Bước một bước và bài học để đời

18/05/2009 23:09 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, từ khi sinh ra ai cũng mang trong mình những chân trời mơ ước, những đường chân trời thẳng cánh cò bay. Lúc bé chỉ là mơ được bám đuôi mẹ đi chợ phiên, lớn lên một chút lại mơ được đến trường này, trường kia, hay tỉnh này, tỉnh nọ. Đến khi trưởng thành hẳn, khi nhu cầu hiểu biết càng cao thì cũng là lúc mỗi con người càng mong muốn được đi xa hơn nữa, được xuất ngoại để thưởng ngoạn phong cảnh và đặc biệt là để tìm hiểu được nhiều nền văn hoá.



Bước một bước và bài học để đời về lòng tự tôn dân tộc - Vũ Thị Huyền Trang
Bài viết này đã được chương trình Let’s Càphê của
Kênh truyền hình Let’s Việt - VTC9 giới thiệu vào ngày 24/02/2009

Bạn có thể nhấn vào đây để xem từ nguồn


Và chính chúng tôi cũng thế, những con người đã chọn cho mình nghề viết, để được đi nhiều, hiểu nhiều và mong ước làm được nhiều cho cuộc sống này. Trong những chuyến đi của chúng tôi, có một chuyến đi gần đây nhất đã để lại một bài học nhớ đời, để rồi phải thốt lên rằng “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.
 
Tây Bắc điệp trùng thương nhớ.

Sau một chặng đường dài đầy vất vả trong cuộc vật lộn với cơn say xe suốt hành trình hơn 500 km từ Hà Nội lên Điện Biên. Đoàn sinh viên khoa viết văn chúng tôi lại tiếp tục một cuộc hành trình nữa đến cửa khẩu Tây Trang, nơi gió Lào đầy khắc nghiệt. 

 
Đường rất khó đi và vất vả, những con đường quanh co uốn lượn theo sườn núi, cỏ cây tươi tốt, rừng núi điệp trùng, những dải mây trắng lúc ẩn, lúc hiện như mời gọi, rủ rê chúng tôi cùng chơi trò đuổi bắt giữa nơi thiên nhiên phóng khoáng này. Cả chặng đường đi không một bóng người, chỉ gặp đồn biên phòng đứng sừng sững giữa núi rừng và hình như đến cây cũng thèm người, gió cứ đi theo cuộc hành trình của chúng tôi mãi không thôi. 
 

Thầy tôi bảo: "Giá mà không vội vã thì chúng ta vào đây chơi với các chú biên phòng một lúc. Các chú ấy vất vả, cả năm chả đựơc về thăm nhà nên thèm người lắm".

 

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang mới.

Người ta vẫn thường bảo: "Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi, e sông" dù tuổi trẻ chúng tôi luôn sẵn trong lòng nhiệt huyết, nhưng cuộc hành trình mấy ngày đã khiến cả đoàn mệt mỏi, say xe, cũng có bạn lả đi trong suốt cuộc hành trình, mỗi lần dừng lại ở đâu chỉ cố gắng mở mắt nhìn khung cảnh từ trong xe rồi lại mệt mỏi thiếp đi... Vất vả là thế vậy mà vừa bước xuống cửa khẩu của Lào đã làm cho tuổi trẻ chúng tôi hứng thú. Đứa nào cũng hí hửng bảo nhau:“ Nhất định phải bước được một chân sang đất của Lào. Như thế cuộc đời đã được coi là xuất ngoại rồi”.   

Khi đi đến đồn biên phòng, sau khi thầy giáo xin phép cho sinh viên tham quan, chụp ảnh. Chúng tôi đã thi nhau chạy ù sang ranh giới của nước Lào. Giữa hai ranh giới có một chiếc barie chắn ngang, các chú bộ đội nhắc nhở chúng tôi không được ngồi lên barie chụp ảnh, đúng lúc ấy thì một chân tôi đã định trèo qua, ngay lập tức chưa kịp nghĩ ngợi gì tôi co chân về và chui tọt qua barie sang đất Lào. Đang vui mừng vì lần đầu tiên được đặt chân đến “ nước ngoài” như quan niệm của lũ sinh viên nghịch như quỷ sứ thì từ phía xa chú bộ đội biên phòng quát: "Ai cho các cháu chui qua barie như thế, đó là thể diện là lòng tự tôn của dân tộc. Các cháu là sinh viên khoa báo mà tại sao lại thiếu ý thức như thế nhỉ?"

 

Cột mốc phân định danh giới Việt Nam tại biên giới Việt - Lào ở Điện Biên.

Câu nói ấy lập tức làm tôi đứng chôn chân tại chỗ, điếng người đi vì một điều thật lớn lao, vì tình yêu Tổ quốc mà tôi luôn đề cao, luôn luôn tự hào mà chính tôi lại vừa vi phạm chỉ với một hành động đơn giản là chui qua barie ranh giới.  

Phải rồi! Chỉ là một chiếc barie như bao bao chiếc barie khác ở cổng trường, ở giữa đường… để chặn mọi phương tiện xe cộ không được vào cơ quan, nơi làm việc khi chưa cho phép. Chỉ có điều nó là chiếc barie được đặt tại một vị trí hết sức quan trọng về chủ quyền đất nước, ranh giới quốc gia.   

Một dân tộc Việt Nam hào hùng, anh dũng mà tôi đã đi khắp các cứ điểm Điện Biên Phủ, khắp các nghĩa trang liệt sĩ vô danh đã ngã xuống cho nền độc lập để mang lại sự bình yên cho đất nước, biết bao chiến sĩ biên phòng đã hy sinh trong thời bình để chống lại các thế lực phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Tôi chưa bao giờ chui qua bất cứ một chiếc barie nào thế mà không hiểu sao tôi lại có một hành động thật đáng xấu hổ khi chui qua chiếc barie trên cửa khẩu Tây Trang, nơi phân định ranh giới giữa nước ta với Lào. Điều đó làm tôi day dứt, dằn vặt mãi.

Cửa khẩu quốc tế Tây Trang cũ, nơi có chiếc barie danh giới.

Từ đó tôi luôn tự hỏi bản thân về những chiếc barie quan trọng nhất của cuộc đời mà nếu chúng ta không biết dừng lại, hoặc không biết cách vượt qua nó, không có tư thế khi vượt qua nó, thì chính chúng ta sẽ là người thất bại. Chỉ bước một bước thôi với mong muốn được bước sang một đất nước khác bằng sự nông nổi của tuổi trẻ, tôi đã học được bài học về lòng tự tôn dân tộc mà trước đây không có một trường lớp hay sách vở nào dạy tôi. Từ đó, tôi hiểu rằng đi qua chiếc barie ranh giới hay bất cứ chiếc barie nào một cách đoàng hoàng, nghiêm túc cũng là cách thể hiện tình yêu nước, niềm tự hào về dân tộc. Lòng thầm cảm ơn bước đi đáng nhớ của cuộc đời mình.
 
Vũ Thị Huyền Trang

Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 58 - Thứ sáu 27/02/2009
 \

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm