20/02/2009 11:00 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 19/2, báo chí thế giới đưa tin ngân hàng UBS AG lớn nhất Thụy Sĩ đã chấp nhận nộp phạt 780 triệu USD sau khi bị nhà chức trách Mỹ cáo buộc giúp công dân nước này trốn thuế lên tới hàng chục tỷ USD. Đặc biệt là UBS đồng ý công bố một số nhân vật trong danh sách khách hàng của mình, điều chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng Thụy sĩ.
Giúp 17.000 người trốn thuế?
Sau một thời gian đấu tranh, hôm 18/2, UBS AG, đã thừa nhận có sai sót, đồng ý nộp phạt và tiết lộ danh tính một số chủ tài khoản thuộc dạng bí mật để tránh việc bị nhà chức trách Mỹ truy cứu trách nhiệm. Theo thỏa thuận đạt được giữa UBS và phía Mỹ, ngân hàng này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm nếu chấp nhận thay đổi phương thức hoạt động, giúp đỡ cơ quan điều tra và nộp phạt 780 triệu USD. Khoản tiền này đã thấp hơn một số ước tính trước đó khi người ta cho rằng UBS có thể sẽ phải xì ra hơn 1 tỷ USD. Chính phủ Mỹ đồng ý hạ thấp mức tiền phạt do tình trạng tài chính không sáng sủa của ngân hàng. UBS hiện đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Công ty đã phải cắt giảm 11.000 việc làm và đang làm ăn thua lỗ. Tính từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ nổ ra tới nay, ngân hàng này đã thua lỗ lên tới 50 tỷ USD.
Trang tin Bloomberg dẫn một số nguồn tin đáng tin cậy cho biết UBS sẽ giao lại cho nhà chức trách Mỹ thông tin liên quan tới 250 khách hàng. “UBS thực sự lấy làm tiếc vì đã để xảy ra sai phạm" - Chủ tịch UBS Peter Kurer, 59 tuổi, nói sau khi các thỏa thuận trên được thông qua tại một tòa án liên bang ở Fort Lauderdale, Florida, Mỹ - "UBS luôn giữ bí mật thông tin khách hàng, nhưng không phải để bảo vệ các hành động gian lận hoặc trợ giúp các khách hàng muốn lạm dụng hoạt động này"
Sự kiện chưa có tiền lệ
Thụy Sĩ hiện là trung tâm nhận tiền gửi từ nước ngoài lớn nhất thế giới. Nước này đang quản lý khoảng 1/3 trong số 7.000 tỷ USD tiền gửi ra nước ngoài. Ngành công nghiệp ngân hàng phát triển lên mức hưng thịnh nhờ việc Thụy Sĩ cho phép giữ bí mật tuyệt đối thông tin tài khoản nhằm bảo vệ sự riêng tư của các khách hàng giàu có. Theo luật Thụy Sĩ, dữ liệu ngân hàng chỉ có thể được chuyển tới cơ quan thuế nước ngoài chỉ trong trường hợp có những chứng cứ rõ ràng về việc khách hàng đã gian lận thuế. Trốn thuế không được xem là tội ở Thụy Sĩ và khách hàng được quyền chống lại yêu cầu chuyển thông tin về tài khoản của họ cho một cơ quan thuế nào đó.
Theo Bloomberg, dựa trên cơ sở đó, UBS bỏ túi khoảng 200 triệu USD một năm nhờ việc giúp khách hàng có thu nhập cao trốn thuế. Họ giấu tiền của khách hàng vào hàng loạt tài khoản "đen" mang tên giả, vốn được lập ra tại những "thiên đường thuế" như Panama, quần đảo British Virgin, Hong Kong và Liechtenstein.
Kể từ năm 1999, UBS được cho là đã nắm giữ hàng tỷ USD tiền gửi của các khách hàng Mỹ với mục đích trốn thuế. UBS còn khuyến khích nhiều khách hàng Mỹ hủy các loại chứng từ và cất giấu các tài sản quý như trang sức và các tác phẩm nghệ thuật mà họ mua bằng tiền gửi trong các tài khoản “đen” vào những địa chỉ gửi đồ tin cậy tại Thụy Sỹ. Ngân hàng này còn cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng của Thụy Sỹ để cơ quan thuế của Mỹ không thể theo dõi việc mua sắm của họ.
Mỗi năm vài lần, các nhà tư vấn của UBS lại tới các buổi biểu diễn nghệ thuật, trưng bày du thuyền và các sự kiện thể thao quý tộc khác ở Mỹ, để tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Nhằm che dấu hoạt động của mình, những người này mang theo máy tính với thông tin được mã hóa và được ngân hàng đào tạo để tránh bị phát hiện.
Bloomberg cho biết UBS vẫn giúp các khách hàng Mỹ trốn thuế dù đã ký một thỏa ước hồi năm 2001, trong đó yêu cầu ngân hàng phải công khai danh tính các chủ tài khoản và thu nhập của họ với nhà chức trách Mỹ.
Hồi tháng 7 năm ngoái, khi Cơ quan thuế vụ liên bang Mỹ (IRS) tìm hiểu hoạt động trốn thuế của người dân qua việc gửi tiền tới Thụy Sĩ, họ đã gặp phải sự kháng cự từ phía chính phủ nước này. Song dưới sức ép từ Washington, Thụy Sĩ đã phải đồng ý cho UBS tiết lộ thông tin khách hàng mà không cần biết chủ tài khoản có đồng ý hay không. Đây là sự kiện chưa có tiền lệ ở nước này.
Phá tan bức màn bí mật
Bằng việc lấy được thông tin khách hàng từ UBS, nhà chức trách Mỹ coi như đã xuyên thủng bức màn bí mật của ngành ngân hàng Thụy Sĩ, vốn nổi tiếng khắp thế giới. Sau sự kiện này, Neue Zuercher Zeitung - tờ báo hàng đầu của Thụy Sĩ - gọi đó là một sự "đầu hàng".
Các nhà phân tích cũng có những nhận xét tương tự. "Đây thực sự là thảm họa với ngành công nghiệp số một của đất nước, chính là lĩnh vực ngân hàng" - luật sư Charles Poncet, một cựu thành viên Quốc hội Thụy Sĩ nói trên đài phát thanh Radio Suisse Romande. Còn ông Jack Blum, một chuyên gia về thuế vụ của Mỹ đánh giá: "Người Thụy Sĩ cho là thế là chấm hết cho truyền thống ngân hàng của họ. Sẽ chẳng còn ai tin vào các ngân hàng Thụy Sĩ nữa”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất