Trưởng đoàn đội tuyển Việt Nam và những góc khuất

24/11/2012 10:41 GMT+7 | Đội tuyển Việt Nam

(Thethaovanhoa.vn)  - Góp mặt trong thành phần BHL ĐT Việt Nam ở 3 kỳ AFF Cup gần đây nhất, tính cả AFF Cup 2012, nhưng năm nay là lần đầu tiên ông Ngô Lê Bằng tham gia AFF Cup với vị trí “cao cao tại thượng” như thế, đấy là trưởng đoàn ĐT Việt Nam và đồng thời cũng là TTK VFF.

TTK VFF, Trưởng đoàn Ngô Lê Bằng luôn sát sao với các tuyển thủ từ buổi tập, bữa ăn đến giấc ngủ.
Ảnh: N.H

2 kỳ giải trước đây, ông Ngô Lê Bằng dự AFF Cup 2007 và 2008 với tư cách là trợ lý ngôn ngữ của HLV Alfred Riedl và HLV Henrique Calisto. Tới AFF Cup 2010 thì ông Bằng trở thành trợ lý ngôn ngữ cho HLV trưởng ĐT futsal Việt Nam Sergio Gargelli, nên vị trí trợ lý ngôn ngữ của ĐT Việt Nam khi ấy được giao lại cho nhân viên phòng ĐTQG VFF Phạm Trường Minh.

Có một chi tiết khá thú vị là rất nhiều quan chức bóng đá của Việt Nam hiện tại hoặc trước đây đều đã từng làm trợ lý ngôn ngữ cho HLV trưởng người nước ngoài của ĐT Việt Nam, chẳng hạn như ông Dương Vũ Lâm, cựu trợ lý của HLV Karl Heinz Weigang và hiện là trưởng ban Trọng tài VFF. Hay ông Vũ Tiến Thành từng giữ chức GĐĐH CLB Ngân hàng Đông Á sau khi chia tay cương vị trợ lý ngôn ngữ dưới thời HLV Riedl.

Tương tự như thế là TTK LĐBĐ Hà Nội và đồng thời là cựu TTK VFF Phan Anh Tú, người từng có thời gian ngắn làm phiên dịch cho HLV Riedl vào cuối những năm 90, và bây giờ là ông Ngô Lê Bằng, trợ lý ngôn ngữ của 3 HLV ngoại quốc khác nhau. Sở trường của ông Bằng là tiếng Nga, nhưng người ta lại biết tới ông Bằng nhiều hơn ở vị trí trợ lý ngôn ngữ tiếng Anh, và nếu được tận mắt chứng kiến sự tiến bộ kinh ngạc của ông Bằng khi chuyển từ phiên dịch tiếng Nga qua phiên dịch tiếng Anh thì mới thấy ngưỡng mộ vô cùng nghị lực và ý chí của ông Bằng khi bắt đầu học tiếng Anh ở độ tuổi ngoại tứ tuần.

Giống như trưởng đoàn ĐT Việt Nam Trần Quốc Tuấn trước đây, ở AFF Cup 2012 ông Bằng cũng mặc đồng phục luyện tập của ĐT Việt Nam trong mỗi lần xuất hiện trên sân tập cùng thầy trò HLV Phan Thanh Hùng. Tuy nhiên, ông Bằng không đứng trên sân như một quan chức, hay chính xác hơn là người chịu trách nhiệm cao nhất của ĐT Việt Nam, mà ông Bằng lại tự chọn cho mình những công việc và vị trí rất khiêm nhường và thầm lặng.

Có ai nghĩ TTK VFF kiêm trưởng đoàn ĐT Việt Nam lại đứng đằng sau cầu môn khi ĐT Việt Nam đấu tập để sẵn sàng nhặt bóng khi cần, và lúc buổi tập kết thúc, trong lúc các cầu thủ đang căng cơ dưới sự chỉ dẫn của trợ lý thể lực Dylan Kerr thì ông Bằng lại cùng các trợ lý khác thu dọn marker cũng như vỏ chai nước mà các cầu thủ rải khắp quanh sân để bỏ gọn vào thùng.

Từng là người theo sát từng bài tập từng nội dung huấn luyện của HLV Calisto, và lại là cựu cầu thủ thứ thiệt, nên ông Bằng gần như đã thuộc nằm lòng những bài huấn luyện mà HLV Phan Thanh Hùng đã học theo HLV Calisto để áp dụng cho ĐT Việt Nam. Vì thế, ông Bằng tỏ ra rất tâm đắc với những gì mà HLV Phan Thanh Hùng chỉ dạy cho các học trò, và khi chứng kiến các tuyển thủ tập luyện từ rìa sân, có lúc ông Bằng nhập tâm và chăm chú tới mức như thể ông còn là một thành viên của BHL ĐT Việt Nam như ngày xưa.

Cách đây khá lâu, trong một lần trò chuyện cùng TT&VH, cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng có kể lại một giai thoại rằng khi còn thi đấu vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông Bằng và ông Hùng là đồng đội của nhau. Có lần, do nghi ngờ một cầu thủ kỳ cựu trong đội bóng đã cố tình thi đấu không đúng phong độ khiến đội nhà thất bại, ông Bằng đã rủ ông Hùng tìm lên phòng cầu thủ bị nghi ngờ kia ở tầng 4 rồi ôm cầu thủ này… nhảy xuống sân khách sạn cho bõ ghét vì cái tội thi đấu không trung thực.

Rất may là ý định ấy của ông Bằng đã không trở thành hiện thực, nếu không sau này bóng đá Việt Nam đã không có một vị trợ lý ngôn ngữ rồi một TTK VFF. Chỉ cần nghe qua giai thoại từ thời trẻ của ông Ngô Lê Bằng là có thể hiểu được vì sao ông Bằng đã có sự tiến bộ nhanh chóng đến khó tin như thế, khi chỉ mất vài năm để từ trình độ tiếng Anh vỡ lòng bỗng trở thành phiên dịch của 3 HLV châu Âu có quốc tịch khác nhau. Có vẻ như ẩn chứa dưới vẻ ngoài hiền lành của ông Bằng là một cá tính mạnh mẽ, và khi cần tập trung cao độ cho việc gì thì ông có thể cũng quyết liệt chẳng kém gì ai.

Nó cũng tựa như chuyện HLV Phan Thanh Hùng tuy bị “chê” là hơi hiền, không quản lý ĐT Việt Nam bằng kỷ luật sát sao (trên sân tập) như thời HLV Calisto, nhưng có một sự thực không thể phủ nhận là ĐT Việt Nam hiện tại là tập thể trong sạch và lành mạnh nhất trong nhiều năm qua, khi tuyệt đại đa số các trụ cột đều là những người không có tì vết về đạo đức hay cuộc sống phức tạp bên ngoài sân cỏ.

Cơ hội thành công của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2012 đang được đặt dưới sự lãnh đạo của những người tuy không nổi tiếng vì kỷ luật thép, nhưng khi cần cũng có thể cứng rắn chẳng kém ai như ông Bằng, ông Hùng. Đấy là cơ sở để chúng ta hy vọng ở kỳ giải năm nay, cho dù kết quả cuối cùng của ĐT Việt Nam là như thế nào thì các học trò của HLV Phan Thanh Hùng cũng sẽ không khiến người hâm mộ phải hụt hẫng hay thất vọng.

Nhật Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm