Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ": Suy cho cùng, "thơ cần có ích"

14/02/2025 16:24 GMT+7 | Văn hoá

Quãng 60 năm trước, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: "Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi". Chỉ với 2 câu thơ ngắn gọn, thi sĩ Tiếng hát con tàu đã trình hiện một tầm suy nghĩ lớn ở mức bao quát, ôm trùm trách nhiệm của thơ ca và người làm thơ.

Những câu thơ một thời của Chế Lan Viên như vẫn còn nguyên giá trị giữa dòng chảy thơ đương đại, khi vị thế thi ca lúc thăng lúc trầm. Điều này càng được khẳng định khi những sự "nghĩ về thơ" của Chế Lan Viên nhiều lần được nhắc nhớ tại tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ diễn ra sáng 12/2 ở Ninh Bình trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23 năm 2025.

"diện" nhưng không có "đỉnh"

Nhìn về diện mạo thơ hôm nay, nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng, thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh.

"Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ đèm đẹp, vô thưởng, vô phạt hơi nhiều. Những bài thơ không sạch nước cản, lại đẻ non, rất sẵn. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm rất hiếm. Những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. Những bài thơ có giá trị về mặt tư tưởng thì chẳng khác gì "sao buổi sớm", "lá mùa thu"..." - ông Giang tâm tư - "Có vẻ như nguyên khí không còn mấy. Xu hướng "mủi lòng", "rên rỉ", "làm trò làm vè", "bế tắc"... ngày càng có xu hướng gia tăng".

Trong khi đó, nhìn về những người làm thơ không thiếu những nhà thơ "làm trò làm vè", biến thơ thành "trò chơi hình thức".

Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ": Suy cho cùng, "thơ cần có ích" - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”

Tiếp tục soi chiếu với những tư tưởng lớn về thơ, nhà thơ Đặng Huy Giang nêu một thực tế khác: "Xa xưa, thi hào Cao Bá Quát bảo: "Người đẹp không ở áo/ Thơ hay thường ít lời". Vậy mà thơ ta ngày nay, có người vẫn nhiều lời. Nhiều lời mà ít ý, đã là dở. Nhiều lời không có ý gì, lại càng dở hơn. Có người vẫn viết theo kiểu nói lấy được. Thơ như thế rất xa lạ với công chúng. Cho nên, đừng vội trách người đọc, mà hãy trách người viết trước đã".

Trong khi đó, ở góc nhìn của một người trẻ, nhà thơ Nguyên Như nhận thấy, hiện nay, sách thơ in rất nhiều, đa phần trong số sách ấy thiếu cuốn dẫn, "không đậm vị" và chưa tác động đáng kể đến đời sống, con người…

"Biết rằng hầu hết các tác giả đều tự túc tài chính để làm ra một cuốn sách! Nhưng, qua hình thức và nội dung, tôi cảm nhận được sự phung phí, thờ ơ và vô tâm đối với đứa con của chính mình" - anh bày tỏ - "Nếu đứng ở phương diện một công dân, tôi mong muốn được cầm một cuốn sách đẹp từ bên ngoài; được đọc những bài thơ có thể kiểm soát cái đẹp của ngôn ngữ, lạ về tứ, mới về cấu trúc và phải thấu cảm được chiều sâu tâm thức của cá nhân, của nhiều người, của thực tại".

Nhà thơ trẻ này cũng đặt vấn đề: "Tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí độc giả nước nhà cũng chưa mấy mặn mà và quan tâm?".

"Tôi khảo sát qua nhiều bạn đọc ngẫu nhiên, có những người không quan tâm gì về thơ. Bởi thơ không giải tỏa, bồi đắp được tinh thần, tâm trạng của họ; có trường hợp cảm thấy thơ bây giờ trừu tượng và rời xa với đời sống con người quá; cũng có trường hợp quan tâm và cảm nhận được thơ nhưng vì mưu sinh mà không còn thời gian để đọc…" - Nguyên Như cho hay - "Vậy nguyên do từ đâu? Do đa phần các sản phẩm thơ chưa hấp dẫn, chưa thời đại, chưa sát đời sống, chưa đủ cao cấp… để thuyết phục người đọc".

Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ": Suy cho cùng, "thơ cần có ích" - Ảnh 2.

Nhà thơ trẻ Nguyên Như phát biểu

"Thơ hay" như một chỉ dấu

Dễ thấy thực trạng thơ đương đại đang tồn tại nhiều vấn đề ở cả phía chất lượng tác phẩm, lẫn người viết và người đọc. Trước thực tế này, việc đề cập đến trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ như một chỉ dấu cần thiết để thơ ca trở về giá trị đích thực và vị trí vốn có của nó.

Theo nhiều nhà thơ tại tọa đàm Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ, "thơ hay" chính là phương tiện cốt lõi để nhà thơ khẳng định trách nhiệm và khát vọng của mình.

Như lời nhà thơ Hà Phạm Phú: "Thơ là một mô hình thu nhỏ của xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm. Trách nhiệm của nhà thơ là đi tiên phong và dự báo nó. Muốn vậy thì tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải hay!".

Theo ông Phú, thơ hay trong thời đại hiện nay phụ thuộc vào góc nhìn, cách thức quan tâm đến cuộc sống; đặc biệt từ cá tính mạnh, với trí tưởng tượng và tính sáng tạo xuất sắc của nhà thơ. Để rồi, thơ hay có thể khám phá, thấu hiểu và soi sáng cuộc sống một cách sâu sắc. Nhưng nó cũng có thể bộc lộ, lên án, phản kháng, trừng phạt và từ bỏ một lối sống, khơi dậy ý chí sống của con người. Và, nó còn có thể dẫn con người đến một giao diện khác của cuộc sống, trong việc tích lũy kinh nghiệm, đánh thức ký ức cá nhân và mở rộng những cảm xúc nhất thời, truyền tải vô thức tập thể.

"Một bài thơ hay phải có đời sống tinh thần xung động, trải nghiệm thực tế hoặc ký ức lịch sử đằng sau lời nói của nó" - ông Phú khẳng định - "Những bài thơ đầy cảm xúc, có thể nhìn thấy ánh sáng và bóng tối của bản chất con người chắc chắn sẽ chạm đến trái tim người đọc và khiến họ khó quên".

Còn nhà thơ Đặng Huy Giang cho rằng, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Đó là cái đích muôn đời mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới.

Ngẫm lại mấy câu thơ của Chế Lan Viên: "Thơ dở không dịch được/ Thơ hay như người đẹp, ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng/ Đừng làm những bài thơ "lớn", suông mà không ai thèm đọc/ Vì không lo cho việc nhỏ của đời/ Những tiếng gió quá dài nên nhân loại bỏ ngoài tai!" cũng bao hàm cái đích này.

Trách nhiệm hàm chứa khát vọng

Về trách nhiệm của nhà thơ hôm nay, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) nhấn mạnh, trách nhiệm của người nghệ sĩ không chỉ nằm ở việc đưa ra những sản phẩm nghệ thuật có chất lượng, chỉn chu nhất trong khả năng của mình mà còn ở việc chịu trách nhiệm với những vấn đề mà họ đặt ra, truyền tải và chia sẻ với công chúng.

Tọa đàm "Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ": Suy cho cùng, "thơ cần có ích" - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu

Cụ thể, khi một nghệ sĩ sáng tác và công bố tác phẩm, đó cũng là lúc họ công khai bày tỏ nhận thức, quan điểm, thái độ của mình đối với thế giới xung quanh. Một tác phẩm nghệ thuật, khi đạt được những giá trị nhất định, có thể lan tỏa mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến xã hội. Vì vậy, trách nhiệm của người nghệ sĩ không chỉ dừng lại ở chất lượng mà còn là ý thức về ảnh hưởng của tác phẩm mang lại.

Từ trách nhiệm của nhà thơ trong mối liên hệ với giá trị của thi ca, nhà văn này cho rằng, ngay từ khi ra đời, thơ đã chiếm trọn thiện cảm và sự trân quý của con người. Bởi, đó là chốn để con người tìm đến buông mình, để chữa trị những vết thương tinh thần, để thư giãn sau những mệt mỏi thường ngày.

"Người ta tìm đến thơ cũng để soi rọi chính mình - để biết tâm hồn còn tươi thắm hay đã héo úa, để xem cái bản nguyên của mình còn vẹn nguyên vuông tròn hay đã méo mó, xuệch xoạc trước miếng cơm manh áo của thời cuộc" - ông Phương phân tích - "Con người tìm đến thơ cũng là để tìm kiếm nghị lực và niềm lạc quan, niềm tin sau những đổ vỡ, những thất bát, những trắng tay đầy cay đắng. Và như thế, chúng ta thấy thơ có giá trị với đời sống, con người".

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương còn nhấn mạnh: "Con người không có cánh nhưng chúng ta có thơ ca". Thơ ca chính là đôi cánh đưa con người đến những chốn xa nhất, cao nhất, sâu nhất - những nơi mà khoa học kỹ thuật, dù hiện đại đến đâu cũng không thể vươn tới. Để rồi, dẫu có đi đến đâu thì mục đích cuối cùng của thơ vẫn là để con người đọc lại chính mình với những bài học nhân sinh cao cả. Vì lẽ đó, nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng, tựu trung là để phục vụ con người và chỉ vì con người.

"Nghệ thuật thơ ca xuất phát từ con người, tồn tại vì con người, và nếu nó kết thúc cũng sẽ bởi con người. Theo chủ quan của tôi, thơ chỉ kết thúc khi nó làm tròn trách nhiệm, cũng là khát vọng tột cùng của nó - giải phóng con người khỏi bóng tối của chính mình" - ông Phương bày tỏ - "Nếu nhận thức như thế, chúng ta sẽ thấy trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ không phải là 2 vấn đề quá xa nhau. Một bên là bắt buộc, một bên là tự nguyện, nhưng trong trách nhiệm đã hàm chứa những khát vọng, và trong khát vọng luôn gắn chặt với những trách nhiệm của người nghệ sĩ".

"Con người không có cánh nhưng chúng ta có thơ ca" - nhà thơ Nguyễn Bình Phương.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm