Vì sao đồng tiền số Bitcoin rớt giá thảm hại?

24/06/2021 19:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Giá trị của đồng tiền số Bitcoin đã chứng kiến sự rớt giá thảm hại, xuống dưới mốc 30.000 USD, gây ra mối lo ngại về thời kỳ đóng băng cho các đồng tiền số khác. Tuy đồng Bitcoin sau đó đã phục hồi về mức 34.000 USD/BTC, nhưng so với mức đỉnh gần 65.000 USD/BTC thiết lập hồi tháng 4/2021 thì Bitcoin hiện đã mất khoảng 50% giá trị.

Giá Bitcoin dưới ngưỡng 40.000 USD lần đầu tiên trong hơn 3 tháng qua

Giá Bitcoin dưới ngưỡng 40.000 USD lần đầu tiên trong hơn 3 tháng qua

Ngày 19/5, đồng Bitcoin đã rớt giá xuống dưới ngưỡng 40.000 USD lần đầu tiên trong hơn 3 tháng trở lại đây, sau khi Trung Quốc tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch đồng thời cảnh báo giới đầu tư về hoạt động đầu cơ loại tiền này.

Tăng-giảm khó lường

Những tháng đầu của năm 2021, giá đồng tiền số Bitcoin đã ghi nhận sự tăng giá kỷ lục, lên đến hơn 80%. Theo đó giá của đồng tiền này đã cao hơn 10 lần so với mức thấp nhất của năm 2020 là dưới 5.000 USD (vào tháng 3/2020). Sau đó, đồng tiền số Bitcoin liên tục lập đỉnh, 45.000 USD/BTC (ngày 9/2), rồi 50.000 USD/BTC (ngày 16/2). Đến ngày 13/4, giá trị của đồng tiền điện tử Bitcoin đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 62.000 USD, tăng 114% so với thời điểm đầu năm, nối tiếp đà tăng giá kỷ lục từ đầu năm 2021.

Chú thích ảnh
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Lý giải nguyên nhân về những kỷ lục về giá trị của đồng Bitcoin liên tục được xác lập từ đầu năm 2021, các chuyên gia cho rằng đó là kể từ thời sau khi tỷ phú Elon Musk - Giám đốc điều hành (CEO) của hãng chế tạo xe điện Tesla - vào ngày 8/2/2021 thông báo rằng công ty của ông đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất thế giới này để đa dạng hóa và tối đa hóa lợi nhuận từ tiền mặt; bên cạnh đó, việc Tesla có kế hoạch chấp nhận Bitcoin như một hình thức thanh toán đối với bất kỳ khách hàng nào mua ô tô của hãng trong tương lai - trở thành nhà sản xuất ô tô lớn đầu tiên trên thế giới chấp nhận tiền điện tử - là những lý do khiến giá trị của Bitcoin tăng vọt.

Tuy nhiên vào ngày 12/5/2021, tỷ phú Elon Musk lại tuyên bố hãng xe điện Tesla của ông ngừng sử dụng đồng Bitcoin trong các giao dịch mua bán xe của hãng do lo ngại các vấn đề về môi trường. Động thái đảo chiều quan điểm của Elon Musk và Tesla, sau khi đối mặt với nhiều chỉ trích từ các nhà hoạt động môi trường và giới đầu tư, đã ngay lập tức khiến đồng Bitcoin mất giá hơn 7% và giao dịch ở mức 52,669 USD vào ngày 12/5.

Dù sau đó, công ty Tesla đã để ngỏ khả năng lại chấp nhận giao dịch bằng Bitcoin, song giá trị đồng Bitcoin và nhiều loại tiền điện tử khác đều có dấu hiệu lao dốc.

Đặc biệt, từ ngày 19/5, đồng Bitcoin đã ghi nhận sự rớt giá xuống dưới ngưỡng 40.000 USD sau động thái của Trung Quốc tuyên bố cấm sử dụng tiền kỹ thuật số trong các giao dịch đồng thời cảnh báo giới đầu tư về hoạt động đầu cơ loại tiền này. Động thái này đã khiến Bitcoin giảm giá hơn 10%, đánh dấu đợt biến động mạnh liên tiếp kể từ sau các động thái mới của tỷ phú Mỹ Elon Musk và công ty sản xuất ô tô điện Tesla của ông.  

Trong thông báo ngày 18/5, Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc, Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc và Hiệp hội Thanh toán và Thanh toán bù trừ Trung Quốc cho biết các thể chế tài chính ở nước này, bao gồm ngân hàng và các kênh thanh toán trực tuyến, không được cung cấp cho khách hàng bất kỳ dịch vụ nào liên quan đến tiền kỹ thuật số, như đăng ký, giao dịch và thanh toán.

Các thể chế tài chính cũng không được cung cấp dịch vụ tiết kiệm, ủy thác hay cầm cố tiền kỹ thuật số, cũng như phát hành các sản phẩm tài chính liên quan đến tiền số. Thông báo cũng nêu rõ giá các đồng tiền kỹ thuật số dao động mạnh và hoạt động giao dịch đầu cơ tiền số đã quay trở lại, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn tài sản của người dân và làm xáo trộn trật tự tài chính-kinh tế thông thường.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

Việc các nhà đầu tư ngày càng lo ngại về sự biến động của các đồng tiền kỹ thuật số cùng với việc Trung Quốc đang siết chặt hoạt động “đào” Bitcoin đã khiến giá trị đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới ngày 22/6 rơi xuống 28.900 USD, giảm giá 9%, mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. 

Nhiều quan ngại về đồng Bitcoin

Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số ra đời từ cách đây hơn 1 thập kỷ, vào ngày 31/10/2008, với mục đích nhằm thay thế cho hệ thống ngân hàng truyền thống. Ra đời trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, Bitcoin được cho là sự lựa chọn mới so với hệ thống tài chính truyền thống, vốn bị nghi ngờ sau sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers tại Mỹ.

Khi ra đời, Bitcoin hướng tới một loại tiền tệ phổ biến toàn cầu, không chịu sự quản lý của bất kỳ ngân hàng trung ương nào và bất kỳ ai cũng có có thể tiếp cận, sở hữu. Chỉ vài tháng sau sự đời của Bitcoin, đã có 50 loại tiền kỹ thuật số được tạo ra và cho đến nay con số này lên tới 2.000 đồng tiền kỹ thuật số. Điểm chung của những đồng tiền này là hoạt động dựa trên nền tảng Blockchain (chuỗi khối) và được tạo ra nhờ quá trình “đào” tiền.

Vào năm 2009, khi New Liberty Standard lần đầu tiên công bố giá trị quy đổi của Bitcoin ở mức 1 USD đổi được 1,3 Bitcoin, thì chỉ  4 năm sau, giá trị đồng tiền này đã vượt mốc 1.000 USD. Năm 2017 là năm đã chứng kiến tốc độ tăng "phi mã" chóng mặt của đồng tiền này khi có thời điểm được giao dịch ở mức trên 20.000 USD/BTC.

Tuy nhiên trong hơn 10 năm qua, đồng tiền số Bitcoin này cũng đã gây ra nhiều tranh cãi và tác động không nhỏ đến hệ thống tài chính toàn cầu. Mặc dù không thể phủ nhận tiền điện tử là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của tiền tệ, khi thế giới đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế Bitcoin cũng gây ra những biến động khó lường kể từ khi nó ra đời cho đến nay.

Có thể kể đến như cuộc khủng hoảng đồng Bitcoin năm 2014 khi Mt.Gox, một trong những sàn giao dịch đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới, quy tụ 80% giao dịch đồng tiền ảo trên thế giới, bị tin tặc đánh sập và làm biến mất một lượng tiền điện tử có giá trị lên tới 477 triệu USD. 

Cũng có thời điểm như hồi cuối năm 2018, giá đồng Bitcoin “lao dốc” kỷ lục, giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm 2017, chạm mốc thấp khoảng 3.800 USD/BTC. Điều này đã vẽ nên một bức tranh tương phản hoàn toàn so với tình hình thị trường tiền kỹ thuật số cùng kỳ năm 2017.
Chính bởi vậy, các chuyên gia cho rằng nếu không có hình thức quản lý hợp lý và hiệu quả thì đồng tiền kỹ thuật số có thể sẽ gây ra những hệ lụy khác ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội, gây bất ổn kinh tế vĩ mô.

Một số nhà phân tích và nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về đồng tiền kỹ thuật số có tính biến động cao này, đồng thời cho rằng Bitcoin còn lâu nữa mới trở thành hình thức thanh toán được sử dụng rộng rãi. Chuyên gia Harley Bassman thuộc Simplify Asset Management cho rằng đồng tiền kỹ thuật số này hiện không phải là một phương thức hiệu quả để thực hiện những giao dịch khối lượng lớn, và chắc chắn cũng không phải là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư vì khả năng biến động giá của nó.

Hồi tháng 2/2021, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng đã từng tuyên bố rằng Bitcoin không phải là một đồng tiền, mà nó là một tài sản có tính đầu cơ cao và yêu cầu phải có quy định quản lý trên toàn cầu.

Trước sự biến động giá trị khá mạnh của đồng Bitcoin đang diễn ra trong những ngày qua, một số nhà đầu tư đã tỏ rõ sự quan ngại. Quỹ Rufder của Anh, vốn nổi tiếng về sự thận trọng, đã gây "xôn xao" thị trường khi đầu tư vào Bitcoin trong tháng 11/2020 nhưng ngày 8/6 vừa qua, quỹ này thông báo thoái vốn khỏi các loại tiền điện tử và thu về khoản lợi nhuận 1,1 tỷ USD.

Trọng Đức - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm