Dư âm trận Anh - Algeria 0-0: Khi nỗi sợ hãi bao trùm

20/06/2010 12:47 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Khái niệm Fear Factor, vốn là tên của một show truyền hình thực tế ở Mỹ và có nghĩa "Nhân tố sợ hãi", được giới truyền thông Anh sử dụng thường xuyên để phản ánh vấn đề lớn nhất của ĐT Anh trong những năm gần đây.

ĐT Anh đang sợ hãi - Ảnh Reuters

ĐT Anh luôn là một trong những ƯCV nặng ký cho chức VĐ ở các giải lớn, hoặc ít nhất họ tự xem mình như thế. Nhưng khi bước vào cuộc chơi, họ hóa thành một đội bóng nhược tiểu. Áp lực khủng khiếp của truyền thông, sự kỳ vọng quá lớn (và quá xa so với thực lực) đã khiến những chú sư tử luôn thi đấu với nỗi sợ hãi bao trùm. Sợ thua, sợ mạo hiểm, sợ phạm sai lầm, sợ phải trả giá..., đủ các loại sợ. Từ thời Sven Eriksson đến Steve McClaren là một ĐT Anh như thế. Việc các thủ môn tuyển Anh liên tục phạm sai lầm nực cười cũng xuất phát từ nhân tố sợ hãi.

Sự xuất hiện của Fabio Capello tưởng chừng đã có thể giúp ĐT Anh xóa tan những nỗi sợ hãi, nhất là từ sau chiến thắng 4-1 trước Croatia tại Zagreb. Nhưng từ sau tiếng còi khai cuộc World Cup 2010, nỗi ám ảnh ấy đã trở lại. Từ hiệp 1 trận gặp Mỹ, vấn đề này đã xuất hiện nhưng họ cố tự an ủi mình rằng đối thủ vốn không hề yếu, rất khó chịu khi gặp các đội bóng lớn. Nhưng khi họ bị một trong những đội bóng yếu nhất giải là Algeria bắt nạt và thể hiện bộ mặt bạc nhược trong trận đấu mà họ đủ khả năng thắng dễ và thắng đậm, người ta hiểu rằng Fear Factor thực sự đã trở lại.

Suốt 25 phút đầu tiên, người xem có thể lầm tưởng đội bóng áo xanh là tuyển Anh chứ không phải Algeria. Ở thế cửa dưới, gồm những cầu thủ quá vô danh đối với các ngôi sao đang thi đấu ở Premier League, Algeria tấn công và tấn công, đột phá cá nhân, phối hợp nhóm, xuống biên rồi lật cánh. Được đánh giá mạnh hơn hẳn, đội bóng của Capello loay hoay phòng ngự, nhọc nhằn đoạt bóng, có bóng liền phá mạnh lên trên, lại mất bóng, lại loay hoay phòng ngự. Gerrard, Lampard và Barry được xem là những tiền vệ trung tâm hàng đầu Premier League. Nhưng khi thi đấu với nỗi sợ hãi bao trùm, đôi chân trở nên đơ cứng, cái đầu không còn tỉnh táo, họ thậm chí không biết cách điều tiết nhịp độ trận đấu.

Cần một bước ngoặt

Đã có những kỳ vọng khi tuyển Anh chơi trơn tru hơn trong quãng thời gian cuối hiệp 1. Nhưng rồi, họ lại hóa thành những cầu thủ nghiệp dư. Rooney, niềm hy vọng lớn nhất, khống chế hỏng, chuyền hỏng những quả bóng rất đơn giản. Gerrard sợ trách nhiệm đến mức không dám dứt điểm ở một cơ hội rõ ràng mà chọn giải pháp chuyền bóng. Terry, điểm tựa của hàng thủ, suýt trở thành tội đồ từ đường chuyền về thiếu lực. Lennon chơi tồi, Wright-Phillips vào thay và đá tồi không kém. Vì thường xuyên di chuyển vào giữa, Gerrard giẫm chân lên vị trí của Barry và Lampard. Khi Rooney lùi xuống, khu vực trung trung lộ chen chúc người với người. Trong 15 phút cuối, Ashley Cole thậm chí còn chỉ tay hướng dẫn các đồng đội phải di chuyển như thế nào để anh chuyền bóng.

Đó không phải là một đội bóng, mà là một mớ hỗn độn. Đó không phải là ƯCV cho chức VĐ, mà là đội bóng tham dự cho đủ quân số như Algeria (Algeria còn tốt hơn vì họ dám đá để thắng chứ không phải đá sợ thua). Đó không phải là những ngôi sao nhận lương hơn trăm nghìn bảng/tuần và đá cho nát mặt cỏ Champions League nhiều năm liền, mà là những cầu thủ nghiệp dư tầm thường. Đó không phải là sư tử oai hùng. Nếu là sư tử thì bên trong là trái tim chuột nhắt.

 Khác với Pháp của Domenech, tuyển Anh của Capello vẫn nắm trong tay quyền tự quyết. Thắng Slovenia, họ sẽ giành vé vào vòng sau, thậm chí là giành ngôi đầu bảng. Nhưng điều mà tuyển Anh của Capello cần, nếu họ vẫn hướng đến chức VĐ, không chỉ là chiến thắng trước Slovenia. Họ cần một chiến thắng mang tính bước ngoặt để xua tan nỗi sợ hãi vốn đeo bám nhiều năm liền, như cái cách mà Inter Milan của Mourinho vượt qua nỗi sợ hãi ở Champions League bằng chiến thắng thuyết phục trước Chelsea. Sẽ là cơ hội chứ không phải thách thức nếu tuyển Anh đi tiếp và gặp Đức (nếu Đức cũng đi tiếp) ở vòng 1/8.

 ĐỨC LỘC
 
 

Kết quả lượt 2 bảng C
Mỹ - Slovenia 2-2
Anh - Algeria 0-0

Những trận đấu tồi tệ ở World Cup

Năm 1950, Mỹ - Anh 1-0: Điều không tưởng đã xuất hiện. Tuyển Anh, lúc bấy giờ cho rằng cả thế giới chỉ mình họ là biết đá bóng, đã thua Mỹ 0-1 ở Belo Horizonte, Brazil. ĐT Mỹ lúc ấy chỉ gồm các cầu thủ bán chuyên nghiệp.

Năm 1958, Liên Xô - Anh 1-0: Sau 3 trận hòa ở vòng bảng, Anh và Liên Xô gặp nhau trong trận play-off. Anh thua 0-1, sớm về nước dù họ là ƯCV nặng ký cho chức VĐ.

Năm 1986, Anh - Morocco 0-0: Thua Bồ Đào Nha trận đầu tiên, tuyển Anh được kỳ vọng sẽ hồi sinh, nhưng họ lại bị Morocco cầm hòa 0-0. May thay họ thắng trận cuối trước Ba Lan và giành vé vào vòng sau.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm