Thư Hàng Châu: Chuyện bóng chuyền và bóng đá

02/10/2023 06:54 GMT+7 | ASIAD 2023

Tại ASIAD 18 ở Jakarta (Indonesia), đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thua 0-3 trước đội tuyển nữ Hàn Quốc ở vòng bảng. Nhìn thế trận và cục diện trên sân khi ấy, chẳng ai dám nghĩ chỉ tới kỳ Asian Games kế tiếp, đội tuyển nữ Việt Nam lại có thể vượt qua Hàn Quốc.

1. Thế mà điều khó tin ấy lại trở thành sự thực, mà không chỉ 1 lần, bởi mới tháng trước, tại khuôn khổ giải bóng chuyền vô địch châu Á, các cô gái Việt Nam cũng đã đánh bại đội tuyển nữ Hàn Quốc.

Ngoài mục tiêu giành huy chương ở ASIAD 19, đội tuyển nữ Hàn Quốc còn có một mục tiêu khác nữa là thắng tuyển nữ Việt Nam để trả lại món nợ ở giải vô địch châu Á, nhưng cuối cùng các cô gái Hàn Quốc không những không thanh toán được nợ cũ mà còn mắc thêm nợ mới.

Nhìn cảnh không ít nữ cầu thủ bóng chuyền Hàn Quốc oà khóc ngay trên sân, còn huyền thoại Kim Yeon Koung của bóng chuyền Hàn Quốc ngồi chết lặng trên cabin bình luận của KBS là đủ biết thất bại này khiến những người hâm mộ bóng chuyền Hàn Quốc thất vọng tới cỡ nào.

Ở ASIAD 18, chính Kim Yeon Koung là người được Thanh Thuý trân trọng xin chụp ảnh cùng, bởi Kim Yeon Koung được xem là một trong những VĐV bóng chuyền nữ xuất sắc nhất châu Á qua mọi thời đại, còn tại Á vận hội lần này, Thanh Thuý đóng vai trò chủ đạo trong màn lội ngược dòng của đội tuyển nữ Việt Nam trước Hàn Quốc.

Như vậy là chỉ trong vòng 5 năm, bóng chuyền nữ Việt Nam đã tiến được một bước rất dài, từ chỗ không có cơ hội tranh chấp huy chương thì bây giờ chúng ta chỉ còn cách vòng bán kết của Đại hội thể thao châu Á đúng một trận thắng nữa, và nếu làm được điều này thì đây sẽ là thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự ASIAD của bóng chuyền Việt Nam.

Thư Hàng Châu: Chuyện bóng chuyền và bóng đá - Ảnh 1.

Bóng chuyền nữ Việt Nam đã tiến được một bước dài ở sân chơi Asian Games. Ảnh: Hoàng Linh

Sự thăng tiến mạnh mẽ của bóng chuyền nữ Việt Nam ở sân chơi châu lục cho thấy thể thao Việt Nam không phải không có cơ hội vươn lên ở những đấu trường tầm cỡ như thế này, mà vấn đề quan trọng là làm sao chúng ta lựa chọn được phương pháp và cách thức phù hợp để thực hiện mục tiêu.

2. Mới 5 năm trước, bóng đá Việt Nam từng có một đội tuyển U23 và Olympic mạnh chẳng khác gì ĐTQG, và cũng tại ASIAD 18, Olympic Việt Nam đã thiết lập cột mốc lịch sử với việc lần đầu tiên góp mặt ở bán kết.

Nhưng chỉ 5 năm sau, Olympic Việt Nam đến với Asian Games mà không có tuyển thủ quốc gia nào trong đội hình xuất phát, thay vào đó là các cầu thủ còn trong độ tuổi U20, và kết cục cuối cùng của chúng ta là bị loại ngay từ vòng bảng.

Biểu đồ thăng tiến trái ngược nhau tại ASIAD của bóng chuyền nữ và bóng đá nam có thể đem đến cho chúng ta rất nhiều bài học bổ ích về vấn đề làm sao để giúp thể thao Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng ở sân chơi châu lục với những môn thể thao được nhiều người quan tâm như bóng chuyền hay bóng đá.

Nói gì thì nói, việc 2 đội bóng đá nam nữ đều phải ra về ngay sau vòng bảng ở ASIAD vẫn là một dấu lặng rất buồn với thể thao Việt Nam, bởi đội nam thì đang ấp ủ mục tiêu World Cup, còn đội nữ thì vừa từ World Cup trở về. Trong hoàn cảnh như vậy, sự vươn lên mạnh mẽ của bóng chuyền nữ Việt Nam tại Á vận hội thật sự là một điểm sáng.

Và chúng ta chắc chắn là cần có nhiều hơn những điểm sáng như vậy. 

XEM THÔNG TIN ASIAD 19 TẠI ĐÂY

Huy Anh (Từ Hàng Châu, Trung Quốc)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm