TP.HCM tạo điều kiện cho shipper đưa hàng hóa đến với người dân

31/08/2021 14:47 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ghi nhận tại thị trường TP.HCM ngày 31/8 cho thấy, sau khi chính quyền thành phố có những giải pháp tổ chức lại hoạt động shipper (người giao hàng) thì hầu hết người dân đều phấn khởi và kỳ vọng lượng đơn hàng được trả sẽ tăng lên trong những ngày tới.

Từ 30/8, TP HCM cho phép shipper hoạt động tại 'vùng đỏ'

Từ 30/8, TP HCM cho phép shipper hoạt động tại 'vùng đỏ'

Tối 29/8, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình đã có văn bản gửi các sở ngành, địa phương và doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố về việc lưu thông trong thời gian giãn cách xã hội.

Người dân phần nào an tâm hơn trong việc thực hiện quy định giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” khi được đảm bảo cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Chị Uyên Hoàng, quận Bình Thạnh chia sẻ, trong tuần qua, gia đình khá lo lắng khi lượng thực phẩm mua sắm dự phòng cạn dần nhưng lại không đặt được đơn hàng lương thực, thực phẩm. Hơn nữa, gia đình đang cư ngụ tại khu vực được xác định là "vùng đỏ" của thành phố nên nhu cầu tiêu dùng hầu như phải qua kênh mua sắm online và lực lượng tham gia "đi chợ hộ".

Tuy nhiên, khâu giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn. Do đó, dù vượt qua giai đoạn xác nhận và thanh toán đơn hàng nhưng người dân cũng phải chờ đợi thêm vài ngày mới được trả hàng đến nhà. Khi nắm bắt thông tin shipper được hoạt động trở lại, gia đình đã yên tâm phần nào về hoạt động mua sắm online và hy vọng đơn hàng sẽ được trả sớm hơn những ngày vừa qua.

Chú thích ảnh
Shipper trong hành trình giao hàng. Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Đồng quan điểm, anh Quang Minh, Quận 8 nhận xét, dịch bùng phát nên số lượng shipper được phép tham gia lưu thông trên đường giảm hẳn. Việc cấp Giấy đi đường cho đối tượng này cũng phải đáp ứng nhiều quy định và lượng lực tham gia "đi chợ hộ" cũng bị quá tải. Trong khi đó, nhiều gia đình lại ngóng trông đơn hàng từng ngày vì vẫn cần đảm bảo cung cấp đầy đủ bữa ăn để có đề kháng tốt.

Do đó, việc cho phép shipper hoạt động lại ở tất cả các quận, huyện và thành phố Thủ Đức là nhu cầu tất yếu, góp phần chia sẻ áp lực cho lực lượng tham gia "đi chợ hộ" cũng như chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh... sẽ giảm bớt khâu giao hàng để tập trung nguồn lực ở những khâu đảm bảo nguồn cung, nhận đơn, soạn hàng... để rút ngắn thời gian trả đơn cho người dân.

Đây cũng là dịp để tổ chức lại hoạt động shipper đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông, nhất là khi triển khai cho shipper giao hàng liên quận hay trên toàn thành phố. Shipper cũng là đối thượng thuộc nhóm có khả năng cao trong tiếp xúc gần và nhiều nên cần được tiêm vaccine, có giấy xét nghiệm âm tính và thực hiện nghiêm những quy định giãn cách xã hội trong quá trình hoạt động.

Hiện Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đang phối hợp với lực lượng liên ngành, doanh nghiệp, đơn vị quản lý shipper... tái cấu trúc lại hoạt động thương mại, nhất là khâu giao nhận hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trên địa bàn thành phố; trong đó, lực lượng liên ngành triển khai chủ trương của chính quyền Tp. Hồ Chí Minh là xét nghiệm miễn phí cho shipper thông qua hơn 410 trạm y tế lưu động tại các phường, xã, thị trấn phân theo quận, huyện, thành phố Thủ Đức và có địa chỉ cụ thể.

Riêng Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh còn cung cấp đường link trên cổng thông tin của sở nhằm hỗ trợ shipper có thể chủ động kiểm tra thuộc đối tượng được phép hoạt động hay không. Dự kiến, Tp. Hồ chí Minh có thể huy động khoảng 25.000 shipper tham gia vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thời gian thành phố tăng cường giãn cách xã hội.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang làm việc với những đơn vị quản lý shipper về yêu cầu cung cấp danh sách thực hiện nghiêm các điều kiện về tiêm vaccine phòng COVID-19 và xét nghiệm COVID-19 phục vụ cho hoạt động. Lực lượng liên ngành cũng sẽ tính toán phương án để người dân đăng ký trực tiếp với nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh và giao hàng thông qua shipper.

Chú thích ảnh
Các phương tiện lưu thông tại Tp. Hồ Chí Minh chủ yếu là xe tải chở hàng hóa và lực lượng shipper cùng người làm các công việc được phép theo quy định. Ảnh: Tiến Lực – TTXVN

Ở góc độ doanh nghiệp, Gojek - nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á công bố ra mắt quỹ 4,15 tỷ đồng để hỗ trợ hàng chục nghìn đối tác tài xế tại Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đây là chương trình hỗ trợ dưới dạng tiền mặt đầu tiên và có số người hưởng lợi lớn nhất ở lĩnh vực gọi xe ở Việt Nam trong đợt đại dịch bùng phát lần này, nhằm hỗ trợ thu nhập cho các đối tác tài xế của Gojek Việt Nam trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Liên quan đến việc ra mắt quỹ này, ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam chia sẻ, sinh kế của đối tác tài xế phụ thuộc rất nhiều vào khả năng họ được lưu thông trên đường. Tác động ngày càng lớn của dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ phải chật vật hơn để đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Ngoài việc ghi nhận sự kiên cường trong thời gian qua của đối tác tài xế, Gojek hy vọng khoản hỗ trợ tiền mặt sẽ là món quà khích lệ tinh thần, san sẻ phần nào những khó khăn trong giai đoạn này và giúp họ an tâm phục vụ cộng đồng xã hội.

Tương tự, beFinancial – công ty thành viên của Be Group (đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be) cũng vừa công bố Ngân hàng số Cake by VP Bank (Cake) lựa chọn nền tảng ngân hàng đám mây do Mambu cung cấp, hướng đến mục tiêu mở rộng quy mô kinh doanh và cung cấp trải nghiệm dịch vụ tiện lợi cho khách hàng.

Cake là giải pháp ngân hàng số đầu tiên được tích hợp với một ứng dụng gọi xe tại Việt Nam, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ tài chính cho khoảng 10 triệu khách hàng hiện tại của Be và tài xế công nghệ, chủ yếu là thế hệ Z và người dùng trẻ.

Dưới góc độ đối tác, tài xế Phạm Văn Duyên, thành phố Thủ Đức cho biết, hơn một tuần qua, khi người dân thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” thì anh cũng tạm thất nghiệp vì ở trong khu vực shipper không được hoạt động. Vì vậy, khi chính quyền Tp. Hồ Chí Minh có chủ trương cho shipper hoạt động lại ở các khu vực "vùng đỏ" và đơn vị quản lý đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ tài xế nên anh rất an tâm khi được làm việc trở lại.

Cũng chung tâm trạng được trở lại làm việc sau những ngày tạm dừng hoạt động, hàng loạt shipper của nhiều thương hiệu ứng dụng gọi xe công nghệ như Gojek, Be, Grab... đã khẩn trương thực hiện những quy định và thủ tục theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Dù shipper hoạt động trở lại với sự tổ chức của lực lượng liên ngành bước đầu sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng hầu hết shipper tại Tp. Hồ Chí Minh đều kỳ vọng được trở lại làm việc và đóng góp phần sức nhỏ phục vụ người dân thành phố trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Mỹ Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm