Thư gửi robot citizen: 'Một mình giữa đại dương'

23/07/2022 06:37 GMT+7 | Văn hoá

Sophia thân mến! Một câu chuyện giống như một bộ phim vừa diễn ra trên vùng biển của Việt Nam: Ngày 10/7, một chiếc tàu cùng 15 thuyền viên trên hành trình quay về bờ không may gặp sóng to gió lớn, bị mất liên lạc và... mất tích.

Tiếp tục tìm kiếm 6 thuyền viên tàu cá BT 93998 TS bị nạn trên vùng biển Côn Đảo

Tiếp tục tìm kiếm 6 thuyền viên tàu cá BT 93998 TS bị nạn trên vùng biển Côn Đảo

Vào lúc 3 giờ 30 phút ngày 24/1, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực III tổ chức bàn giao thi thể một thuyền viên bị nạn trên tàu cá BT 93998 TS cho đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đại điện chủ tàu.

Sau 9 ngày không tin tức, không dấu vết, chiều ngày 19/7, điều kỳ diệu đã đến khi một tàu cá của tỉnh Bình Định may mắn phát hiện và vớt được 4 ngư dân trong tổng số 15 người bị mất liên lạc trên thuyền thúng trôi dạt gần quần đảo Trường Sa.

Sophia thân mến!

Đối với ngư dân, trong những chuyến xa khơi mưu sinh thì chuyện đắm tàu hoặc trôi giạt, mất liên lạc do giông bão... là những nguy hiểm thường trực. Công tác cứu hộ cứu nạn thường vô cùng khó khăn, vì đại dương thì bao la, những con tàu ngoài khơi xa chỉ như là những chấm đen trên mặt nước.

Chú thích ảnh
Tàu BĐBP tham gia cứu nạn. Ảnh: Internet

Nhớ hồi còn đi học, tôi có đọc cuốn sách Một mình giữa đại dương của tác giả Phan Quang. Nội dung cuốn sách đại ý là, hàng năm thấy nhiều người chết vì nạn đắm tàu, bác sĩ Alanh Bomba người Pháp đã thử làm một việc: tự nguyện làm người đắm tàu, trong những điều kiện đúng hệt như người bị nạn thật sự thường gặp. Ông tự mình tổ chức cuộc sống giữa đại dương, đem trí thông minh, sự hiểu biết và tài xoay xở của mình để thử xem giới hạn, sức chịu đựng của con người là ở đâu. Qua nghiên cứu các tài liệu, bác sỹ Alanh Bomba nhận ra rằng: khoảng 90% nạn nhân trong các vụ đắm tàu chết nội ba ngày kể từ khi xảy ra tai nạn. Trong khi khoa học cũng như thực tiễn chứng minh, cho dù có bị bỏ đói và không được uống nước, cơ thể người ta ít ra cũng có thể sống lâu hơn khoảng thời gian đó. Thực tế cũng đã có nhiều người đi biển hoặc thám hiểm các vùng, miền đất lạ nhưng vẫn sống còn sau một thời gian dài chịu đói khát, trong những điều kiện tưởng chừng không còn hy vọng. Và bác sỹ đặt ra câu hỏi: Tại sao có sự khác biệt đó? Câu trả lời là ý chí và nghị lực con người là yếu tố cực kỳ quan trọng, nếu không nói là quyết định cho cái sống và cái chết.

Trong tác phẩm Hiểu về trái tim, khi bàn về ý chí, tác giả có viết rằng: “Khi ta có ý muốn làm một việc gì đó và tin tưởng chắc chắn rằng khả năng của mình trước sau gì cũng làm được, thì niềm tin ấy sẽ biến thành nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy ta vượt qua mọi sự trở ngại.

Sophia thân mến!

Như vậy, tính từ thời điểm cơ quan chức năng xác định tín hiệu cuối cùng trên dữ liệu giám sát hành trình của tàu cá mất tích, nhiều ngày qua, đã có 11 tàu tham gia tìm kiếm. Trong đó có ba tàu của biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và 8 tàu cá ngư dân. Hôm 19/7, ba tàu chuyên dụng và 6 tàu cá tiếp tục tìm kiếm trong điều kiện thời tiết tại khu vực có gió Tây Nam cấp 5-6, sóng biển cao 2-3 m.

Trong câu chuyện này, chúng ta cũng hiểu thêm rằng, để biến những điều “không thể” thành những điều “có thể”, ta không chỉ cần sự may mắn mà còn cần cả “năng lượng yểm trợ” nữa. Đó chính là tinh thần trách nhiệm, sự kiên trì, lòng tin của những người làm công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như ý chí và nghị lực của những người gặp nạn.

Chúng ta cùng cầu mong phép màu sẽ xảy ra với những ngư dân còn lại. Được như thế thì câu chuyện “giải cứu” ngư dân sẽ có một cái kết thật là mỹ mãn, phải không Sophia.

Xin chào cô, hẹn gặp lại thư sau!

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm