06/08/2024 06:10 GMT+7 | Thể thao
Lực sỹ Trịnh Văn Văn Vinh chuẩn bị thi đấu hạng 61kg môn cử tạ với những lo lắng về phong độ nhưng có thừa quyết tâm và không sợ hãi đối thủ.
Vừa tập vừa điều trị chấn thương
Trịnh Văn Vinh bị một chấn thương mãn tính ở đầu gối sau nhiều năm tập luyện với khối lượng lớn và mật độ thi đấu dày đặc. Trước và trong quá trình thi đấu giành suất dự Olympic, đô cử người Bắc Ninh luôn trong tình trạng vừa tập vừa… nghe ngóng chấn thương.
"Nếu như đợt nào tập nặng quá và cảm thấy bị đau nhiều, ban huấn luyện sẽ giảm khối lượng và điều chỉnh giáo án. Còn nếu không đau thì tôi vẫn tập luyện như bình thường để tích lũy thể lực, hướng tới mục tiêu cải thiện thành tích", Vinh từng chia sẻ trước giờ lên đường.
Sau khi có vé chính thức và nằm trong danh sách VĐV đủ điều kiện tham dự Olympic 2024 kể từ sau Cúp thế giới tại Phuket, Thái Lan vào đầu tháng 4, Vinh cũng đã mất hơn 1 tháng để điều trị chấn thương sau quá trình dự 2 giải liên tiếp từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3.
Sau đó, đô cử này đi tập huấn tại Trung Quốc (40 ngày), rồi trở lại Việt Nam vào giữa tháng 7 sau đó chuẩn bị hành trang tới Paris. Trong suốt quá trình này, khối lượng và giáo án tập luyện của Vinh phụ thuộc rất nhiều vào mức độ đau bởi chấn thương mãn tính ở gối.
"Tùy mức độ đau ít hay đau nhiều, các bác sỹ sẽ cho tôi lượng thuốc giảm đau để quá trình tập luyện ít bị gián đoạn nhất có thể. Tôi cảm thấy mình trên đà hồi phục, đạt khoảng 85% phong độ", Vinh chia sẻ thêm.
Ông Đỗ Đình Kháng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ TTTTC I, Trưởng bộ môn Cử tạ - Tổng cục TDTT trước đây phân tích thêm, đối với những VĐV cử tạ có bề dày tập luyện lâu năm, tình trạng chấn thương mãn tính gây đau vai, lưng và đầu gối là khó tránh khỏi.
"Một tuyển thủ quốc gia như Trịnh Văn Vinh có khối lượng tập luyện, nâng, cử khoảng 10 tấn tạ mỗi ngày, nên gần như không thể điều trị dứt điểm chỉ trong thời gian ngắn. Trước đây, các lực sỹ nổi bật như Thạch Kim Tuấn (hạng 56kg nam) hay Hoàng Thị Duyên (hạng 59kg nữ) cũng rơi vào tình trạng tương tự", theo lời ông Kháng.
Như vậy, Trịnh Văn Vinh sẽ tranh tài tại Olympic với một chấn thương mãn tính nhưng thể trạng vẫn đáp ứng được yêu cầu thi đấu. Những ngày qua, các bác sỹ của đoàn TTVN thường xuyên theo sát để giúp lực sỹ này hồi phục tốt nhất sau mỗi buổi tập để vào cuộc với sự sung sức nhất có thể.
Lên sàn là… "chiến"!
Trong các cuộc trao đổi trực tiếp với Trịnh Văn Vinh hay gần nhất là ở lễ xuất quân vào ngày 17/7, đô cử người Bắc Ninh khiến nhiều phóng viên rất ngỡ ngàng với câu trả lời ngắn gọn: "Tôi sẽ chiến đấu hết mình", khi được hỏi về tâm thế khi bước lên sàn đấu tại Paris.
Trịnh Văn Vinh là như vậy, luôn thẳng thắn trong mọi câu trả lời, đưa ra những thông tin trực tiếp nhất, thậm chí có phần máu lửa như cách Vinh ăn mừng mỗi khi thực hiện thành công một động tác trong thi đấu. Đặc biệt, trong phần giới thiệu về VĐV trên trang Olympic 2024, Vinh là một trong số ít ỏi tuyển thủ Việt Nam đề ra mục tiêu giành huy chương.
"Vinh thực sự là của hiếm của cử tạ Việt Nam, khi hội tụ đầy đủ tố chất để trở thành một đô cử giỏi. Đặc biệt, tâm lý của Vinh rất máu lửa, hừng hực quyết tâm và giống như Hoàng Anh Tuấn (HCB Olympic 2008) trước đây, nếu mà gặp đối thủ càng mạnh thì càng… thích", ông Kháng nhớ lại.
Theo đánh giá của cá nhân ông Kháng, cũng như nhiều chuyên gia, HLV cử tạ, tinh thần cũng là yếu tố quan trọng, quyết định thành tích thi đấu ở môn cử tạ tưởng chừng như chỉ phụ thuộc vào sức mạnh. Rất nhiều VĐV tập tốt, vượt ngưỡng trong tập luyện, nhưng bước lên sàn thấy đối thủ mạnh hơn là "hồn vía lên mây" không còn là chính mình.
Không chỉ lời của những người chuyên môn, nhìn vào quá trình trở lại sau án cấm thi đấu vì doping của Vinh, sẽ hiểu thêm phần nào ý chí của lực sỹ đặc biệt này. Từ một VĐV tiềm năng, ở trên đỉnh cao châu lục với tấm HCB tại Asian Games 18, rồi rớt xuống vực thẳm bằng án "treo tạ" 4 năm. "Nếu không phải là Vinh thì có lẽ đều đã bỏ cuộc", ông Kháng ngắn gọn.
Trịnh Văn Vinh đã chọn cách ở lại với cử tạ và thể hiện quyết tâm vươn lên bằng tấm vé tới Paris trong hoàn cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Ở tuổi 29, chưa nói đến sự ảnh hưởng của chấn thương, việc lấy lại thành tích đỉnh cao như 6-7 năm về trước là không thể, nhưng không vì thế mà Vinh dừng lại.
Giờ đây, hãy cùng chờ đợi xem Trịnh Văn Vinh "chiến" như thế nào ở Olympic đầu tiên trong sự nghiệp!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất