Từ 'Hà Nội mùa đông năm 46' đến 'Đào, phở và piano' (kỳ 2 & hết): Làm phim lịch sử là con đường chông gai

09/03/2024 07:00 GMT+7 | Giải trí

Đạo diễn Phi Tiến Sơn hy vọng các đồng nghiệp của mình sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài lịch sử dẫu làm phim lịch sử là một con đường chông gai, đầy thử thách.

Ông khẳng định: "Sau "cơn sốt" của Đào, phở và piano sẽ có rất nhiều nhà làm phim, không chỉ Nhà nước mà cả các hãng tư nhân, sẽ rất quan tâm đến đề tài này. Chắc chắn là vậy! Vì đã có các hãng tư nhân đặt tôi viết kịch bản về những đề tài lịch sử".

Tôn trng lịch sử nhưng không nên câu nệ

Bày tỏ sự thích thú với những lời mời, nhưng đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng cho biết: "Mặc dù rất mê đề tài lịch sử, nhưng thực ra tôi cũng run khi nghĩ đến việc làm một phim chính sử. Bởi làm phim về đề tài lịch sử rất khó".

Như lời đạo diễn này, ở phạm vi phổ biến rộng, phim lịch sử sẽ phải đối diện với rất nhiều ý kiến, đánh giá, thậm chí bị soi xét bởi những quan niệm lịch sử khác nhau. Cho nên, làm phim về đề tài lịch sử để tạo được sự đồng thuận với người xem thực sự là một thử thách, đôi khi cần đến sự dũng cảm của nhà làm phim.

Từ 'Hà Nội mùa đông năm 46' đến 'Đào, phở và piano' (kỳ 2 & hết): Làm phim lịch sử là con đường chông gai - Ảnh 1.

Một góc bối cảnh phim “Đào, phở và piano”

"Chúng ta tôn trọng lịch sử nhưng cũng không nên câu nệ lịch sử. Chúng ta cứ bảo lịch sử phải thế nọ, phải thế kia, nhưng thực tế có nhiều chi tiết lịch sử cũng không hoàn toàn chính xác, vẫn còn đang tranh cãi. Thế nên khi làm phim lịch sử quan trọng nhất là giữ được không khí lịch sử, tôn trọng và tạo dựng được nó" - ông tâm niệm.

Đặc biệt, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, khi lấy lịch sử như một điểm tựa để thể hiện quan điểm thì điều quan trọng phải làm là tôn vinh được các bậc tiền nhân. "Nếu người làm phim xúc phạm những thế hệ đi trước, những bậc anh hào của đất nước thì chắc chắn sẽ thất bại. Bởi điều đó sẽ tạo thành một con sóng phẫn nộ của nhân dân không gì có thể ngăn cản".

Với Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn đã chọn hình thức lấy cảm hứng của một sự kiện lịch sử, lấy không khí lịch sử của một giai đoạn để kể một câu chuyện hư cấu với các nhân vật cũng hư cấu. "Tôi xây dựng một dòng kịch bản không có xung đột, không có bối cảnh "tay ba tay tư", không có những rung động đời thường, v.v… Tôi rất may mắn khi các diễn viên đọc kịch bản đều hào hứng và muốn thử sức" - đạo diễn cho biết.

Nên có một cái nhìn cởi mở

Ở khía cạnh khác, đi sâu phân tích tính chân thực của phim lịch sử, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, xem phim lịch sử mà đòi hỏi 100 % tính chân thực, thì sẽ không ai làm được. Ở đây, quan trọng nhất là không khí lịch sử, cái hồn lịch sử có được tạo ra trên phim không?

"Chưa kể, tôi vẫn e rằng có rất nhiều vấn đề lịch sử từ chi tiết, tình huống, nhân vật cho đến phục trang, hóa trang, v.v… đang là cách nhìn của ngày hôm nay, thậm chí là một dạng "thầy bói xem voi". Mỗi chúng ta đang nhìn ở một góc của lịch sử và nghĩ rằng mình đúng, điều này không thể tránh khỏi. Cho nên xét cho cùng, chúng ta phải chấp nhận và nên có một cái nhìn cởi mở đối với những yếu tố chưa hoàn thiện khi đi xem những tác phẩm phim về đề tài lịch sử" - ông Sơn nói.

Từ 'Hà Nội mùa đông năm 46' đến 'Đào, phở và piano' (kỳ 2 & hết): Làm phim lịch sử là con đường chông gai - Ảnh 2.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn (thứ 2 từ phải sang) chỉ đạo diễn xuất một cảnh phim “Đào, phở và piano”

Dẫn chứng từ quá trình làm phim Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn kể: "Tôi đã đi tìm gặp một cựu chiến binh để hỏi về cách họ cố thủ trong chiến lũy năm đó. Người cựu chiến binh đó đã kể cho tôi về chi tiết chính ông là người đã nổ pháo tép ở trên các cửa sổ tầng thượng để làm "nghi binh", phân tán sự chú ý của địch, để cho các lực lượng khác tấn công, đánh úp chúng. Ông kể rất hay, nhưng khi tôi hỏi ông đem pháo tép lên đó như thế nào, đựng bằng vật liệu gì, trông như thế nào thì ông không nhớ rõ. Như vậy ngay cả người trong cuộc cũng không còn nhớ chính xác những gì đã xảy ra hồi đó".  

Dựng cảnh này, đoàn phim đã dùng một cái nồi đồng của thời đó để đựng pháo tép vừa an toàn, vừa tạo ra sự cộng hưởng âm thanh để nghe tiếng pháo tép ở xa như một tràng súng đại liên đang bắn. Đây có thể coi là một phương án rất hợp lý khi vừa tạo ra được không khí lịch sử, vừa thấy được hồn dân tộc trong đạo cụ.

Kể ra như vậy để thấy với đề tài lịch sử, nhà làm phim phải đối mặt với những tình huống bất khả kháng, đôi khi phải cần đến sự sáng tạo. Ở phía khán giả, dẫu biết nhu cầu về sự hoành tráng, tỉ mỉ trên những thước phim là tất yếu nhưng cũng cần có độ mở lòng nhất định khi xem phim về đề tài lịch sử. Vì suy cho cùng, theo đạo diễn Phi Tiến Sơn, "chừng nào khán giả còn soi lỗi, còn nhặt sạn trong phim thì chứng tỏ những người làm phim, nhất là làm phim lịch sử vẫn có cơ may còn có người quan tâm, còn có người muốn xem".

Hướng đi cho phim do Nhà nước đặt hàng

Cũng tại cuộc đối thoại chuyên đề Từ "Hà Nội mùa đông năm 46" đến "Đào, phở và piano", cả đạo diễn Đặng Nhật Minh và Phi Tiến Sơn đều đưa ra những quan điểm thẳng thắn về hướng đi của phim do Nhà nước đặt hàng, rộng ra là phát triển nền công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam.

Từ 'Hà Nội mùa đông năm 46' đến 'Đào, phở và piano' (kỳ 2 & hết): Làm phim lịch sử là con đường chông gai - Ảnh 3.

Một cảnh quay của phim “Đào, phở và piano”

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, thành công của phim Đào, phở và piano là một sự kiện đáng mừng đối với điện ảnh Việt Nam. Bởi bấy lâu nay, khán giả có thành kiến là phim Nhà nước không ai xem, phim Nhà nước là phim khô khan, người trẻ không thích (?!) Thế nhưng hiện tượng Đào, phở và piano vừa qua đã bác bỏ tất cả những định kiến này.

"Làm phim có 2 công đoạn sản xuất và phát hành. Với phim Nhà nước, từ khi xóa bỏ bao cấp, khâu phát hành gần như bị bỏ lửng. Hầu hết các rạp nằm trong tay tư nhân. Lần này, Nhà nước quan tâm đến khâu phát hành rõ ràng mang lại một kết quả rất rực rỡ với thắng lợi của phim Đào, phở và piano thu về hơn 10 tỷ đồng" - ông Minh nhấn mạnh - "Nhân đây, Nhà nước đã quan tâm đến khâu sản xuất thì cũng nên quan tâm đến khâu phát hành. Hai khâu đó phải đi đều với nhau".

Nói rộng ra, đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế. Theo ông: "Đã sản xuất ra thì phải bán được hàng. Bấy lâu nay, theo cơ chế của phim do Nhà nước đặt hàng, chúng ta sản xuất ra phim nhưng không nghĩ đến "bày bán" sản phẩm ở "cửa hàng" nào. Chúng ta có Trung tâm Chiếu phim quốc gia…, thực chất, nhiều khi cũng không hẳn là "bày bán", mà đúng hơn nó như một phòng triển lãm. Phim được chiếu vào một thời gian nào đó, ai đến xem thì xem. Như vậy, vừa tốn tiền, vừa tốn công sức, tâm huyết của người làm phim" - đạo diễn Đào, phở và piano bày tỏ - "Sau đây, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ cần thực sự vào cuộc để tìm ra một hướng đi cho dòng phim do Nhà nước đặt hàng có đường dài tốt hơn".

"Nhà nước đã quan tâm đến khâu sản xuất phim thì cũng nên quan tâm đến khâu phát hành. Hai khâu đó phải đi đều với nhau" - đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm