25/07/2023 08:08 GMT+7 | Giải trí
Còn nhớ, vào ngày 10/12/1967, phi cơ chở Otis Redding và ban nhạc Bar-Kays của anh đã lao xuống vùng nước lạnh giá trong hồ Monona ở Wisconsin. Redding chỉ mới 26 tuổi khi từ giã cõi đời. Và dù anh khi đó đã là nguồn sống của hãng Stax và được quốc tế ngợi ca là "ông vua nhạc soul", Redding đáng lẽ có thể vươn lên tầm cao hơn nếu còn sống.
1. Tin tức về vụ tai nạn khiến người hâm mộ và những người yêu thương anh chết lặng, không chỉ bởi sự đột ngột của nó mà còn bởi sức sáng tạo mãnh liệt vẫn đang hừng hực trong anh. Theo người thân, Redding "luôn là tâm điểm", tỏa ra sức mạnh.
Âm nhạc của Redding được định hình bởi cả sự nhạy cảm và động năng. Anh là sự kết hợp giữa giọng hát tình cảm của Nat King Cole, sự nhiệt thành thánh thiện từ những năm tháng hát ở nhà thờ Baptist, và sự tinh tế khoa trương như người hùng đồng hương Litte Richard (người cũng tới từ Macon, Georgia, Mỹ). Một số bản thu nổi tiếng nhất của Redding -These Arms Of Mine, Mr. Pitiful, Pain In My Heart- đều là những lời khẩn cầu chống lại nỗi cô đơn, nỗ lực nhiệt thành để ngăn sự mất mát, thể hiện sự nhạy cảm của anh với nỗi đau và khao khát.
Khả năng và chiều sâu âm nhạc cũng đưa Redding trở thành người phiên dịch xuất chúng ca khúc của các nghệ sĩ khác, từ White Christmas của Irving Berlin tới (I Can't Get No) Satisfaction của Rolling Stones. Trong thập niên 1960 và 1970, nhiều nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi vĩ đại đã hát lại nhạc của nhạc sĩ da trắng (Ray Charles hát Georgia On My Mind, Aretha Franklin hát Let It Be), đảo ngược một cách hình tượng quá trình các nghệ sĩ da trắng chiếm đoạt và thu lợi từ phát kiến âm nhạc của người da đen.
2. Phiên bản Try A Little Tenderness năm 1966 của Redding chính là sự bùng nổ tuyệt vời nhất của anh. Được Bing Crosby phổ biến lần đầu vào năm 1933, bản ballad -có phần gia trưởng này nói về sức mạnh tình cảm từ người đàn ông có thể giúp vực lại tinh thần phụ nữ - từng được Aretha Franklin và Sam Cooke hát lại trước Redding. Nhưng trong khi Franklin và Cooke giữ lại cấu trúc ballad cơ bản của ca khúc, Redding đã thực hiện một cuộc cách mạng.
Otis Redding đã biến đổi giai điệu gốc của Try A Little Tenderness cùng Booker T và the M.G.s trong 3 phiên ghi âm năm 1966, bắt đầu với phần intro tiếng kèn bất hủ: "Đoạn riff nhỏ đó xuất hiện đầu tiên trong đầu Otis và nó đi thẳng vào trái tim chúng tôi cũng như trên băng" - theo nghệ sĩ trumpet Wayne Jackson.
Otis Redding thể hiện ca khúc "Try A Little Tenderness"
Sự diễn dịch lại này của Redding đã thay đổi cả sự nghiệp riêng của anh và quỹ đạo của hãng đĩa Stax - như lãnh đạo hãng đĩa Jim Stewart nói: "Đó là mọi thứ mà Stax hướng tới". Nhưng còn hơn thế, nó là làn sóng ngầm mạnh mẽ trong phong trào dân quyền ở Mỹ những năm 1960.
Phiên bản của anh mở đầu trong trạng thái u uất quen thuộc: tiếng kèn đan xen do Isaac Hayes chuyển soạn như mở ra bức màn sân khấu. Nhưng khi Al Jackson Jr. bắt đầu gõ trống như máy đếm nhịp, tất cả trở nên hồi hộp như ca từ: "Ta biết nàng đang chờ đợi, chỉ là mong mỏi/ Những thứ nàng sẽ không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ sở hữu/ Nhưng khi nàng chờ đợi vô vọng/ Hãy thử dịu dàng một chút".
Bản thu mang tới sự kịch tính không chỉ nhờ giọng trầm khàn và những tô điểm trữ tình của Redding - hãy ôm nàng, siết chặt nàng, đừng bao giờ rời xa nàng! - mà còn nhờ sức mạnh tổng hợp của cả ban nhạc. Như Jonathan Gould viết trong cuốn tự truyện Otis Redding: An Unfinished Life, "ca khúc như mô hình âm nhạc thu nhỏ của âm thanh Stax, một sự tổng hợp liền mạch của những bản ballad van nài và những khúc nhạc dồn dập mà các nghệ sĩ Stax chơi hay hơn bất cứ ai".
Dần dần, giống như một nhóm bạn hùa vào kêu gọi lòng tốt, phần nhịp điệu lấp đầy khoảng trống giữa nhịp trống và giọng Redding: Đây là tiếng organ nhà thờ, kết hợp với một cây dương cầm acoustic, nhanh chóng nhận hưởng ứng từ tiếng guitar chói tai, kèn inh ỏi và trống dồn dập. Tại thời điểm này, Redding điều chỉnh lời ca khúc để phù hợp với ngữ điệu không lời của ban nhạc: Hãy thử- ma nah nah - thử - thử một chút dịu dàng!
Ca khúc thậm chí còn dữ dội hơn khi diễn trực tiếp. Thường là nhạc phẩm kết thúc các buổi diễn của Redding, Try A Little Tenderness trở thành hit đặc trưng của anh và để lại ấn tượng rực lửa sau cùng. Như một nghi thức, các nhạc công thường tăng tốc độ mạnh mẽ khi Redding đi vào trong cánh gà cho tới khi anh phải trở lại - hết lần này tới lần khác - la hét, nhảy nhót và lảo đảo quanh sân khấu như một nhà thuyết giáo xuất hồn khi cắt ngang ca từ: ga-ga-ga-ga-ga-ga-gotta-tenderness! Một thủ thuật nhà thờ khiến đám đông mê đắm và Redding, trong niềm say sưa tự thân, thường "kết thúc" ca khúc chỉ để bùng cháy một lần nữa.
3. Ngắn gọn thì, Try A Litte Tenderness là một thành công rực rỡ. Tuy nhiên, vẫn có gì đó kỳ lạ về nó - một lời kêu gọi dịu dàng nhưng rõ ràng là không dịu dàng. Hát (sau đó la hét) về phụ nữ nhưng lại không phải cho họ nghe. Ngược lại, nó như một cuộc gây hấn giữa con người với nhau mà Redding muốn giải quyết. Trong bối cảnh dân quyền mà Redding tích cực tham gia vào thời điểm đó, nó giống như lời kêu gọi tình yêu giữa con người và sự đối xử đúng mực với người da đen.
Người Mỹ gốc Phi chính là người con gái chờ đợi sự thay đổi mà Redding và ban nhạc của anh đang kêu gọi. Nếu tưởng tượng Redding hát thay mặt cho những công dân da đen bị trấn áp tàn bạo thì những biểu hiện của anh trên sân khấu quả thật là vẫn đang "thử một chút dịu dàng".
Điều này không có nghĩa là bản thân Redding dự định hát Try A Little Tenderness như một dụ ngôn chính trị. Nhưng những màn trình diễn ca khúc của anh, vào giữa những năm 1960, đã phần nào giải phóng sự kích động ở đàn ông da đen. Vào thời điểm mà ngay cả những nỗ lực ôn hòa nhất cho bình đẳng chủng tộc cũng có thể coi là những cuộc tấn công vào tập thể người da trắng miền Nam nước Mỹ - ngồi ở quầy ăn trưa hay học chung trường với người da trắng đều bị coi là hành động khiêu khích bạo lực- việc thể hiện thái độ gây hấn có thể dẫn tới cái chết cho người da đen. Điều này có thể giải thích phần nào sức mạnh phi thường trong các buổi biểu diễn của Redding đối với người hâm mộ gốc Phi của anh, cũng như đối với cơ sở người hâm mộ da trắng ngày một mở rộng - những người có thể cảm thấy sức mạnh và cơn thịnh nộ của những công dân da đen đang phải kiềm chế.
Việc kết thúc để trở lại cũng có thể là lời nhắc nhở về sự kiên cường, rằng họ sẽ, hết lần này tới lần khác, sẽ tiếp tục cùng nhau tiến lên vì sự thay đổi mà đôi khi có vẻ như sẽ không bao giờ đến. Khi nhóm chơi ca khúc để kết thúc buổi biểu diễn huyền thoại ở liên hoan pop Monterey vào tháng 6/1967, Redding rõ ràng muốn chơi tiếp nhưng vì thời lượng giới hạn, anh đành vẫy tay tiếc nuối: "Tôi phải đi. Tôi không muốn đi".
Lời chào than thở đó càng trở nên ám ảnh khi thần chết tìm tới vào 6 tháng sau. Ngay cả một biểu tượng được nâng lên tầm thần thánh cũng không thể đẩy xa như anh muốn. Nhưng, như nhiều người khác, anh đã thử.
Phiên bản đình đám nhất của "Try A Little Tenderness"
Try A Little Tenderness do Jimmy Campbell, Reg Connelly và Harry M. Woods sáng tác. Ca khúc lần đầu được thu âm vào năm 1932 bởi dàn nhạc Ray Noble Orchestra với phần giọng thuộc về Val Rosing. Sau đó là hàng loạt phiên bản từ những tên tuổi lớn như Bing Crosby, Frank Sinatra và Aretha Franklin.
Tuy nhiên, phiên bản của Otis Redding vẫn là đình đám nhất, lọt nhiều danh sách "ca khúc hay nhất mọi thời đại" cũng như được vinh danh ở Đại sảnh danh vọng Rock and Roll. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại, bản của Redding được Rolling Stone xếp thứ 136. Ca khúc cũng được nhiều hậu bối - đình đám có thể kể tới Jay-Z và Kanye West -trích làm mẫu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất