Thể thao thế giới 2019: Những thông điệp của các VĐV

03/01/2020 06:23 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019 chuẩn bị kết thúc, và một trong những khía cạnh đáng nói trong năm là tiếng nói của các VĐV thể thao ngày càng có tác động sâu rộng đến xã hội. Từ những vấn đề về giới tính cho đến những câu chuyện xã hội.

VIDEO bóng đá: Người yêu thể thao Việt Nam xem gì trong năm 2020?

VIDEO bóng đá: Người yêu thể thao Việt Nam xem gì trong năm 2020?

Trong năm 2020, rất nhiều sự kiện thể thao quốc tế lớn sẽ diễn ra, trong đó, đặc biệt là EURO 2020, giải đấu kỉ niệm 60 năm ngày ra đời được tổ chức ở 12 thành phố lớn. Những người yêu quần vợt sẽ không thể bỏ lỡ cuộc cạnh tranh vĩ đại giữa Federer, Nadal và Djokovic, trong khi đó, cũng không thể bỏ qua cơ hội được chứng kiến một tay đua nào đó lật đổ Hamilton tại trường đua Mỹ Đình, hoặc mong chờ sự xuất hiện của một Usain Bolt mới hay Micheal Phelps mới tại Olympic Tokyo 2020.

Chúng ta bắt đầu câu chuyện từ Megan Rapinoe, người đã có công đưa đội tuyển bóng đá Mỹ đến chức vô địch World Cup nữ ở Pháp hồi tháng Bảy vừa qua. Điều đọng lại về Rapinoe không chỉ nằm ở tài năng của cô, mà còn là mái tóc màu tím mang thông điệp kêu gọi bình đẳng giới.

Những VĐV thể thao đã chủ động lên tiếng

Thể thao bây giờ không chỉ đơn thuần là chuyên môn nữa, mà nó đang được đặt trong sự tương tác với các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của toàn cầu. Hành động của Rapinoe và các cầu thủ nữ Mỹ là câu trả lời cho đòi hỏi được trả thù lao tương xứng với các nam đồng nghiệp. Cô thậm chí còn kêu gọi Tổng thống Donald Trump đưa ra giải pháp cho tình trạng này. Đó là chỉ dấu cho thấy quyết tâm không ngừng nghỉ của Rapinoe: “Đây là trách nhiệm của tôi. Chúng tôi cần phải được yêu thương nhiều hơn, tạo ra một vị thế tốt hơn trên thế giới”.

Trong một năm 2019 nhiều biến động thế giới, thể thao không chịu đứng ngoài cuộc. Các vận động viên thay vì cam chịu làm nạn nhân của những chấn thương, tệ phân biệt chủng tộc hay những bất công xã hội, đang muốn giành lấy vị thế chủ động cho sự bình đẳng giới, một thế giới thể thao không biên giới. Minh chứng rõ ràng nhất đến chức vô địch Giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA) của Toronto Raptors, đội bóng rổ Canada tập hợp những tài năng đến từ châu Phi và Tây Ban Nha hay ngôi sao môn bóng đá Mỹ (NFL) Andrew Luck quyết định giã từ sự nghiệp ở tuổi 29 nhằm chấm dứt bi kịch chấn thương mà những người đồng nghiệp của anh vẫn phải âm thầm chịu đựng. Hay như Brandon Brooks, một cầu thủ NFL khác, chủ động rời trận đấu khi mắc hội chứng lo âu.

Trở lại với câu chuyện ở môn bóng đá nữ. Mary Jo Kane, người sáng lập Trung tâm nghiên cứu về các nữ VĐV thể thao mang tên Tucker, khẳng định đòi hỏi của các cầu thủ nữ tạo ra niềm tin về những đòi hỏi cho sự công bằng giới tính thể thao vốn đã kéo dài cả nghìn năm qua: “Lần đầu tiên các nữ cầu thủ trẻ tuổi cảm nhận được uy quyền của bản thân. Họ không hề e sợ đến mức phải xin lỗi khi hứng chịu những lời chỉ trích chỉ vì sử dụng giải World Cup nữ làm bàn đạp để thể hiện mong muốn của bản thân. Quan trọng hơn hết, những nữ cầu thủ ấy đã là người thắng cuộc”.

Chú thích ảnh
Năm 2019 chứng kiến tác động sâu rộng của thể thao với đời sống, với một trong số đó là những băng rôn kêu gọi bình đẳng cho các nữ cầu thủ

Năm 2019 còn ghi nhận một sự kiện đáng chú ý ở môn thể dục dụng cụ. VĐV Simone Biles đã giành tới 25 huy chương ở một giải VĐTG thể dục dụng cụ. Chiến tích ấy đến chỉ một năm sau khi cô tuyên bố trang Twitter cá nhân về việc mình là một trong số hàng trăm VĐV bị Larry Nassar, cựu bác sĩ đội tuyển thể dục dụng cụ Mỹ, xâm hại tình dục.

Ngày nay, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội cũng như các nền tảng phát trực tuyến, các VĐV thể thao có nhiều cách thức để đưa ra tiếng nói của mình, thay vì phải trông chờ vào những trang báo. Chẳng hạn trong một series chương trình Op-Docs trên trang New York Times, hai VĐV điền kinh Alysia Montano và Allyson Felix đã tiết lộ ngay sau khi họ sinh con, nhà tài trợ Nike đã phạt tiền họ vì không đáp ứng được thành tích tiêu chuẩn. Họ ngay lập tức đòi hỏi khoản tiền thai sản đồng thời không được phép giảm tiền thưởng. Dưới sức ép của công luận, hãng thể thao của Mỹ buộc phải thay đổi chính sách.

Chính trị và thể thao không còn biệt lập như trước

Bên cạnh tác động đến những vấn đề xã hội, thể thao còn là cơ hội để tạo ra mối liên kết nào đó với chính trị, cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực. Khi Tiger Woods giành chức vô địch giải Masters ở tuổi 43, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng dành thời gian chơi golf cùng Woods, đã trao tặng tấm Huân chương Tự do Tổng thống danh giá cho tay golf này ở Nhà Trắng như một sự ghi nhận về nghị lực trở lại thi đấu của anh. Nhưng không phải lúc nào Tổng thống Trump cũng được giới thể thao yêu mến, bằng chứng là những tiếng la ó của khán giả khi ông dự xem một trận đấu bóng chày.

Ở khía cạnh tiêu cực, NBA chính là giải đấu chịu hệ lụy nặng nề từ những yếu tố bên ngoài sân đấu. Hôm 4/10, Daryl Morey, giám đốc điều hành đội Houston Rockets, đã đăng dòng tweet ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, ngay trong ngày đội bóng rổ này đi du đấu ở Trung Quốc: “Chiến đấu vì tự do, Sát cánh cùng người Hồng Kông”. Ngay lập tức, chính phủ Trung Quốc bày tỏ sự tức giận và yêu cầu NBA sa thải Morey. Khi đề nghị không được đáp ứng, các công ty Trung Quốc hủy bỏ việc tài trợ cho giải bóng rổ NBA, cũng như Trung Quốc ngưng việc phát sóng giải đấu này cho đến cuối năm. Gần đây nhất, trận đấu giữa Arsenal và Man City hôm Chủ Nhật tuần trước đã bị ngừng chiếu ở Trung Quốc vì những phát ngôn không chuẩn mực của Mesut Oezil trên trang Twitter cá nhân của mình. Rõ ràng, bất cứ động thái nào của các VĐV lẫn quan chức thể thao, dù qua lời nói hay những phát ngôn trên mạng xã hội, đều có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của bất cứ môn thể thao nào ở phạm vi toàn thế giới.

Để khép lại những câu chuyện về thể thao và tác động đến xã hội trong năm 2019 vừa qua, cần phải dành những lời khen cho nữ cầu thủ Rapinoe, người đã giành giải thưởng Ballon d’Or dành cho nữ hồi đầu tháng. Cô đã kêu gọi các nam cầu thủ bao gồm Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo cần phải chung tay cho sự bình đẳng giới trong bóng đá. Dù mọi chuyện chưa có chuyển biến rõ rệt, nhưng đó là tín hiệu cho một năm 2020 đầy lạc quan về tính tương tác của thể thao với đời sống.

Đức Hùng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm