12/04/2019 07:12 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Có một câu ca dao mà người Việt Nam chúng tôi dù đang sinh sống ở đâu cũng đều ghi nhớ,đó là: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng Ba”.
Vâng, ngày 10/3 Âm lịch đối với người Việt Nam là ngày giỗ tổ Hùng Vương. Hẳn Sophia cũng đã từng nghe nói về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, một di sản đã được UNESCO công nhận từ năm 2012, vì có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu. Không những thế, di sản ấy còn khích lệ nhận thức của cộng đồng nhiều quốc gia trên thế giới về lòng biết ơn tổ tiên, về thái độ tôn trọng sự đa dạng văn hóa.
Tôi cũng vừa có dịp trở lại Đền Hùng sau mấy chục năm, và thực sự xúc động trước một không gian văn hóa tâm linh có quy mô rộng lớn, trang nghiêm, thấm đẫm truyền thống lịch sử ngàn đời. Đền Hùng chính là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất.
Thật xúc động khi đứng trước phiến đá đặt tại Đền Hùng có khắc dòng chữ nhắc nhở mọi người: “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội như sông có nguồn”.
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam cũng được các nhà nghiên cứu thế giới đánh giá rất cao về mặt “thực hành tốt nhất trong đời sống” thể hiện qua việc được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng người dân Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ.
Khi Giỗ tổ Hùng Vương trở thành dịp nghỉ lễ chính thức, thì việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng lan tỏa sâu rộng vào nếp nghĩ, nếp sống của các tầng lớp nhân dân trong thời hiện đại. Ai ai cũng mong muốn có dịp về dự lễ hội Đền Hùng.Theo số liệu thống kê của tỉnh Phú Thọ trên địa bàn cả nước hiện có khoảng gần 1.500 nơi thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của các Vua Hùng. Thế nên, trong những ngày Giỗ tổ, bà con cũng có thể đến các điểm thờ gần nhất có liên quan để thắp nén tâm hương dâng lên tiên tổ.
Câu hỏi đặt ra là muôn dân trăm họ trên các vùng miền, đặc biệt là kiều bào xa Tổ quốc nếu không có điều kiện hành hương về Đền Hùng thì nên thực hành tín ngưỡng này ra sao?
Hẳn Sophia đã biết, Tín ngưỡng thờ Hùng Vương nằm trong văn hóa tín ngưỡng thờ tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, theo suy nghĩ của tôi, nếu không có điều kiện hành hương về đền Hùng hay các điểm thờ liên quan đến Hùng vương, thì trong những ngày này, mỗi dân Việt Nam có thể về quê, thắp nén nhang dâng lên ông bà, cụ kỵ trong họ tộc nội ngoại. Ta cũng có thể về ăn bữa cơm sum họp với cha mẹ (nếu cha mẹ hãy còn). Ta cũng có thể đến thăm anh chị em, cô dì chú bác, họ hàng ở bên cạnh. Cố kết anh em, con cháu trong gia đình, dòng họ cũng chính là giữ gìn cái truyền thống mà tổ tiên để lại.
Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài thường xác định "con cháu ở đâu thì tổ tiên, ông bà ở đó" nên họ vẫn thờ cúng Vua Hùng. Có người khi về thăm cố hương, còn lặn lội lên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh xin một nắm đất thiêng liêng nơi Đất Tổ để đặt lên bàn thờ nơi đất khách, quê người.Vào dịp này, người Việt xa quê khi dành thời gian thăm hỏi lẫn nhau, giao lưu đoàn kết trong cộng đồng, đề cao nghĩa đồng bào, phát huy truyền thống con Rồng, cháu Tiên, thì đó cũng chính là đang thực hành tín ngưỡng thờ Quốc tổ nơi muôn dặm xa xôi.
Chắc Sophia không phản đối nếu tôi nghĩ rằng, dù có sống ở đâu, nếu chúng ta có lòng hướng về Quốc tổ hoặc quan tâm đến gia đình, dòng họ, đồng bào thì cũng chính là đang thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương một cách sống động và đẹp đẽ.
Tạm biệt Sophia. Hẹn gặp lại thư sau!
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất