Cafe đầu tuần: 'Trò phù thủy' của ông Troussier

02/10/2023 06:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

Khi ông Philippe Troussier mới tiếp quản ghế HLV trưởng tuyển Việt Nam, có một câu chuyện khá thú vị về cách ông chọn đội trưởng đội tuyển Nhật Bản, được một nhà báo là bạn thân của ông chia sẻ trên Sporting News Vietnam, lan truyền rộng trên mạng xã hội.

Số là trong buổi tập đầu tiên với đội Nhật Bản cách đây hơn 20 năm, ông Troussier đã bắt cả đội… chạy vòng quanh sân tập trong một giờ đồng hồ liên tục. HLV người Pháp cứ đứng quan sát, và các cầu thủ Nhật cứ thế chạy, không ai thắc mắc gì về mệnh lệnh.

Rốt cục, có bốn cầu thủ đã đến thắc mắc với ông Troussier về kiểu tập luyện kỳ quái này, là Miyamoto, Toda, Myojin và Matsuda. Miyamoto chính là người mạnh dạn nhất khi "chất vấn" ông Troussier: "Tại sao chúng tôi cứ phải chạy mãi như thế này?". Chỉ chờ có thế, ông thày người Pháp cảm ơn bốn người vì đã dám bày tỏ chính kiến, và nói rằng họ sẽ là trụ cột trong đội. Riêng Miyamoto được trao băng đội trưởng vì là người mạnh mẽ nhất, dám lên tiếng.

Có một câu chuyện khác cũng thú vị không kém về ông Troussier trong giai đoạn ấy: Một lần, khi cơn bốc đồng lên, ông từng đẩy một cầu thủ Nhật Bản rồi hét vào mặt anh ta: "Biến đi". Tuyển thủ này tức giận đến nỗi đã tháo giày ném thẳng về phía ông thày người Pháp.

Đấy là thời điểm ông Troussier không được lòng truyền thông Nhật dù khá thành công, vì bị cho là quá thẳng thắn, nóng tính. Ông không ngần ngại "quạt" các cầu thủ lẫn phóng viên nếu không vừa ý. Ai cũng cho rằng ông sẽ "đì" anh chàng phi giày kia.

Nhưng không. Ông Troussier thậm chí còn cho anh ta vào đội hình xuất phát trong trận đấu tiếp theo, như thể chưa có gì xảy ra. Ông không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc thất thường. Không ai có thể đoán được ông sẽ làm gì.

Khi mới dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông cũng chọn đội trưởng theo cách kỳ lạ: Gọi ra 5 người rồi xoay vòng, chứ không cố định. Cứ toàn sát giờ thi đấu, ông mới thông báo xem ai sẽ là đội trưởng.

Cafe đầu tuần: “Trò phù thủy” của ông Troussier - Ảnh 1.

HLV Troussier luôn có những phương pháp xử lý tình huống thú vị

Về chuyện khen chê, có một giai đoạn ông cứ họp báo là khen, dù đội khi ấy… thua liên tục, kết quả chẳng có gì sáng sủa. Gần đây, khi thành tích khởi sắc, thì cứ họp báo là ông lại chê, hết chê đội tuyển không có tiền đạo cấp châu lục, rồi bóng đá Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa thể nâng tầm, hay các cầu thủ về kỹ thuật cơ bản còn yếu.

Và trong đợt tập trung gần nhất, ông lại làm tất cả hoang mang, khi gạt Văn Quyết và Công Phượng khỏi danh sách tập trung, để ưu tiên dàn cầu thủ lứa tuổi U23. Về các quyết định nhân sự, từ trước tới giờ ông chỉ giải thích rằng dựa vào phong độ, sự phù hợp lối chơi và nỗ lực cá nhân.

Dư luận lại bắt đầu đồn đoán. Người bảo ông cũng có thành kiến với Văn Quyết. Người tự hỏi sao Công Phượng vừa đá tốt, ghi bàn giờ lại loại. Người cho rằng ông đang hướng đến cầu thủ trẻ. Người bình rằng điều này là ổn vì các trụ cột sẽ không dám lơ là. Ai cũng có thể bị thay thế.

Có một trạng thái của các tổ chức giàu tinh thần khởi nghiệp được kể trong cuốn sách quản trị trứ danh Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins là "sự bất an dễ chịu". Tức là lãnh đạo sẽ luôn tạo ra một bầu không khí bất an nhất định trong nội bộ, để không ai cảm thấy nhàm chán, hoặc thiếu động lực vì mọi chuyện ổn định, suôn sẻ với cá nhân họ quá.

HLV Troussier thì đã quá dày dạn kinh nghiệm với các "dự án" khởi nghiệp rồi, từ Nhật Bản trong chiến dịch World Cup 2002 tới đội tuyển Việt Nam hiện tại. Các đội bóng ông dẫn dắt thường luôn tiềm ẩn bất ổn nào đó trong suốt chặng đường, nhưng điều kỳ lạ là các tập thể đó luôn tiến bộ hơn theo thời gian. Bây giờ, lại thêm một lần nữa chúng ta lẫn các cầu thủ phải tự hỏi, rằng ông Troussier muốn gì. Thực ra vấn đề có thể không phức tạp như chúng ta nghĩ. HLV người Pháp cần bầu không khí này diễn ra. Từ nay cho đến khi mục tiêu dự World Cup được hoàn thành, các đội tuyển Việt Nam cần có đủ động lực để liên tục tái tạo. Và sự bất ổn hiện tại có giá trị riêng của nó.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm