Máy bay do thám Mỹ bị Iran “bắt sống”

10/12/2011 08:08 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Iran vừa gây sốc khi lần đầu công bố hình ảnh cụ thể về chiếc máy bay không người lái (UAV) của Mỹ đã rơi vào tay nước này. Chưa rõ quốc gia Hồi giáo đã bắn hạ chiếc máy bay hay dùng trình độ công nghệ cao để hack lấy quyền điều khiển nó như họ tuyên bố, chỉ thấy một điều rõ ràng rằng việc mất quyền kiểm soát chiếc UAV đời mới này thực sự là một cơn ác mộng với ngành an ninh và tình báo Mỹ.

Trong đoạn video được phát trên truyền hình quốc gia Iran có cảnh hai người đàn ông mặc quân phục đang chỉ chỏ vào chiếc máy bay do thám có bộ cánh như của một con dơi. Qua hình dáng, không khó để nhận ra nó là loại UAV RQ-170 Sentinel đời mới của Mỹ, đứa con của "gã khổng lồ" về trang thiết bị quốc phòng Lockheed Martin.



Chiếc UAV RQ-170 Sentinel hiện đại của Mỹ trông khá nguyên vẹn trong lễ công bố thông tin của Iran

Bị bắn hay sự cố kỹ thuật?

Hiện chưa rõ vì sao Iran có được chiếc máy bay này. Lãnh đạo binh chủng không quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, tướng Ami Ali Hajizadeh, tuyên bố hôm 8/12 rằng quân đội Iran đã dùng bẫy điện tử để bắt chiếc máy bay này, rằng các hacker của họ đã nắm quyền điều khiển nó. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã bác bỏ kịch bản trên. Họ khẳng định sự cố khiến chiếc máy bay bị hư hỏng và rơi xuống Iran.

Jason Campbell, một chuyên gia quân sự thuộc tập đoàn RAND Corporation nói rằng RQ-170 là mẫu máy bay hiện đại, trong trường hợp gặp sự cố nó được lập trình để tự động trở lại căn cứ. Nhưng có vẻ như hệ thống máy móc của chiếc UAV đã không làm việc như được thiết kế.

"Chúng tôi hiện vẫn chưa rõ ở thời điểm này liệu có cơ chế tự hủy nào được kích hoạt hay không, bởi thường sẽ có các hệ thống như thế. Nhưng nếu xét tới việc các UAV, đặc biệt là loại hiện đại như chiếc này, thường sẽ tự động trở về căn cứ trong trường hợp bị gián đoạn tín hiệu vệ tinh, có vẻ như yếu tố tự hủy đã không được tính đến" - Campbell đánh giá.

Ngoài ra, ít nhất một chuyên gia quân sự nói rằng Iran có thể đang cố đánh lừa dư luận về việc thu được chiếc UAV. John Pike, một nhà phân tích của trang web GlobalSecurity.org nói rằng chiếc UAV xuất hiện trên truyền hình Iran giống như mô hình dùng cho các cuộc diễu hành hơn là một rô bốt gián điệp công nghệ cao và nghi ngờ khả năng quốc gia Hồi giáo thật sự có được xác chiếc máy bay.

Chuyên gia do thám số 1

Giới chức Mỹ hiện đã thừa nhận việc họ bị mất một chiếc UAV RQ-170 Sentinel.

Theo giới phân tích, đây không chỉ là thắng lợi lớn về mặt tuyên truyền cho quốc gia Hồi giáo lâu nay vẫn thể hiện thái độ thù địch với Mỹ, mà còn đem lại cho họ nhiều cơ hội. Cần biết rằng chiếc UAV còn là sản phẩm hội tụ tinh hoa công nghệ bí mật của quân đội Mỹ và theo tờ Wall Street Journal, các thông tin này nhạy cảm tới mức những quan chức Mỹ được giao nhiệm vụ đột nhập vào Iran để lấy lại hoặc phá hủy nó chỉ được thông báo chi tiết vắn tắt về mục tiêu của họ. Tuy nhiên nhiệm vụ sau đó đã bị hủy vì rủi ro quá lớn.

Sự việc cũng cho thấy Mỹ đang dùng tới nhiều thiết bị do thám công nghệ cao, hiện đại để thu thập tin tức tình báo liên quan tới Iran và nhất là chương trình hạt nhân của nước này. Trong nhiều năm, Mỹ đã dùng vệ tinh cho công việc trên. Nhưng Campbell đánh giá RQ-170 chứa đựng những khả năng đặc biệt, có thể đưa hoạt động thu thập tin tức tình báo mật lên một tầm cao mới.

"Điều khiến chiếc UAV đặc biệt này trở nên hữu dụng, trên quan điểm tình báo, là nó có thể bay ở độ cao cực lớn, có thể lên tới gần 20km. Nó có khả năng giám sát liên tục mục tiêu suốt nhiều giờ, khi vệ tinh chỉ theo dõi được tối đa vài phút, và những hình ảnh nó mang lại có độ chi tiết ở đẳng cấp khác mà vệ tinh không có được. Ngoài ra máy bay còn trang bị nhiều cảm biến, có khả năng chặn các liên lạc điện tử, lấy mẫu không khí để kiểm tra vũ khí hóa học hoặc các yếu tố bất thường trong không khí. Ở trường hợp của Iran, nó có thể phát hiện liệu nước này đang điều hành chương trình vũ khí hạt nhân mật hay không" - Campbell nói - "Ngoài ra chiếc máy bay còn có khả năng ghi lại hình ảnh động dưới mặt đất, chứ không chỉ chụp ảnh độ phân giải cao. Qua đó, người ta có thể thấy rõ những cá nhân đi lại dưới đất và các chuyển động khác theo thời gian thực, điều vệ tinh không thể làm được".

Nguy cơ bị sao chép công nghệ

Sự ưu việt của phương tiện do thám này làm dấy lên các lo ngại rằng những đồng minh thân cận của Iran là Nga và Trung Quốc sẽ tới tìm hiểu và sao chép công nghệ Mỹ. Theo các chuyên gia, công nghệ giá trị nhất của chiếc UAV này là khả năng phát hiện và thu thập hàng loạt thông tin giá trị khi nó bay trong điều kiện tàng hình trên bầu trời kẻ thù. Hệ thống rađa của nó cũng được đánh giá là mạnh hơn nhiều so với các hệ thống mà Trung Quốc hoặc Nga đã chế tạo.

Song không ít nhà quan sát từ Mỹ đã bác bỏ khả năng bị sao chép công nghệ. Dennis M. Gormley, một chuyên gia tên lửa và UAV tại Đại học Pittsburgh nói rằng ngay cả với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại, việc sao chép ngược công nghệ của một chiếc máy bay, chưa nói tới UAV, là rất khó khăn. "Trừ phi ai đó mang tới cho họ bản vẽ kỹ thuật về chiếc UAV, nếu không chuyện sẽ không hề dễ dàng. Trong bất kỳ thiết bị hàng không phức tạp nào, muốn có sản phẩm sử dụng được, bạn phải sao chép chúng vô cùng chuẩn xác" - ông nói.

Bản thân giới chức lãnh đạo quân đội Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng rằng khả năng công nghệ từ xác chiếc UAV bị đánh cắp và sử dụng là rất nhỏ. Họ cũng tuyên bố không ai có thể lấy lại được các dữ liệu mà chiếc UAV đã thu thập được trước khi bị rơi. Tuy nhiên, những người như Campbell không tin tưởng hẳn vào các tuyên bố như thế. "Thật không may, chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu chuyện đầy đủ của vụ này" - ông nói.

Tường Linh (Tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm