  - thành phố Festival lớn nhất thế giới của Cannada

Montreal là thành phố cổ đẹp bậc nhất Canada với phong cảnh thiên nhiên trữ tình quyện vào những mái nhà kiến trúc Tây Âu cổ kính với hơn 50% dân số nói được cả tiếng Anh và Pháp, là thành phố nói tiếng Pháp lớn thứ hai chỉ sau Paris. Ngoài ra, do nằm gần biên giới Mỹ, Montreal có trong mình nhiều nét văn hóa đặc sắc của xứ cờ hoa.

Sự đa dạng về văn hóa mang giúp Montreal trở thành thành phố Festival lớn nhất thế giới. Bất chấp thời tiết, điều kiện, nơi đây không thể sống quá một tuần mà thiếu các sự kiện đặc biệt.


Lễ hội ánh sáng ở Montreal

Trung bình mỗi năm Montreal tổ chức hơn 100 sự kiện lớn. Riêng trong năm 2016, thành phố có tới hơn… 120 lễ hội với nhiều loại hình văn hóa, đặc biệt có thể kể tới liên hoan nhạc Jazz lớn nhất thế giới, thu hút hơn 3.000 nghệ sĩ từ 30 quốc gia với hơn 650 buổi diễn; lễ hội ánh sáng là lễ hội mùa đông lớn nhất thế giới với cả thành phố rực sáng; liên hoan hài kịch Just for Laughs lớn nhất thế giới hay liên hoan phim danh tiếng Montreal, …

Tới với Montreal, du khách lúc nào cũng chìm trong hội hè miên man.

New Orleans: Lễ hội “Thứ ba Béo” của thành phố “độc đáo nhất” nước Mỹ

New Orleans là thành phố cảng quan trọng tại Mỹ. Được lập nên bởi người Pháp nên cũng như Montreal, New Orleans bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi văn hóa châu Âu. Thành phố này được mệnh danh là “độc đáo nhất” nước Mỹ với kiến trúc Pháp và Tây Ban Nha đặc trưng, đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ.

New Orleans cũng là thành phố của những lễ hội, trong đó, đặc trưng nhất là Carnival, hay thường được gọi là Mardi Gras (tiếng Pháp, có nghĩa là Thứ ba Béo).

Trong lễ hội Mardi Gras, trung bình mỗi ngày có một cuộc diễu hành lớn. Đây là khoảng thời gian để vui đùa, nghịch ngợm. Tất cả đàn ông, phụ nữ, người già, trẻ nhỏ, da trắng, da màu… đều được thỏa sức “phát minh” ra những kiểu trang phục quái dị nhất. Cả thành phố ồn ã trong tiếng xe cộ, cười nói, hú hét, hát hò, trống đánh…  

Sự phá hoại khủng khiếp của cơn bão Katrina cuối năm 2005 lên New Orleans đã khiến nhiều đặt câu hỏi về số phận Mardi Gras. Cuối cùng, bất chấp khó khăn, lễ hội vẫn được duy trì bởi đây là phần không thể thiếu của thành phố.

Ngoài ra, New Orleans còn nổi tiếng với hàng loạt các lễ hội khác như liên hoan nhạc Jazz, liên hoan âm nhạc Essence cùng nhiều sự kiện lớn nhỏ rải rác khắp cả năm.

Rio de Janeiro – Lễ hội đường phố với vũ điệu samba nóng bỏng

Nhắc tới Carnival, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay tới lễ hội rực rỡ, nóng bỏng tại Rio de Janeiro, Brazil. Quả vậy, Carnival ở đây nổi tiếng nhất thế giới và cũng là lễ hội đông nhất thế giới với 2 triệu người đổ ra đường mỗi ngày.

Được người Bồ Đào Nha thành lập năm 1565, hiện Rio de Janeiro (hay còn được gọi tắt là Rio) là thành phố đông dân thứ hai ở Brazil và thứ 6 ở châu Mỹ. Rio được bao bọc bởi biển cả mênh mông và những ngọn núi điệp trùng.


Lễ hội Carnival ở Rio

Carnival cũng xuất hiện từ rất sớm, năm 1723 và nay được công nhận là ngày lễ quốc gia ở Brazil. Trong Carnival, các con đường ở Rio như dải cầu vồng khổng lồ trên mặt đất với muôn vàn sắc màu hóa trang kì dị và những linh vật khổng lồ đủ làm choáng ngợp bất cứ người nào tới với lễ hội.

Ngoài sắc màu lộng lẫy, Carnival còn đặc sắc bởi những vũ điệu samba nóng bỏng đặc trưng của quốc gia Nam Mỹ này. Không khó để bắt gặp những cô gái Latin trong trang phục sặc sỡ đang múa hát những điệu sôi động trên khắp đường phố Rio vào mùa lễ hội. Những vũ điệu lại không thể thiếu âm nhạc, thế nên, Rio lại càng thêm náo nhiệt tưng bừng. Tất cả tạo nên bữa tiệc lớn nhất thế giới – nơi cổ súy cho tinh thần ăn chơi hết mình.

Tuy nhiên, cũng vì sự ồn ào này, nhiều cư dân ưa yên tĩnh ở Rio đã phải rời bỏ thành phố vào Carnival và chỉ quay về khi cuộc chơi kết thúc.

Munich (Đức): Túy lúy với Lễ hội bia, nhưng không bê tha

Những người yêu thích món bia trứ danh của Đức hẳn không thể bỏ lỡ lễ hội Oktoberfest tại Munich.

Oktoberfest lần đầu được tổ chức vào ngày 12/10/1810 để ngợi ca cuộc hôn nhân giữa hoàng tử Ludwig và công chúa Therese của Saxe-Hildburghausen. Vào lần đầu tổ chức này, các hoạt động thường là đua ngựa và không có tới một giọt bia. Mãi tới năm 1819, các trường đua ngựa mới được thay thế bằng nhà cung cấp bia.


Uống bia thả phanh trong lễ hội Oktoberfest ở Munich

Mặc dù mang cái tên rất tháng 10 nhưng Oktoberfest thường được tổ chức vào tháng 9. Trong hai tuần lễ hội, Oktoberfest thu hút hàng triệu người tới tham dự.

Nổi tiếng là lễ hội bia nhưng đây không hề là nơi say xỉn vô tổ chức. Bia chỉ bắt đầu được uống khi thị trưởng Munich khui thùng đầu tiên và tuyên bố bắt đầu. Có tới 13 lều cực lớn được dựng để uống bia từ 6 nhà cung cấp có trụ sở ở Munich. Ngược lại với suy nghĩ uống bia là bê tha, tại Oktoberfest, người ta nâng cốc vì một sức khỏe tốt hơn.

Tuy không bê tha nhưng chuyện say xỉn là điều không thể tránh. Do đó, ở Oktoberfest có hẳn văn phòng lưu trữ và tìm kiếm đồ đạc. Kỷ lục vào năm 2013, văn phòng giữ tới 1.056 quyển hộ chiếu, 520 ví, 320 điện thoại di động, 300 ba lô, 50 máy ảnh cùng nhiều đồ đặc biệt như nhẫn cưới, máy trợ thính, răng giả, mộ chí…

Ngoài Oktoberfest, Munich cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội như liên hoan phim, liên hoan âm nhạc, hội chợ….

Tokyo (Nhật Bản): Truyền thống uy nghi và ồn ào, kỳ quái

Là trung tâm văn hóa, chính trị lâu đời của Nhật Bản, Tokyo giữ trong mình nhiều nét truyền thống lâu đời của đất kinh kì. Đây cũng là thành phố festival nổi tiếng với rất nhiều lễ hội diễn ra quanh. Năm nay, Tokyo có ít nhất 27 lễ hội lớn nhỏ.  Trong đó, ba lễ hội lớn nhất là Kanda, Shinto và Fukagawa Matsuri - đều là những lễ hội lâu đời của Tokyo, tổ chức để kỷ niệm những sự kiện trọng đại của quốc gia.

Tại các lễ hội thường có diễu hành trong trang phục truyền thống trang trọng với màu sắc sặc sỡ cùng nhiều hoạt động văn hóa khác, đặc biệt là văn hóa ẩm thực.

Ngoài ra, Tokyo còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội hấp dẫn khác như lễ hội pháo hoa, lễ hội hoa anh đào, lễ hội Harajuku, hội chợ truyện tranh, liên hoan âm nhạc cổ điển, lễ hội âm nhạc La Folle Journee au Japon, lễ hội bóng tối, lễ hội hoa mai…

Với Tokyo, du khách có thể tìm thấy những điều xưa cũ nhất trong bầu không khí uy nghi trầm lắng lẫn những hoạt động hiện đại ồn ào, đôi phần kỳ quái ở xứ Mặt trời mọc.

Festival Huế 2016 qua những con số

- 9 chương trình nghệ thuật truyền thống

- 9 chương trình múa

- 13 đoàn nghệ thuật trong nước

- 13 chương trình lễ hội chính

- 14 chương trình biểu diễn nghệ thuật

- 19 triển lãm, trưng bày

- 23 đoàn của 17 quốc gia, như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

- 27 hoạt động âm nhạc

- 28 hoạt động hưởng ứng

- Gần 100 cơ quan thông tấn báo chí

- Gần 600 nhà báo, phóng viên trong và ngoài nước đăng ký tham dự để đưa tin.

Giả Bình (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm