Thể thao thế giới 2009: Năm của sự hồi sinh

31/12/2009 08:56 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Năm 2009 đã đánh dấu sự trở lại của những tên tuổi lớn của quần vợt thế giới. Trong khi đó, ấn tượng đặc biệt nhất của đường đua Công thức 1 chính là màn hồi sinh kỳ diệu mang tên Brawn GP.

Chuyện cổ tích của Kim Clijsters

Sau một năm bị lép vế bởi Rafael Nadal, Roger Federer đã trở lại đầy hoành tráng. Tay vợt người Thụy Sĩ đã kết thúc năm 2009 trong mãn nguyện khi hoàn thành được 3 mục tiêu lớn mà anh xác định ngay từ đầu mùa giải: lần đầu vô địch Roland Garros, phá vỡ kỷ lục 14 Grand Slam của huyền thoại Pete Sampras, cũng như đòi lại vị trí số một thế giới từ tay kình địch Rafael Nadal. Về phía nữ, Serena Williams đã kết thúc năm ở ngôi số một thế giới (lần đầu tiên là năm 2002). Đó là phần thưởng xứng đáng cho chủ nhân của Australia mở rộng, Wimbledon, và WTA Championship.

Nhưng ấn tượng đặc biệt nhất của quần vợt năm 2009 là câu chuyện thần tiên mà Kim Clijsters viết lên tại New York. Trở lại với quần vợt chuyên nghiệp sau hơn 2 năm vắng bóng để chăm sóc gia đình, Kim đã khiến giới chuyên môn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi đăng quang ở giải quần vợt Mỹ mở rộng. Hành trình kỳ diệu của cô được đánh dấu bằng kỳ tích loại cả hai chị em nhà Williams trước khi quật ngã nốt tài năng trẻ Wozniacki ở trận chung kết. Điều đáng khâm phục là cô gái vàng của quần vợt Bỉ đã bước vào giải đấu này với một con số 0 tròn trĩnh, và chỉ được tham dự nhờ suất đặc cách.

Ấn tượng đặc biệt nhất của quần vợt năm 2009 là việc Clijters
đăng quang ở giải Mỹ mở rộng

Kỳ tích của Kim còn lung linh hơn nhiều khi cô trở thành bà mẹ đầu tiên sau gần 3 thập kỷ đăng quang ở Grand Slam (Goolagong Cawley ở Wimbledon 1980). Hình ảnh bé gái Jada (18 tháng tuổi) xuống sân để ăn mừng cùng mẹ trong thời khắc vinh quang chắc chắn sẽ là một trong những ấn tượng đáng nhớ nhất của thể thao thế giới 2009. Sự tái xuất thành công của Kim còn là một động lực để người đồng hương Justine Henin cũng trở lại. Chính vì thế, năm 2010 sẽ rất được chờ đợi.

2009 còn là năm thành công của chàng trai Martin Del Potro, nhà ĐKVĐ Mỹ mở rộng, người được dự báo là sẽ lên ngôi số một thế giới trong tương lai không xa. Nhưng đây cũng là một năm tồi tệ với không ít ngôi sao vì vấn nạn chấn thương. Đó là Nadal, là Sharapova, là Ivanovic,…

… Và chuyện cổ tích của Brawn GP

Câu chuyện cổ tích của Brawn GP viết nên trong năm 2009 thậm chí còn ly kì hơn cả màn tái xuất của Kim Clijsters. Từ một đội đua phải tuyên bố phá sản vì khó khăn tài chính, Honda đã hồi sinh với tên gọi mới Brawn GP và trở thành một hiện tượng khó lý giải trong làng đua F1. Họ qua mặt hàng loạt đại gia giàu có để rồi giành cú đúp vô địch cá nhân và đội đua. Đó là một thành tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.

Nhiều người đã đặt cho Ross Brawn biệt danh “phù thủy’ bởi ông đã biến một tay đua từng bị coi là biểu tượng của sự thất bại (10 năm nhất chặng 1 lần) thành nhà vô địch thế giới. Có thể coi đó là một cuộc lột xác với kịch bản “vịt hóa thiên nga”. Brawn đã chứng tỏ tại sao mình đã từng đưa tên tuổi của Michael Schumacher trở thành một huyền thoại ở Bennetton và Ferrari. Việc Button đăng quang một phần vì những đối thủ chính sa sút (Hamilton, Raikkonen, Alonso), dính tai nạn nghiêm trọng (Massa), hoặc chưa đủ kinh nghiệm (Vettel. Nhưng dù sao, việc tay lái người Anh biết chớp cơ hội ấy cũng thực sự đáng khen.

Nhưng mùa giải 2009 không chỉ có những ấn tượng đáng nhớ về chuyên môn. Đó còn là một mùa giải với không ít bê bối trong và ngoài đường đua. Đáng chú ý nhất chính là vụ việc ông bầu Briatore bị cấm tham gia vô thời hạn vào F1, do vụ “Crashgate”: cố tình dàn dựng vụ Nelson Piquet dính tai nạn ở đường đua Singapore để Alonso vô địch. Và ngay thượng tầng FIA (Liên đoàn ô tô thế giới) cũng từng rúng động bởi scandal sex của ông chủ tịch Max Mosley…

Xe đạp: Lance Armstrong tái xuất

Huyền thoại của Tour de France đã trở lại sau 4 năm nghỉ hưu. Mặc dù chỉ về thứ ba (áo vàng thuộc về Contador), song đó cũng là một thành tích rất ấn tượng của cua rơ người Mỹ, và vẫn nhận được sự kính nể của khán giả, cũng như các đối thủ. Đáng chú ý, mục tiêu ban đầu của Armstrong là quay lại để quảng bá cho quỹ chống ung thư do chính anh sáng lập.

Quyền Anh: David hạ gục Goliah

Người ta đã gọi chiến tích của David Haye như thế sau khi anh đánh bại quái vật phương Đông Nicolay Valuev (cao đến 2m13) để giành đai vô địch Hiệp hội quyền Anh thế giới (WBA). Tuy nhiên, thách thức của tay đấm người Anh vẫn còn rất lớn ở trước mắt, đó là anh em nhà Klitschko, những người đang thâu tóm gần hết các đai vô địch quyền Anh hạng nặng thế giới

 
Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm