U23 VN chuẩn bị cho SEA Games 26: Bao nhiêu cho đủ?!

10/10/2011 12:05 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Năm 2009, HLV Henrique Calisto có gần 3 tháng để chuẩn bị cho SEA Games 25 và ông thầy người Bồ Đào Nha cũng đã duy trì danh sách 30 tuyển thủ cho tới sát ngày đi Lào mới chốt lại thành phần chính thức. 2 năm sau, quỹ thời gian chuẩn bị của HLV Falko Goetz bị giảm xuống đáng kể, bởi môn bóng đá nam SEA Games 26 khởi tranh sớm hơn tới một tháng so với SEA Games 25.

Và cũng khác với HLV Calisto, HLV Goetz không tiến hành “tổng động viên” toàn bộ những cầu thủ tốt nhất VN trong lứa tuổi U23 mà ông chỉ gọi vào ĐT một số lượng vừa phải và có sự thay thế bổ sung sau mỗi lần tập trung. Tuy nhiên, dù làm theo cách nào thì hiện tại HLV Goetz cũng đang phải đối mặt với một vấn đề từng khiến người tiền nhiệm của ông là HLV Calisto đau đầu cách đây 2 năm.


Do SEA Games 26 diễn ra sớm nên U23 VN chỉ có khoảng 2 tháng chuẩn bị, thay vì 3 tháng như SEA Games 25. Ảnh: Quốc Khánh

Đấy là việc chất lượng nhân sự của ĐT U23 VN không đủ tốt và nhiều để HLV Goetz có thể tìm được những lựa chọn ưng ý nhất, đặc biệt là ở hàng tấn công. Bài toán này cũng từng làm cho HLV Calisto mất ăn mất ngủ ở SEA Games 25, và giải pháp đôn các tiền vệ tấn công lên đá tiền đạo của ông tuy phát huy hiệu quả rất tốt ở vòng bảng và bán kết, nhưng lại “gãy” đúng trận chung kết, khi tiền vệ mắn duyên ghi bàn nhất là Tiến Thành bị các hậu vệ U23 Malaysia khống chế hoàn toàn.

Bây giờ, vấn đề nhân sự cho hàng công của ĐT U23 VN lại càng trở nên nhức nhối hơn, và đây là hệ quả đã được dự báo từ trước, khi các đội bóng ở V-League và giải hạng Nhất đều ưu tiên dành suất tiền đạo đá chính cho ngoại binh, nên các tiền đạo nội hoặc không có chỗ đứng dẫn tới thui chột tài năng hoặc phải dạt ra thi đấu ở vị trí không phải sở trường.

Sau khi chứng kiến màn trình diễn tưng bừng của các cầu thủ U21 ở giải U21 QG và U21 quốc tế báo Thanh Niên, không ít người đã nảy ra ý tưởng tại sao không đôn số cầu thủ vào ĐT U23 VN để tham dự SEA Games 26, nhưng thực tế mọi việc lại không đơn giản như thế. Trước hết, không thể mang giải U21 để so sánh với SEA Games, bởi đây là 2 sân chơi hoàn toàn khác nhau và áp lực dành cho các cầu thủ vì thế cũng rất khác.

Rất nhiều cầu thủ có thể tung hoành làm mưa làm gió ở giải U21, nhưng để tái hiện phong độ ấy ở ĐT U23 lại là một vấn đề hoàn toàn khác, bởi ĐT U23 là tập hợp của những cầu thủ trẻ hay nhất VN, mà họ lại nhiều hơn các đồng nghiệp U21 vài tuổi nên kinh nghiệm và bản lĩnh thi đấu cũng khác hẳn.

Ngay như Hoàng Thiên, một tân binh mới được bổ sung cho ĐT U23 sau khi giải U21 QG kết thúc, dù được đánh giá là rất có triển vọng và cũng từng khoác áo ĐT Olympic VN thi đấu vòng loại Olympic London 2012 hồi giữa năm nhưng hiện tại cũng chưa xác lập được chỗ đứng vững chắc ở ĐT U23.

Một trường hợp khác là Nhật Nam, cầu thủ chơi chói sáng ở cả 2 giải U21 và được HLV lão làng Bora Milutinovic hết lời khen ngợi, nhưng một thành viên của BHL ĐT U23 VN cho biết rất khó có khả năng Nhật Nam được gọi bổ sung vào ĐT U23 VN, lý do là Nhật Nam có thể nổi bật ở cuộc chơi dành cho các cầu thủ U21, nhưng phong cách thi đấu có phần hơi chậm chạp và đôi khi hơi ham vẽ vời của Nhật Nam không phù hợp với triết lý bóng đá “toàn đội tấn công, toàn đội phòng thủ” của HLV Goetz.

Tóm lại, mỗi một HLV luôn có quan điểm chiến thuật khác nhau và bởi thế cách thức xây dựng nhân sự để phục vụ lối chơi của đội bóng cũng khác nhau. Do đó, vấn đề đủ hay thiếu trong quỹ thời gian chuẩn bị với mỗi nhà cầm quân có khi chỉ mang ý nghĩa tương đối, và chỉ có kết quả cuối cùng mới là lời phán xét tốt nhất.

Hoàng Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm