Thể thao Việt Nam: Một năm từ SEA Games đến ASIAD

01/12/2023 06:52 GMT+7 | Thể thao

Giải vô địch bóng chuyền Việt Nam vừa kết thúc, có thể xem là khép lại một năm sôi động với nhiều sự kiện của thể thao Việt Nam (TTVN) với không ít chuyển biến tích cực, nhưng bên cạnh đó cũng để lại nhiều câu hỏi lớn cho những nhà làm chính sách, chiến lược trong việc phát triển thành tích đỉnh cao theo hướng bền vững, dài hạn.

1. Hãy bắt đầu từ câu chuyện của bóng chuyền khá tích cực. Năm nay, các cô gái Việt Nam "lấy" được 1 set đấu của Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 32 nhưng vẫn thua chung cuộc và lần thứ 11 về nhì sau đối thủ tại môn bóng chuyền SEA Games.

Vậy nhưng, tại ASIAD trên đất Hàng Châu (Trung Quốc),  đội bóng "chân dài" của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt lại thắng Hàn Quốc 3-2 ở vòng bảng, đây là chiến thắng thứ 2 liên tiếp trước đối thủ nằm trong Top 5 châu Á ở các giải đấu chính thức trong năm nay. Trước đó, Việt Nam thắng Hàn Quốc tại AVC Challenger và có suất dự play-off  tại Pháp để tìm vé dự World Cup nữ thế giới.

Trong sự vận động của cả nền thể thao, có những môn đã đạt được những bước tiến lớn, kể cả ở những môn thi đấu yêu cầu rất cao ở thể chất như bóng chuyền. Điều này cho thấy TTVN có thể vượt qua những giới hạn nếu duy trì được nền tảng thi đấu nội địa ổn định và liên tục có cơ hội cọ xát.

Hệ thống thi đấu của bóng chuyền ngoài giải VĐQG, còn có Cúp Hùng Vương và những giải trẻ để xây dựng lực lượng kế thừa. Quá trình nảy đã được hình thành suốt hơn 20 năm qua, để có được những thành tích đặc biệt như trong năm 2023.

Nhưng thực tế cũng cho thấy, dù có bước tiến lớn, thì so với bóng chuyền nữ Thái Lan, hay bóng chuyền nam Indonesia, thì chúng ta vẫn chưa thu hẹp khoảng cách đến mức sít sao. Có con người, có hệ thống, có khát vọng và có cả những chiến thắng khích lệ thì vẫn luôn thiếu một cái gì đó để đạt đến đẳng cấp của một đội bóng hàng đầu.

Không thể cho rằng năm nay bóng chuyền nữ thắng được Hàn Quốc đến 2 lần, thì đã thay đổi được cái gì. Vì như đã nói, thực tế là mỗi khi gặp Thái Lan tại chung kết SEA Games, tìm một set thắng thôi cũng đã là thành công. Một hai lần thì kém may mắn, nhưng liên tục thua cùng một đối thủ thì là vấn đề của đẳng cấp, thứ mà không chỉ qua 1-2 cơn "địa chấn" là có được.

2. Đó cũng chính là thứ tạo ra khác biệt giữa thành tích SEA Games và ASIAD. Lâu nay, do thời gian tổ chức 2 sự kiện thường cách xa nhau, nên việc đánh giá chưa được rõ ràng. Nhưng do ảnh hưởng bởi Covid 19, khi 2 sự kiện này diễn ra trong cùng năm, chỉ cách nhau vài tháng, thế là những tồn tại lần lượt xuất hiện một cách thực chất hơn.

THỂ THAO VIỆT NAM: Một năm từ SEA Games đến ASIAD - Ảnh 1.

Bóng chuyền nữ Việt Nam là một điểm sáng hiếm hoi của thể thao Việt Nam trong năm 2023 khi lần đầu tiên chúng ta vào tới bán kết của một kỳ Asiad. Ảnh: Hoàng Linh

Đã có sự chệnh lệch rất lớn về thứ hạng của TTVN xét trong khu vực Đông Nam Á giữa SEA Games và ASIAD. Trong khi các đoàn thể thao khu vực vẫn giữ sự ổn định thành tích tại đấu trường châu Á, thì dù vẫn đạt chỉ tiêu đề ra, thì về bản chất, đây vẫn là kỳ Á vận hội thất bại của chúng ta.

Thành tích chỉ là một vấn đề, điều quan trọng là khoảng trống thế hệ VĐV, nó khiến cho các dự báo cho ASIAD 2026 trở nên vô cùng khó khăn mặc dù ngay lúc này, chúng ta vẫn tin rằng mình đủ khả năng có mặt trong Top 3 SEA Games 2025.

Đấy chính là vấn đề. Mới 5 năm trước, sau thành công với 5 HCV cùng hàng loạt kết quả khả quan ở những môn chuẩn Olympic tại ASIAD 2018, chúng ta  đã nói đến việc đầu tư trọng điểm, rồi "bỏ qua" SEA Games, hoặc xem sân chơi khu vực chỉ là đấu trường mang tính chất bàn đạp để đột phát châu Á.

Cũng cần nhắc lại, là kỳ ASIAD đó lẽ ra đã diễn ra tại Việt Nam nếu không gặp khó khăn tài chính. Nghĩa là chúng ta đã có những bước đi cụ thể, chiến lược nâng cao đẳng cấp hẳn hoi và kết quả tại Indonesia phần nào cũng đạt triển vọng cần thiết. Nhưng đến kỳ Đại hội thể thao châu  Á kế tiếp, chúng ta gần như quay trở lại điểm xuất phát của 2 thập niên trước cả về thành tích lẫn yếu tố con người. Điều gì đã xảy ra khi giữa 2 kỳ ASIAD là 3 lần chúng ta vượt qua Thái Lan trên bảng xếp hạng huy chương SEA Games.

Hãy nhìn vào những chi tiết này thật kỹ, câu trả lời cho vấn đề của TTVN nằm ngay tại đó, là lý do mà nhiều chuyên gia khẳng định ASIAD vừa qua là thất bại. 

Không phải vì số huy chương chúng ta ít hơn, mà là vì lẽ ra phải tiến lên, chúng ta lại dậm chân tại chỗ, và có phần lùi lại nếu nhìn đến khoảng trống kế thừa ở một số môn quan trọng. Nó cũng hệt như câu chuyện của bóng chuyền, cái cần quan tâm là đẳng cấp chứ không phải 1-2 trận thắng hay. Hay như môn bơi, không còn Ánh Viên thì các chuẩn Olympic lại nằm ngoài tầm với.

3. Từ SEA Games 32 đến ASIAD 19, nếu nhìn một cách khách quan, thì về lý thuyết TTVN vẫn có nền tảng và vị thế nhất định, không đến mức tụt lại vạch xuất phát. Những môn khó như điền kinh, bơi lội, cầu lông, bóng đá dù không thành công thì vẫn có những sự lạc quan nhất định vì cũng… chưa mất hết. Vấn đề là cách làm, tầm nhìn chiến lược trong đầu tư.

Không ai nói SEA Games không quan trọng. Nhưng sẽ sai lầm nếu một lần nữa lại đề cao số lượng HCV và vị trí trên bảng xếp hạng. Qua 3 kỳ SEA Games liên tiếp đủ để chứng tỏ sức mạnh của TTVN, và nếu nền thể thao của chúng ta thực sự có đẳng cấp, thì việc duy trì Top 3 nằm trong tầm tay, không có gì phải lo nghĩ.

Việc càng có nhiều HCV, có nhiều VĐV đạt thành tích cao, cũng đồng nghĩa với ngân sách sẽ "phình" ra lo cho thưởng theo hình thức "cào bằng". Chiến thắng nào thì cũng xứng đáng được tôn vinh, nhưng xét về chuyên môn, thì niềm vui của một HCV ở môn "lạ" chắc chắn không thể quan tâm bằng những mối lo đến từ các môn thi cơ bản Olympic. Đơn cử như ở môn bắn súng. SEA Games 2019 đi về tay trắng nhưng tại ASIAD 19 lại có HCV lịch sử.

Thế nên, quan trọng nhất vẫn là tìm ra giải pháp để tạo dựng đẳng cấp cho VĐV, hoặc xa hơn, là cho các môn thể thao trọng điểm. Ví dụ như điền kinh đã có những nhà vô địch châu Á, ASIAD ở nhảy cao, nhảy xa, chạy trung bình… toàn là các nội dung khó mà cạnh tranh ở tầm châu lục nếu không xuất hiện những tài năng "100 năm có 1", nên cần phải nhìn đến các môn tiếp sức, chạy cự li dài… phù hợp cho các kế hoạch lâu dài. Nghĩa là phải thu gọn mục tiêu, không thể dùng "con mắt SEA Games" để hoạch định ra "tầm nhìn ASIAD" cho được. Tiêu biểu như bóng đá, Asiad vừa rồi chấp nhận "bỏ" ngay từ đầu để tập trung cho những hành trình thực chất hơn ở vòng loại World Cup chẳng hạn.

Chẳng nói đâu xa, do bối cảnh khách quan, nên từ nay đến Asiad 2026 chỉ có duy nhất 1 kỳ SEA Games 2025. Một thách thức cho quá trình chuẩn bị vì thiếu sân chơi mang tính sàng lọc, nhưng cũng là cơ hội để TTVN có thể tách bạch rõ ràng như vấn đề về thành tích và đẳng cấp. 

Vào đầu tháng 12 này, Cục TDTT sẽ tổ chức Hội thảo định hướng phát triển Thể thao thành tích cao đến năm 2030. Được biết, hội thảo sẽ tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Định hướng mục tiêu và giải pháp phát triển thể thao thành tích cao trong thời gian tới, đặc biệt là các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games từ nay cho đến 2030. Thảo luận các giải pháp cụ thể nhằm giành huy chương Olympic (các kỳ năm 2024 và 2028); HCV ASIAD năm 2026 và 2030, HCV SEA Games các năm 2025, 2027, 2029.

Bên cạnh đó, Hội nghị dự kiến sẽ có các tham luận bổ ích được trình bày từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực TDTT. Trong đó, nội dung tham luận sẽ tập trung vào các vấn đề như: Đổi mới, sáng tạo trong phát triển Thể thao thành tích cao; các giải pháp ứng dụng khoa học trong công tác huấn luyện, đào tạo VĐV thể thao thành tích cao; đổi mới công tác quản lý HLV, VĐV đội tuyển tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia; công tác xã hội hóa thể thao thành tích cao;;...


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm