Không cho con bú làm tăng nguy cơ ung thư vú

21/07/2011 13:11 GMT+7 | Y tế

Bác sỹ Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), cho hay những bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ thì nguy cơ bị ung thư vú tăng lên 39%, ung thư buồng trứng tăng lên 26%.

Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: Internet

Ông Vinh phân tích, nuôi con bằng sữa mẹ mang lại nhiều lợi ích đối với bà mẹ như giảm tình trạng loãng xương, giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp, mắc bệnh lupus ban đỏ. Bà mẹ cho con bú sớm sau sinh sẽ hồi phục sức khỏe sau sinh nhanh hơn và cũng giảm nguy cơ băng huyết sau sinh.

Ngoài ra, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu có tác dụng phòng tránh thai với hiệu quả đạt 98%. Tuy nhiên, chỉ có 10% trẻ sơ sinh ở Việt Nam được bú sữa mẹ hoàn toàn.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do sữa bột cho trẻ so sinh quá phổ biến và được quảng bá tràn lan, hiểu biết sai lầm về khả năng cho con bú của các bà mẹ cũng như việc các bà mẹ phải quay trở lại làm việc sớm.

Tại hội thảo thảo góp ý báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 21/2006/NĐCP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ tổ chức ngày 21/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế, cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm về quảng cáo, ghi nhãn mác các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ.

Việc làm đó đã khiến không ít các bà mẹ nghĩ rằng để con thông minh và phát triển tốt thì họ phải cho con ăn sữa ngoài bổ sung ngay từ những tháng đầu đời. Vì thế, thay cho sữa mẹ, họ cho con mình ăn các sản phẩm sinh dưỡng được chế xuất. Kết quả là ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu, 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 đến 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.

Ngoài ra, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong sáu tháng đầu đời và tiếp tục cho trẻ bú đến ít nhất 2 năm tuổi sẽ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, giúp cho trẻ tránh được các bệnh như suy dinh dưỡng, viêm phổi, tiêu chảy.

Tình trạng trẻ không được bú sữa mẹ trong những năm đầu đời cũng là những nguyên nhân chính dẫn tới suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ. Trên toàn thế giới có khoảng 178 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi tình trạng thấp còi.

Tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 7 triệu trẻ em dưới 5 tuổi, 30% trong số đó bị thấp còi (khoảng 2,5 triệu trẻ em). Việt Nam có tỷ lệ thấp còi cao thứ 13 trên thế giới, cứ 3 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị thấp còi.

Các ý kiến đề xuất tại hội thảo về công tác thi hành pháp luật sẽ giúp siết chặt hơn nữa những hạn chế trong quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ, góp phần thúc đẩy tuyên truyền cho trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và những tháng tiếp theo.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm