07/03/2024 17:38 GMT+7 | Giải trí
"Tôi rất bất ngờ và xúc động về sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Nhưng nói Đào, phở và piano là hiện tượng thì hơi quá lời. Tiềm thức yêu nước, cũng như sự quan tâm đến lịch sử dân tộc đã có sẵn trong mỗi người Việt Nam" - đạo diễn Phi Tiến Sơn từ Mỹ chia sẻ - "Những nhà làm phim như tôi chỉ việc "bật đúng công tắc", nhen lửa để nó bùng lên" …
Ý kiến của đạo diễn Phi Tiến Sơn được bày tỏ tại cuộc đối thoại có tên Từ "Hà Nội mùa đông năm 46" đến "Đào, phở và piano", diễn ra vào cuối tuần qua tại không gian Cà phê thứ Bảy (Times City, Hà Nội). Sự kiện còn có NSND Đặng Nhật Minh - đạo diễn phim Hà Nội mùa đông năm 46 (1997).
Và, cuộc đối thoại cho thấy giữa Hà Nội mùa đông năm 46 và Đào, phở và piano đã có những mối liên hệ đặc biệt khi cùng khai thác về giai đoạn lịch sử Hà Nội vào cuối năm 1946 - dẫu 2 bộ phim được sản xuất cách nhau gần 30 năm.
Từ sự thôi thúc bên trong…
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, ông có ý định làm một bộ phim về Hà Nội từ rất lâu. "Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, thuộc rất nhiều ngõ ngách, con người và có rất nhiều kỉ niệm với thành phố này. Tôi thầm hứa với mình phải làm một cái gì đó cho Hà Nội" - ông chia sẻ.
Như lời đạo diễn này, nền điện ảnh Việt Nam đã từng có những bộ phim khai thác nhiều khía cạnh của Hà Nội. Tuy vậy, trong khoảng hơn chục năm trở lại đây, dường như những bộ phim mới về Hà Nội đang thiếu vắng. Và ông có cảm giác như mang một món nợ với thành phố, với con người nơi đây và đặc biệt với khu phố cổ Hà Nội, nơi mình đang sinh sống.
"Đó là lý do để Đào, phở và piano ra đời từ sự thôi thúc bên trong tôi chứ không do ai đặt hàng, yêu cầu", ông Sơn nói thêm. "Và nếu không vì sự thôi thúc từ bên trong đó, tôi đã làm những phim khác thoải mái hơn, nhẹ nhàng hơn và nói thật là cũng kiếm được nhiều tiền hơn".
Thôi thúc là thế, nhưng với đạo diễn Phi Tiến Sơn, làm phim về Hà Nội không dễ. Rồi cuối cùng, ý tưởng cho Đào, phở và piano cũng ra đời từ những ký ức tuổi thơ của chính đạo diễn, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe.
"Khi còn bé, tôi đi học ở Cung Thiếu nhi Hà Nội, hồi đó gọi là Ấu trĩ viên. Ngày nào tôi cũng đi bộ qua di tích Bắc Bộ phủ. Khi nhìn vào trong, tôi thấy vẫn còn ở đó những vết đạn bắn lõm trên hàng rào sắt" - đạo diễn Phi Tiến Sơn nói - "Và cứ thế, cùng những câu hỏi được đặt ra, những ấn tượng ngày ấy vẫn cứ đọng mãi trong tâm trí tôi. Với tôi, những vết đạn đó chính là lịch sử của Hà Nội và nó cứ ám ảnh tôi mãi".
Còn với đạo diễn Đặng Nhật Minh, gần 30 năm trước, khi làm phim Hà Nội mùa đông năm 46, ông cũng có những cảm xúc và động lực tương tự. Theo lời đạo diễn, nhiều người vẫn tưởng đây là một phim đặt hàng của Nhà nước nhằm kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc. Sự thật không phải vậy. Ông viết kịch bản phim này xuất phát từ thôi thúc của bản thân, không có ai đặt hàng và cũng không được ai đầu tư để sáng tác.
Vị đạo diễn gạo cội còn cho biết thêm, từ những năm tháng đi học, ông đã say mê tìm hiểu giai đoạn Hà Nội vào cuối năm 1946. Từ sự say mê ấy, ông đọc rất nhiều sách, tài liệu của cả ta và phía Pháp về giai đoạn này. Để rồi bằng tình cảm cá nhân, sau thời gian đạo diễn ấp ủ và lẳng lặng viết, kịch bản phim Hà Nội mùa đông năm 46 ra đời.
"Để tạo những bối cảnh xưa, ở Hà Nội bây giờ gần như không có nơi nào còn trọn vẹn. Tôi lang thang mãi trên các đường phố của Hà Nội và không thấy một khu nào có nổi 3 ngôi nhà cổ đứng sát nhau" - đạo diễn Phi Tiến Sơn.
"Muôn ngàn khó khăn"
Chia sẻ về quá trình làm phim Đào, phở và piano, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết đoàn làm phim gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi dựng bối cảnh cho phim.
"Để tạo những bối cảnh xưa, ở Hà Nội bây giờ gần như không có nơi nào còn trọn vẹn. Tôi lang thang mãi trên các đường phố của Hà Nội và không thấy một khu nào có nổi 3 ngôi nhà cổ đứng sát nhau. Những con phố cổ của Hà Nội bây giờ luôn lọt vào những ngôi nhà kiểu mới, rồi màu sơn, vỉa hè đều đã thay đổi" - đạo diễn kể.
"Để giải quyết, đoàn phim chỉ có thể dựng cảnh lại hoàn toàn, cho dù dựng cảnh thì cực kỳ tốn kém. Trong khi đó, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu hết được sự khó khăn của việc tái tạo lại không gian lịch sử trong thiết kế kỹ thuật" - ông Sơn nói thêm.
Đạo diễn này lấy ví dụ về việc dựng bối cảnh của Hà Nội cuối năm 1946: Về nguyên tắc những ngôi nhà được dựng lại trước tiên phải xây mới, sau đó phải đập vỡ, "làm cũ" bằng cách tạo ra những vết rầy xước, sạm đen hay để những bức tường vỡ bung ra những mảng đỏ của gạch. Rồi, họ cũng phải tính toán vật liệu phù hợp để vừa đảm bảo tính chân thật, vừa không gây thương tích cho diễn viên…
Theo họa sĩ Phạm Quốc Trung (thiết kế mỹ thuật phim Hà Nội mùa đông năm 46), tại Việt Nam, việc làm một bộ phim về đề tài lịch sử luôn đặt ra rất nhiều khó khăn cho các họa sĩ. Các chuyên gia này phải bắt đầu từ con số không từ khâu dựng bối cảnh cho đến chuẩn bị trang phục, đạo cụ. Thậm chí, có nhiều phương tiện như xe thiết giáp, xe jeep... đều phải sưu tập, sửa chữa và làm lại.
Ông Trung kể, khi làm phim Hà Nội mùa đông năm 46, đạo diễn Đặng Nhật Minh yêu cầu cần phải có một đoàn tàu điện chạy trên đường. Thế nhưng khi đó, ở Hà Nội từ rất lâu đã bỏ cả tàu điện lẫn… đường ray. Ngay cả khi tìm tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, họ cũng không có được bản thiết kế tàu điện. Chỉ đến khi gặp được 2 người kỹ sư từng làm cho nhà máy xe điện vào thời Pháp, đoàn phim mới có được bản vẽ về tàu điện.
"Khi đã có bản vẽ tàu điện, một vấn đề khác lại nảy sinh. Đó là làm thế nào để cho tàu điện chạy được trên đường. Để chạy được, tàu điện phải chịu được tải trọng của chính nó - tương đương gần 2 tấn - và đồng thời chịu tải trọng của toàn bộ đoàn làm phim, rồi phải đủ vững để diễn viên diễn xuất khi tàu chạy trên đường. Trong khi đó, toàn bộ bánh xe hiện có lại không chịu được tải trọng như vậy" - ông Trung nhớ lại.
"Sau đó, đoàn phim được một người mách nên đến nhà máy sửa chữa xe tăng, thiết giáp ở Đông Anh. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết. Và bánh tàu điện trong phim Hà Nội mùa đông năm 46 chính là bánh dẫn của những chiếc xe tăng đã được xẻ ra để có thể chịu được tải trọng của tàu điện" - ông kể thêm.
Những câu chuyện ấy chỉ là một phần nhỏ khó khăn mà Hà Nội mùa đông năm 46 hay Đào, phở và piano phải trải qua trong quá trình thực hiện. Nhưng rồi, như lời đạo diễn Phi Tiến Sơn, khó khăn nào cũng qua đi để nhường chỗ cho những khoảnh khắc đáng trân trọng với từng thành viên của đoàn phim.
"Có những cảnh quay xong, thấy cả đoàn phim lặng đi, thấy diễn viên mếu máo, thấy một không khí trầm lắng như mọi người đang sống trong giai đoạn lịch sử cụ thể. Những giây phút đó khiến tôi rất hạnh phúc, bởi đó là những khoảnh khắc hiếm có trong đời làm nghề" - đạo diễn bộc bạch.
Cơ duyên đặc biệt
Những ngày cuối năm 1946 cũng có một ý nghĩa đặc biệt với gia đình của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Như lời đạo diễn, khi ấy, tại Nhật Bản, nếu cha ông (GS Đặng Văn Ngữ) không được đọc Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời mình bây giờ đã đi theo một hướng khác.
"Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật, vì cha tôi trước đó đã làm giấy tờ để đưa mấy mẹ con tôi sang đó" - đạo diễn kể - "Do vậy, việc làm phim Hà Nội mùa đông năm 46 với tôi là sự thôi thúc của bản thân. Có lẽ sự thành công có được của bộ phim cũng xuất phát từ đấy".
(còn tiếp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất