19/05/2023 07:11 GMT+7 | Bóng đá Việt
Tính đến hôm nay (19/5) là tròn một tháng ba ngày nghỉ, trái bóng V-League 1 mới lăn trở lại, vòng 8, với cuộc tiếp đón Thanh Hoá của HAGL trên sân Pleiku. Trước đó, sau kết thúc lượt trận thứ tư, giải đấu cao nhất Việt Nam cũng đã trải qua đến 45 "ngày phép".
Kỳ nghỉ đầu ở mùa giải năm nay không được cho là nhường sân cho đội tuyển U20 Việt Nam tham dự VCK U20 châu Á diễn ra tại Uzbekistan (từ ngày 1-18/3/2023), giải đấu mà thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã bị loại sau vòng bảng. Thời gian này, ĐTQG cũng không tập trung cho FIFA Days nhưng đợt nghỉ thứ 2 là để nhường sàn diễn cho U22 Việt Nam chinh chiến SEA Games 32, bởi ĐTQG cũng chỉ hội quân vỏn vẹn 4 ngày gọi là màn chào hỏi tân HLV trưởng Philippe Troussier, cũng không tham dự các trận FIFA Days. SEA Games 32 trên đất Campuchia, HLV Philippe Troussier và các học trò không thể bảo vệ màu vàng chiếc huy chương môn bóng đá nam, chúng ta chỉ giành HCĐ và bị cho là một thất bại.
Trở về từ Campuchia, HLV Philippe Troussier phát biểu rằng, một giải VĐQG không thể bị ngắt quãng nhiều như thế, nếu chúng ta muốn xây dựng một ĐTQG mạnh. Bóng đá Việt Nam vốn dĩ chưa và còn rất lâu nữa mới đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ nên sức mạnh nội tại của các ĐTQG phụ thuộc trực tiếp vào hệ thống đào tạo trẻ và hệ thống giải quốc gia mà đỉnh cao chính là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nói như Trưởng đoàn CLB T.Bình Định, cựu danh thủ và HLV Dương Ngọc Hùng, có CLB, giải đấu, mới có các ĐTQG. Phải chăm lấy cái gốc, chăm lo giải đấu cho tử tế mới được.
Lật dở và tìm đỏ con mắt cũng rất khó để tìm ra được một vài cái tên trong đội hình U22 Việt Nam đá SEA Games 32, có suất đá chính trong màu áo CLB ở V-League, đội tuyển U20 quốc gia lại càng không. Vậy thì, có nhất thiết phải nghỉ ngắt quãng quá dài và quá nhiều lần để dồn sức cho các đội tuyển trẻ tập trung đấu giải hay không? Hỏi mà như đã trả lời, bởi không một nền bóng đá phát triển nào trên thế giới làm như thế cả.
Người của BTC, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, lịch thi đấu quốc gia, trong đó có hệ thống giải chuyên nghiệp đều được đại diện các CLB thông qua, trước mỗi mùa giải. Nếu đại diện CLB chưa thể tính được cái lợi, thiệt cho đội bóng, cho giải đấu, thì chính VPF và cao hơn là VFF phải tính và phải định hướng giải pháp hợp lý nhất có thể, chứ không chỉ là áp khung theo một thuộc tính cũ: Hễ có lịch tập trung các ĐTQG là hệ thống giải quốc nội nghỉ.
Chẵn AFF Cup, lẻ SEA Games..., thông lệ này đã không còn được bảo lưu, trong và sau đại dịch Covid-19, song ngay cả thời điểm tổ chức, cũng không chỉ diễn ra vào cuối năm như trước mà có thể tổ chức vào dịp hè. SEA Games 31, 32 hay kỳ Đại hội năm 2015 tại Singapore chính là những viện dẫn. Với hệ thống các giải đấu như mắc cửi của bóng đá hiện đại dành cho các ĐTQG, phải tính toán thật khoa học. Trong vòng 5 tháng, kể từ khi V-League 1 mùa giải 2023 khởi tranh đầu tháng 2/2023, các CLB chỉ chơi 7-8 trận, trong khi phải trả đầy đủ lương, thưởng và mọi chế độ cho trên dưới 40 con người/đội bóng, vẫn phải vận hành công ty tể thao quản lý trực tiếp CLB, với hàng chục bộ phận khác.
Ngó qua V-League 2 còn khó hơn, khi mới chỉ đá được 3 lượt trận. Kỳ chuyển nhượng giữa mùa cũng chưa tới nên CLB cũng không thể thử việc hay thay thế bổ sung cầu thủ, trong các giai đoạn nghỉ vừa rồi. Với ngoại binh thì còn liên quan đến giấy phép chuyển nhượng quốc tế ITC, chỉ được cấp khi thị trường chuyển nhượng mở cửa.
Rõ ràng, chỉ cần một vài tính toán thiếu hợp lý của nhà điều hành hay sự tắc trách của đại diện các CLB từ các buổi họp với BTC, có thể gây thiệt hại rất lớn về tiền của cho các CLB. Đấy là chưa kể việc đứt mạch các trận đấu và giải đấu còn ảnh hưởng đến phong độ của cầu thủ, đội bóng, tác động trực tiếp đến tham vọng các CLB, tính cạnh tranh của giải đấu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất