06/05/2016 20:03 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Gần như trùng khít với kỳ nghỉ lễ, Festival Huế lần 9 - 2016 (diễn ra từ 29/4 đến 4/5) thực sự là chuỗi ngày say mê bất tận, khi cả thành phố Cố đô cùng hòa vào “nhịp điệu festival”. Huế trở thành một sân khấu lớn để phô bày tất cả những vẻ đẹp của mình – đó là vẻ đẹp của “710 năm Thuận Hóa-Phú Xuân-Thừa Thiên-Huế” – kết hợp với những tinh hoa nghệ thuật do 13 đoàn nghệ thuật trong nước và 23 đoàn nghệ thuật thế giới mang tới.
Cùng nhìn lại nhịp điệu Festival Huế 2016.
Đứng trên Tây Khuyết đài vắng lặng của Đại Nội Huế vào một chiều muộn tháng 5, bên những tán hoa đại đỏ, có thể thấy trải dưới chân là con hào dài lác đác những nụ sen, bao lấy thành quách cũ kĩ kiên gan cùng tuế nguyệt và xa xa, là những cây ngô đông vươn cao tím ngắt một vùng trời.
Người xưa có câu: “Một lá ngô đồng rụng. Cả thiên hạ biết mùa thu đã tới.”
Một đời huyễn mộng
Vào mùa này, ngô đồng trong sân Đại Nội mới bắt đầu trổ lá. Những cánh hoa dẫu đã nhạt bớt sắc tím hồi đầu xuân nhưng vẫn khiến kẻ đứng nhìn ngơ ngẩn cõi lòng.
Huyền sử rằng vua Minh Mạng mang ngô đồng về trồng tại góc điện Cần Chánh với mong ước được thấy chịm phượng hoàng bay về đậu, báo hiệu Thái tử ra đời. Thái tử đời Minh Mạng là Thiệu Trị sau này lên ngôi, cũng khắc khoải khi nghe tiếng lá ngô đồng rơi mỏng ngoài sân, đến viết lên dòng thơ, khắc lên bia mộ mình.
Một chiều tới Xương lăng - nơi đặt thi hài vua Thiệu Trị - cũng thấy một bóng ngô đồng đang trổ hoa nghiêng bóng trên bờ Ngưng Thúy nhưng lăng tẩm thì nay đã hoang phế, dù đang vào dịp lễ cũng hiếm có người viếng thăm. Một đời huyễn mộng đã qua, chỉ còn ngô đồng là mỗi xuân về lại tím ngắt trời nước.
Gần đó là lăng Gia Long – vị Hoàng đế lập nên triều Nguyễn – cũng một vẻ đìu hiu cô quạnh. Tại nơi đặt bài vị thờ vua, chỉ có một bác tuổi đã cao trông nom, giúp những vị khách hiếm hoi châm nhang, mời trà và kể miên man về lăng tẩm và các câu chuyện đời vua. Lăng vua Gia Long cách Đại Nội đang náo nhiệt chỉ hơn 15 cây số, nhưng khi được hỏi về Festival, người trông nom bài vị chỉ nở nụ cười thích thú kín đáo của người Huế rồi thôi.
Những người tới Huế vào dịp Festival đông đúc vẫn có thể tìm được cho mình một chốn cố đô xưa cũ, trầm lắng, rêu phong như thế.
Nếu có thời gian, những du khách hoài cổ có thể bắt xe khách, ngược theo đường quốc lộ 1A để về với làng cổ Phước Tích nằm cách trung tâm Huế tầm 30km. Nơi đây không có nhà cao tầng, đèn đường phố xá, chỉ có những nhà rường khuất sau bờ rào là hàng cây chè tàu … Cả làng nằm uốn mình bên sông Ô Lâu thơ mộng 12 bến nước. Lâu lâu ngồi trong làng có thể nghe tiếng người trèo đò hát vang dưới sông. Mọi kì Festival, làng Phước Tích thường khá rộn ràng với các hoạt động dân gian, tuy nhiên, năm nay địa điểm được chuyển qua làng bên nên Phước Tích vẫn giữ nguyên vẻ yên ả dưới bóng cây thị 500 năm tuổi.
Đèn hoa sáng khắp đất trời cố đô
Trở lại với trung tâm Huế, du khách lại một phen bất ngờ với sự rực rỡ tráng lệ mới nở bừng lên ở đất cố đô. Những ai mắc hội chứng choáng ngợp Stendhal hẳn không ít lần loạn nhịp tim với một Huế trang hoàng lộng lẫy như buổi đưa vua lên ngai. Lang thang nẻo đường, có thể từng đôi lần sững lại với nước non sông núi, nay lại trầm trồ với nón lá, ghe hội, hay đèn quả trám rực đỏ dọc nhà hát đại nội…
Festival Huế 2016 bắt đầu bằng nghi lễ cúng đàn Nam Giao. Đây là đàn duy nhất còn lại ở Việt Nam, là nơi khi xưa các vua nhà Nguyễn tổ chức tế trời đất cầu mưa thuận gió hòa quốc thái dân an.
Đêm 28 rạng sáng 29, cả đàn Nam Giao sáng rực vời hàng trăm chiếc đèn lồng vàng óng ánh, soi rõ những gương mặt đại diện cho Huế mang lễ vật tới cúng trời đất. Người dân có mặt từ rất sớm, đứng vây quay cửa đàn, đợi giờ được vào trong thắp hương. Huế đã bắt đầu một lễ hội như thế, đậm đà truyền thống nhưng cũng gần gũi, hiện đại.
Những ngày sau đó, đường phố Huế rộn ràng mọi nơi. Các chương trình cổ truyền được xen lẫn với những hoạt động sôi động trẻ trung. Thật bất ngờ khi đêm áo dài, đêm hoàng cung, các triển lãm truyền thống… luôn đông khách, không chỉ là du khách từ xa tới, mà cả những người sinh ra và lớn lên ở Huế. Người ta ngồi tràn xuống đất xem áo dài cổ truyền, hò reo thích thú với đua ghe hay những trò chơi dân gian tái hiện lại trong đêm đại nội, lặng ngắm các thiếu nữ trong vai cung nữ bẽn lẽn ngồi nơi Tử Cấm Thành…
Nhưng cũng lại không khó để gặp các thiếu nữ bẽn lẽn kia trong đêm nhạc hiphop ở Trung tâm văn hóa tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lại càng dễ gặp họ trong các chương trình quảng diễn của L'Homme Debout, hợp xướng hàn lâm của Nga, tam tấu Jazz của Ba Lan…
Ấp ủ trong mình cốt cách người cố đô nhưng rõ ràng xứ Huế đang chuyển mình, bắt kịp với đà hội nhập của thế giới. Ở đâu, vào lúc nào, cũng dễ dàng gặp một người Huế “tiện đường” dẫn du khách tới tận nơi cần đến hay một bát bánh canh giá 10.000 đồng, nhưng cũng có một Huế rành rẽ tiếng Pháp, tiếng Anh, xắn tay vào giúp các nghệ sĩ nước ngoài chuẩn bị cho các buổi diễn.
Người đi bộ trên sông Hương
Ông Benoit Mousserion – trưởng đoàn L’Homme Debout, khi tới Huế đã đi bộ dọc bờ sông Hương và bị hút hồn bởi cảnh sắc nơi đây. Ông đã tái hiện hình ảnh trên chú rối Liédo, với vali xách trên tay, chầm chậm bước đi trên những con đường dọc bờ sông, tay cầm bó hoa tươi thắm.
Vài ngày sau, ông Mousserion một lần nữa đưa Liédo trở lại với Festival, những lần này đi cùng với những bông sen rực rỡ lấy cảm hứng từ xứ Huế. Buổi quảng diễn thứ hai diễn ra tại sân Hàm Nghi, ngay bên hông thành hoàng cung, pháo nổ đì đùng.
Liédo là chú rối khổng lồ nổi tiếng trên thế giới. Là nhân vật mang trong mình trái tim nhân đạo, rối Liédo luôn du hành trên con đường đi tìm bản ngã. Đã từng đi qua rất nhiều Festival, lần này tới Huế, Liédo dường như đã tìm thấy chút bình yên bên sông Hương và hoa sen ngan ngát.
Hẳn đây không chỉ là tâm trạng của ông Mousserion thổi hồn vào rối Liédo, mà còn là cảm xúc của nhiều người khi một lần nhìn tà áo dài phấp phới đạp xe qua thành cổ Huế. Một mảnh đất bề dày truyền thống, thấm đượm vào trong cốt cách, hương vị xứ cố đô, thổi vào lòng du khách cái mênh mang thơ thới, nhẹ lòng với gió trăng nhưng cũng có chút man mác với thành quách rêu phong, then cửa han gỉ…
Chẳng thế mà nơi đây sinh ra những tâm hồn nhạy cảm với cả tiếng lá rơi ngoài sân như vua Thiệu Trị, như Hàn Mặc Tử, như Trịnh Công Sơn…
Một lần tới Huế, biết đâu có lần thấy thuyền đậu sông trăng, để khi rời đi, vẫn nhớ mãi khuôn mặt ai lá trúc che ngang…
Nguyên Trang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất