Thể thao thế giới 2020: Ai là người hùng, ai là tội đồ?

03/01/2021 17:38 GMT+7 | Thể thao

Thể thao năm 2020 chứng kiến một năm bất thường khi các sự kiện thể thao phải dịch chuyển vì đại dịch Covid-19. Hãy cùng nhìn lại những nhà vua và những kẻ thất bại suốt 12 tháng qua.

 

2020 - Một năm đáng quên của thể thao và bóng đá thế giới

2020 - Một năm đáng quên của thể thao và bóng đá thế giới

Covid-19 đã phủ bóng đêm lên bóng đá và thể thao thế giới trong suốt năm 2020. Con virus của quỷ dữ với sức tàn phá khủng khiếp, tạo nên những hệ lụy vô cùng to lớn và khiến năm qua trở thành một trong những năm đáng quên nhất với giới thể thao.

 

Trước mắt, những gương mặt dưới đây là đại diện tiêu biểu cho vị thế người hùng thể thao trong năm:

Marcus Rashford (bóng đá)

Cái tên đầu tiên hiện diện trong danh sách này là Marcus Rashford. Công sức miệt mài của chân sút 23 tuổi này nhằm cung cấp thực phẩm cho những đứa trẻ nghèo đã hai lần buộc chính phủ Anh phải thay đổi quyết định, cụ thể là đồng ý cung cấp phiếu ăn cho 1,3 triệu trẻ em xứ sương mù suốt mùa Hè vừa qua cùng 400 triệu bảng hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trải nghiệm tuổi thơ đói nghèo của Rashford đủ sức lay động lương tâm của cả một quốc gia trong thời điểm quan trọng. Tất nhiên, những đóng góp trên sân cỏ của Rashford không hề bị lu mờ. Anh vừa ghi bàn thắng duy nhất trong chiến thắng Wolves, trận đấu cuối cùng của MU trong năm 2020.

Primoz Roglic (đua xe đạp)

Trước thềm giải Tour de France năm nay, Primoz Roglic được coi là ứng viên sáng giá cho chức vô địch. Cua-rơ người Slovenia này mặc áo vàng trong suốt 11 ngày liên tiếp của giải đấu cho đến chặng đua áp chót. Nắm giữ lợi thế dẫn trước đối thủ bám đuổi gần nhất là cua-rơ đồng hương Tadej Pogacar đến 57 giây, tất cả đã nghĩ về một chiến thắng chung cuộc cho Roglic. Điều bất ngờ xuất hiện khi Pogacar ngược dòng thành công, đánh bại Roglic với cách biệt thời gian lên tới 59 giây, con số đủ để tay đua trẻ 22 tuổi này giành chiến thắng Tour de France năm nay. Điều đáng nói, Roglic thể hiện tinh thần thể thao cao thượng khi trao cái ôm nồng ấm cùng những lời tán dương cho chiến thắng của người đồng hương Pogacar.

Iga Swiatek (quần vợt)

Swiatek cũng là một hiện tượng mới nổi khác của thể thao thế giới năm nay. Nữ tay vợt 19 tuổi này đã có chiến thắng đầu tay ở giải Roland Garros. Cô gái trẻ này đánh bại thuyết phục hạt giống số 2 Simona Halep ở vòng 4, trước khi thẳng tiến tới trận chung kết mà không để thua bất cứ séc đấu nào. Swiatek trở thành nữ tay vợt Ba Lan đầu tiên trong lịch sử vô địch Roland Garros, đồng thời là nhà vô địch trẻ nhất giải đấu này kể từ Monica Seles năm 1992.

Chú thích ảnh
Rashford xứng đáng là một trong những người hùng của thể thao thế giới năm 2020, nhờ những đóng góp tích cực từ sân cỏ đến các hoạt động cộng đồng

Lewis Hamilton (đua F1)

Nếu thành công của Roglic và Swiatek là biểu trưng cho những làn gió mới của đua xe đạp và quần vợt, Hamilton một lần nữa thể hiện đẳng cấp trên đường đua F1. Chức vô địch F1 mùa giải năm nay chính thức giúp tay đua người Anh cân bằng kỷ lục 7 lần vô địch của tay đua huyền thoại Michael Schumacher. Số chiến thắng chặng của Hamilton là 95, nhỉnh hơn con số 91 của Michael Schumacher và nhiều khả năng sẽ sớm chạm mốc 100 trong tương lai gần. Riêng mùa giải năm nay, Hamilton liên tục tạo ra những cột mốc về kỷ lục giành pole ở vòng phân hạng, số lần hiện diện trên bục podium nhiều nhất, số điểm giành được nhiều nhất trong một mùa giải. Chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy tay đua 35 tuổi này sẽ ngừng hướng đến những mục tiêu trong mùa giải năm tới.

Ở chiều ngược lại, đây là những thất bại tiêu biểu của thể thao 2020

Novak Djokovic (quần vợt)

2020 chắc chắn không phải một năm trong mơ của Djokovic. Hồi tháng Tư năm nay, anh hứng chịu những lời chỉ trích khi có những bình luận tiêu cực về chuyện vắc-xin phòng Covid-19. Hai tháng sau, tay vợt người Serbia tổ chức giải quần vợt Adria, nơi chứng kiến hàng loạt tay vợt trong đó có chính Djokovic dương tính với virus corona. Đến tháng Chín năm nay, một lần nữa Djokovic bị gọi tên vì một sự cố không đáng có: Anh bị xử thua ở US Open chỉ vì tức giận đến mức đánh trái bóng tennis trúng mặt một trọng tài hiện diện trên sân.

Greg Clarke (bóng đá)

Không ai dám tin một vị lãnh đạo cấp cao như ông Greg Clarke, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) lại có hàng loạt phát ngôn không chuẩn mực. Cụ thể, hồi tháng 11 vừa qua, ông Clarke đã mô tả những cầu thủ da đen là “lũ da màu”, đồng thời để lộ phát biểu mang tính phân biệt chủng tộc với người châu Á, những cầu thủ nữ trẻ tuổi và cả giới cầu thủ lưỡng tính. Thật không may, những phát ngôn này lại xuất hiện ngay trong cuộc họp cùng Bộ truyền thông, kỹ thuật số, văn hóa và thể thao Anh. Hệ quả, ông Clarke buộc phải rời ghế người đứng đầu FA cũng như Phó Chủ tịch FIFA ngay tức thì, để lại tiếng xấu khó gột rửa cho cá nhân cũng Liên đoàn bóng đá Anh. Bản thân tổ chức cao nhất của bóng đá xứ sương mù cũng đang loay hoay đi tìm người kế nhiệm ông.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm